Hàng hải

Quy hoạch 5 lĩnh vực ngành GTVT đang triển khai thế nào?

02/03/2022, 18:01

Triển khai Luật Quy hoạch mới, Bộ GTVT đã xây dựng và trình Chính phủ quy hoạch cả 5 lĩnh vực chuyên ngành…

4/38 quy hoạch chuyên ngành quốc gia được duyệt

“Vụ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với cơ quan liên quan tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy hoạch cảng hàng không, sây bay.

Tổng cục Đường bộ, các Cục quản lý chuyên ngành khẩn trương hoàn thiện kế hoạch, cơ chế, chính sách đột phá để triển khai thực hiện các quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GTVT chỉ đạo tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ tháng 3/2022 và những tháng trước đó.

img

Tính đến nay, 4 quy hoạch chuyên ngành quốc gia được duyệt đều thuộc lĩnh vực GTVT - Ảnh minh họa

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch - Đầu tư kết quả triển khai tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch, đối với nhóm quy hoạch chuyên ngành quốc gia, tính đến nay, có 4/38 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt; 14/38 quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong, lấy ý kiến, trình thẩm định; 20/38 quy hoạch các Bộ đã báo cáo về tiến độ, kế hoạch, cam kết hoàn thành xong trước ngày 31/12/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.

“Giao thông có ý nghĩa quyết định phát triển kinh tế và bao giờ cũng phải đi trước một bước, có giao thông kết nối mới có giao lưu thương mại.

Việc Bộ GTVT chuẩn bị tích cực các quy hoạch và được Chính phủ thông qua rất có ý nghĩa trong giai đoạn phát triển trung hạn, đặc biệt là giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 hiện nay. Quan trọng hơn, sau khi quy hoạch được phê duyệt, Bộ GTVT cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị triển khai đúng lộ trình và đảm bảo chất lượng”, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Đáng chú ý, 4 quy hoạch được duyệt chính là quy hoạch chuyên ngành về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa do Bộ GTVT chỉ đạo xây dựng, trình Chính phủ.

Riêng quy hoạch chuyên ngành hàng không hiện đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, Thường trực Chính phủ cho ý kiến và đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

“Đây là lần đầu tiên cả 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT được lập đồng thời theo hướng tích hợp, đảm bảo tính đồng bộ, linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, quy hoạch là cái gốc, là định hướng của lĩnh vực, không có quy hoạch thì không thể trình các dự án, các quy hoạch của Bộ GTVT xây dựng đã được nghiên cứu và tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương để đạt được chất lượng tốt nhất”, đại diện Bộ GTVT chia sẻ.

Kỳ vọng đột phá từ hàng hải, đường thủy

Đánh giá cao về tiến độ xây dựng quy hoạch của Bộ GTVT, ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho rằng, các quy hoạch giao thông tổng thể sẽ là tiền đề quan trọng để các tỉnh, thành cập nhật, xác định rõ hơn định hướng phát triển trong quy hoạch của địa phương mình.

“Kinh tế phát triển từ hoạt động giao thương không thể thiếu sự kết nối của các phương thức giao thông. Từ đó có thể thấy được, sự bứt tốc trong xây dựng quy hoạch của Bộ GTVT là vô cùng ý nghĩa”, ông Hoàng nói.

img

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới được đánh giá có nhiều đột phá, đáng chú ý là việc ưu tiên nghiên cứu phát triển tại khu vực Vân Phong và Trần Đề, tạo động lực phát triển - Ảnh minh họa

Ông Hoàng cũng bày tỏ vui mừng khi sự liên kết trong quy hoạch giao thông đã được chú trọng, đặc biệt là giữa lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa.

Từ trước đến nay, đường thủy và hàng hải vẫn mỗi lĩnh vực một ngã rẽ. Đường thủy nội địa dù là phương thức vận tải xanh và khối lượng lớn, song, sự bổ trợ cho việc rút hàng từ cảng biển còn rất hạn chế.

“Tại quy hoạch lần này, tồn tại ấy đã được nhìn nhận nghiêm túc và thống nhất. Lần đầu tiên các bến cảng phục vụ phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển được đưa vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển.

Ở chiều ngược lại, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa xác định các giải pháp hình thành các tuyến vận tải, trung tâm logistics đa phương thức, tăng cường kết nối với cảng biển, thúc đẩy các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn giao thông kết nối với cảng biển”, ông Hoàng nhận định.

Với quy hoạch chuyên ngành hàng hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển VN đánh giá, quy hoạch lần này đã làm rất bài bản, chi tiết, có sự nghiên cứu rất tổng thể, phát huy được điểm mạnh của từng vùng miền, địa phương.

“Hơn 2 thập kỷ qua, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có sự lột xác ấn tượng, song, không thể phủ nhận, quá trình phát triển vẫn còn manh mún, lợi ích cục bộ ở từng địa phương.

Tuy nhiên, quy hoạch tổng thể về phát triển hệ thống cảng biển giai đoạn mới đã đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và xác định rõ ở vị trí nào, địa phương nào sẽ xây cảng cho loại tàu, hàng hóa nào, đảm bảo hiệu quả trong đầu tư”, ông Hoàng phân tích.

img

Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa cũng đề xuất nhiều cơ chế, dự án quan trọng để tận dụng được tiềm năng, phát huy lợi thế vận tải khối lượng lớn - Ảnh minh họa

Nhiều cơ chế đột phá

Bên cạnh sự đột phá về quy hoạch bến cảng phục vụ phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển, Cục Hàng hải VN cũng chỉ ra 5 điểm đột phá khác tại quy hoạch cảng biển lần này.

