Hạ tầng

Quy hoạch giao thông TP.HCM phải gắn với phát triển kinh tế

20/08/2022, 17:25

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng "làm kinh tế giao thông chứ không đơn thuần là dự án giao thông, giao thông đi trước mở đường".

Sáng 20/8, UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo chuyên đề về quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM. Tham dự hội thảo có ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cùng đại diện các tỉnh, thành trong khu vực và chuyên gia trong ngành Giao thông.

Kết nối giao thông chưa đồng bộ

img

Quy hoạch giao thông TP.HCM gắn với phát triển vùng, kinh tế

Báo cáo tại hội thảo, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP cho biết, đến nay, tình hình thực hiện các công trình giao thông kết nối vùng theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số và tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của thành phố.

Cụ thể, theo đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, hệ thống giao thông đường bộ gồm 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 353km, quy mô từ 6 - 8 làn xe; 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài trên địa bàn thành phố khoảng 106.7km, quy mô đường cấp I, II (8-12 làn xe).

8 tuyến đường sắt quốc gia với tổng chiều dài 697km; 8 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 172,6km và 7 Depot (Suối Tiên, Tham Lương, Tân Kiên, Hiệp Bình Phước, Thạnh Xuân, Nhà Bè, Đa Phước). Hệ thống xe buýt nhanh với 6 tuyến, chiều dài 95,2km…

Tuy nhiên, hiện nay thành phố mới chỉ có tuyến đường sắt Bắc - Nam còn những tuyến đường sắt khác chưa triển khai. Đối với các tuyến xe buýt nhanh, TP.HCM sẽ có 6 tuyến và đang triển khai thực hiện tuyến số 1.

Theo ông Lâm, trong tương lai thành phố sẽ cần nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh sao cho phù hợp với quy mô, tầm nhìn phát triển của TP. Chẳng hạn như bổ sung quy hoạch hệ thống đường bên sông Sài Gòn tuyến nối vào trung tâm TP với khu vực phía Tây Bắc TP...

Hệ thống đường sắt đô thị, quy hoạch đô thị theo hình thức TOD, các tuyến đường sắt đô thị kết nối với các sân bay, cảng biển... tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện nay, Chính phủ đã có quy hoạch ngành, cơ bản phù hợp với các quy hoạch trước đây, song sự kết hợp với các tỉnh liền kề với nhau là trách nhiệm của các địa phương. Đơn cử như kết nối TP.HCM và Nhơn Trạch, Đồng Nai cũng đang được hai địa phương triển khai.

“Các dự án giao thông khi đề xuất kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cần nghiên cứu các phương thức đầu tư theo hình thức PPP đang áp dụng phổ biến trên thế giới. Bởi nếu trông chờ vào đầu tư công thì rất khó để hoàn thiện các dự án giao thông này”, ông Lâm nói.

Giao thông đi trước mở đường, phát triển kinh tế

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết quy hoạch giao thông của thành phố được phê duyệt năm 2013 đã góp phần phát triển giao thông, qua đó đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, quy hoạch giao thông đã bộc lộ những bất cập. “Đó là những điểm nghẽn, nút thắt không chỉ nhìn ở phạm vi của ngành Giao thông mà còn là vấn đề phát triển kinh tế, xã hội thành phố; không chỉ của thành phố mà còn của khu vực, của vùng”, ông Mãi nhấn mạnh.

Theo ông Mãi, để quy hoạch giao thông đạt kết quả cao nhất cần đặt TP.HCM với các mối quan hệ vùng như Đông Nam bộ, ĐBSCL. Do đó, TP.HCM đang tập trung triển khai quy hoạch chung của thành phố. Thành phố sẽ rà soát các lĩnh vực, trong đó có ngành Giao thông. Bởi giao thông đi trước sẽ mở đường cho các ngành nghề được phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Vừa qua, các công trình giao thông cần rất nhiều vốn, mặt bằng, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân nên cần có cách làm để mang lại hiệu quả. Chúng ta làm kinh tế giao thông chứ không đơn thuần là dự án giao thông. Đó là kinh tế đất đai, câu chuyện giải quyết hài hòa quyền lợi của người dân, nhà đầu tư, nhà nước để đẩy nhanh được các dự án giao thông. Những điểm mới này cần nhìn rộng hơn trong mối liên kết “giao thông thành phố không chỉ nằm trong địa giới thành phố mà phải kết nối các tỉnh, vùng lân cận, kết nối quốc gia, quốc tế”, ông Mãi nói.

Ông Mãi cho rằng, nhu cầu phát triển hệ thống giao thông về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không của thành phố là rất lớn. Nếu chỉ dựa vào ngân sách thì không đủ và kéo dài rất lâu, làm chậm sự phát triển của thành phố, vùng, đất nước nên việc tìm kiếm các mô hình, cơ chế tài chính để giải quyết vấn đề là rất cần thiết. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn được lắng nghe ý kiến chuyên gia để giúp TP quy hoạch, nhận diện giao thông TP”, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Về quy hoạch giao thông của TP, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT xác định: TP.HCM là trung tâm kinh tế trọng lực của cả nước, vì là trung tâm của vùng Đông Nam Bộ, đóng góp cho sự phát triển của GDP 34%, nguồn thu ngân sách 60% ngày càng có vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị… Đây vùng hạt nhân phát triển kinh tế của cả nước. Vì vậy xác định quy hoạch hạ tầng giao thông TP.HCM và vùng hết sức quan trọng để định hướng.

Theo Thứ trưởng Tuấn, đối với quy hoạch tổng thể quốc gia về lĩnh vực giao thông đường bộ hiện nay đã được Thủ tướng phê duyệt 4 quy hoạch: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đang hoàn chỉnh quy hoạch hàng không.

Giao thông TP.HCM khu vực Đông Nam Bộ cơ bản giữ nguyên. Việc vận chuyển bằng đường hàng không ở khu vực Đông Nam Bộ rất lớn, đến năm 2050 dự báo là 150 triệu hành khách, cùng với đó là nâng cấp cảng sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng mới cảng sân bay Long Thành.

“Điều chỉnh quy hoạch thống nhất nhưng cũng phải linh động, quy hoạch giao thông đô thị gắn kết quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch sát thực tiễn, sát mục tiêu của thành phố càng tốt. Chẳng hạn nút giao An Phú của thành phố nghiên cứu khi làm xong thì những nút giao khác có ùn tắc không, làm thế nào để liên hoàn với nhau”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.