Cụ thể, mặc dù quy hoạch cảng biển đã được triển khai lập và thực hiện trong 20 năm qua nhưng đây là lần đầu tiên quy hoạch cảng biển được thực hiện với trình tự thủ tục chặt chẽ quy định trong Luật Quy hoạch.

Lần đầu tiên quy hoạch 5 chuyên ngành GTVT được thực hiện đồng thời. Trong quy hoạch 5 chuyên ngành GTVT, cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí. Các phương thức khác tùy thuộc vào lượng hàng hóa thông qua cảng, chủng loại hàng, cự ly, điều kiện tự nhiên và khả năng huy động nguồn lực sẽ được ưu tiên kết nối với vai trò gom và giải tỏa hàng hóa cho cảng biển.

Quy hoạch lần này đưa các nội dung của Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 vào thực tiễn, hoạch định rõ vai trò và định hướng phát triển hệ thống cảng cạn tại các chân hàng nằm sâu trong lục địa như “cánh tay nối dài” của hệ thống cảng biển.

Đồng thời, quy hoạch tích hợp nội dung phát triển cảng biển bao gồm không gian phát triển vùng đất, vùng nước; Xác định đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng, quản lý, khai thác hướng tới xây dựng cảng biển xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên đường bờ.

Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua, hệ thống cảng biển Việt Nam được hoạch định phù hợp lợi thế điều kiện tự nhiên và nhu cầu phát triển kinh tế của từng địa phương, từng vùng; Có phân cấp vai trò của từng cảng.

Trong đó, hai cảng biển đặc biệt là Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu đóng vai trò là cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển quốc tế, tiếp nhận các tàu đi tuyến biển xa; 15 cảng loại I phục vụ cả nước hoặc liên vùng tiếp nhận tàu đi tuyến nội Á, Úc, châu Phi; 19 cảng biển loại II, III là các cảng biển cỡ vừa và nhỏ phục vụ vùng và địa phương, tiếp nhận tàu biển vận tải trên các tuyến biển cự ly ngắn, trung bình, đóng vai trò là cảng vệ tinh gom hàng cho các cảng biển chính.

“Đối với hạ tầng cảng biển, sẽ chú trọng ưu tiên đầu tư các bến tiếp theo thuộc khu bến Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải, bến khởi động khu bến Nam Đồ Sơn và kêu gọi các bến cảng tại cảng biển tiềm năng Vân Phong, Trần Đề.

Năng lực của hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua đến năm 2030 từ hơn 1,1 tỷ tấn đến hơn 1,4 tỷ tấn (gấp 1,64 - 2 lần so với sản lượng hàng thông qua cảng biển năm 2020), trong đó hàng container từ 38 - 47 triệu TEU”, đại diện Cục Hàng hải thông tin.

Đối với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, đột phá được đưa ra với định hướng hình thành 9 hành lang vận tải chủ đạo với 55 các tuyến vận tải chính mang tính hệ thống trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300 km, phù hợp và tận dụng được tối đa điều kiện tự nhiên, tiềm năng của mạng lưới sông kênh từng vùng, miền; phát huy ưu thế của vận tải sông pha biển (VR-SB); hình thành các cảng đầu mối có quy mô lớn có công nghệ bốc xếp hiện đại, tiến tới hình thành các trung tâm logistics ĐTNĐ và tham gia vận tải đa phương thức.

Quy hoạch cũng xác định đẩy mạnh kết nối giữa đường thủy nội địa và đường bộ, cảng biển; Xây dựng các khu bến cho phương tiện thủy nội địa tại các cảng biển đảm bảo kết nối đường thủy nội địa với các cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu và các cảng biển khác.

Ưu tiên phát triển nhiều dự án trong giai đoạn 2021 - 2025

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 đề xuất 18 dự án ưu tiên nguồn vốn phát triển trong 5 năm tới. Một số dự án được đề xuất đầu tư bằng vốn đầu tư công như: ĐTXD công trình luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 (2.200 tỷ đồng); Đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải (1.400 tỷ đồng); đầu tư khu bến cảng Liên Chiểu - phần hạ tầng dùng chung (hơn 3.400 tỷ đồng),...

Các dự án đầu tư đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, gồm: dự án đầu tư xây dựng bến 3, 4, 5, 6 cảng Lạch Huyện (hơn 13.000 tỷ đồng) và đầu tư khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng (32.000 tỷ đồng).

Trên cơ sở quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được duyệt, Bộ GTVT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bao gồm các dự án mang tính đột phá, tháo gỡ những nút thắt cơ bản như: Dự án cải tạo tĩnh không cầu Đuống (1.700 tỷ đồng); dự án cải tạo tĩnh không các cầu thấp khu vực phía Nam (2.250 tỷ đồng); dự án cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo GĐ2 (2.600 tỷ đồng); dự án phát triển hạ tầng logistics phía Nam (3.900 tỷ đồng).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.