Hàng hải

Quy hoạch hệ thống cảng biển Đồng Nai tầm nhìn đến năm 2050 như thế nào?

12/05/2022, 20:28

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, tỉnh Đồng Nai cần ưu tiên để tiếp nhận các loại tàu tuyến nội Á và tàu nội địa…

Chiều 12/5, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 4 thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh này đã có chuyến khảo sát hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh.

img

Hệ thống bến cảng ở Đồng Nai sẽ được quy hoạch lại để tăng năng lực tiếp nhận tàu tuyến nội Á và tuyến thủy nội địa

Báo cáo với đoàn công tác tại buổi làm việc, đại diện Công ty CP TVXD Công trình Hàng hải (CMB) cho biết, Đồng Nai hiện có các cảng biển, gồm: Khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái (trên sông Thị Vải), phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Đông Nam bộ và khu vực Tây Nguyên, có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí. Khu bến này tiếp nhận cỡ tàu đến 60.000 tấn phía hạ lưu cầu Phước An và đến 30.000 tấn phía thượng lưu cầu Phước An đến Gò Dầu, Phước Thái phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải và tĩnh không công trình vượt sông.

Khu bến Nhơn Trạch có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, tiếp nhận cỡ tàu trọng tải đến 45.000 tấn hoặc lớn hơn giảm tải phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải và tĩnh không công trình vượt sông.

Khu bến Long Bình Tân (trên sông Đồng Nai) là khu bến vệ tinh, đầu mối gom hàng cho các cảng biển trong khu vực và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, có bến tổng hợp, container, hàng lỏng/khí, tiếp nhận cỡ tàu trọng tải đến 5.000 tấn.

Đại diện đơn vị này đề xuất, cần rà soát các dự án cảng biển, cảng cạn chậm tiến độ; Quy hoạch các khu bến tổng hợp, container tập trung tại Nhơn Trạch, Phước An gắn với các trung tâm logistics sau cảng và hệ thống giao thông kết nối đồng bộ.

img

Toàn cảnh buổi làm việc

Cùng đó, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực đầu tư, khai thác cảng biển, logistics đồng bộ phù hợp với dự báo nhu cầu hàng hóa thông qua. Triển khai đầu tư tuyến đường liên cảng Nhơn Trạch, Phước An đồng bộ với tiến trình xây dựng cảng. Cải tạo luồng hàng hải như: luồng Cái Mép - Thị Vải (trong đó khu Phước An, Mỹ Xuân 60.000DWT; khu Gò Dầu, Phước Thái 30.000DWT); thanh thải dải cạn thuộc cù lao Ba Xang trên tuyến luồng sông Đồng Nai cho tàu 5.000DWT, nâng tĩnh không cầu Đồng Nai đáp ứng nhu cầu vận tải container từ Đồng Nai, Bình Dương về Cái Mép - Thị Vải và khu vực TP.HCM…

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) cho rằng, ngành hàng hải có sự thay đổi đáng kể trong 10 năm qua. Việc các hãng tàu tập trung đưa vào các tàu có trọng tải lớn để giảm chi phí vận tải. Vì vậy, cần ưu tiên phát triển các bến cho tàu trọng tải lớn.

Trong đó, cần tập trung phát triển khu Phước An, Gò Dầu là khu bến chính của cảng biển Đồng Nai. Điều chỉnh quy mô phạm vi quy hoạch khu bến Nhơn Trạch, bổ sung khu bến trên sông Đồng Tranh.

Xem xét gom khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An vào vùng đất vùng nước cảng biển. Bố trí khu bến sà lan phía sau khu bến Phước An. Quy hoạch tuyến đường ra cảng Phước An đồng bộ với quy mô khu bến với 6 - 8 làn xe; Phát triển khu bến Phước Thái - khu Gò Dầu…

Sau khi nghe tư vấn và đại diện các đơn vị chức năng trình bày, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho rằng, tỉnh Đồng Nai cần ưu tiên để tiếp nhận các loại tàu tuyến nội Á và tàu nội địa. Riêng tàu tuyến biển xa đã có cụm cảng Cái Mép - Thị Vải tiếp nhận.

img

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang phát biểu

Nhiều khu bến trên sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, là khu vực bờ bồi, tĩnh không hạn chế. Việc phân bổ hàng hóa không phù hợp và phải đầu tư hạ tầng. Với các đoạn trên sông Đồng Nai, Nhà Bè không quy hoạch cảng biển nữa mà bổ sung các bến chuyên dùng, bến tổng hợp để có thể tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 50.000 tấn. Bổ sung một số bến chuyên dùng tổng hợp trên sông Đồng Tranh…

Thứ trưởng gợi ý, bến Phước An có nên mở rộng công suất, tăng khả năng tiếp nhận cỡ tàu lớn hơn; cũng như việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào các bến chuyên dùng. Đồng thời, nhất trí với tư vấn về việc mở các bến thủy nội địa ở phía sông Gò Gia.

“Trước kia, việc đầu tư các bến chuyên dùng chỉ phục vụ cho nhà máy, khu công nghiệp, có nên mở rộng việc sử dụng các bến này để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh…”, Thứ trưởng nêu.

Thứ trưởng cũng lưu ý, hệ thống cảng cạn ở Đồng Nai, trước kia đề xuất xây dựng rất nhiều nhưng lại bỏ ra, đề nghị cần rà soát, tính toán kỹ mới xây dựng phương án quy hoạch để trình Chính phủ phê duyệt.

Theo Thứ trưởng, cần thiết phải nâng tĩnh không cầu Đồng Nai cũ lên 7m để phát triển hệ thống thủy nội địa phía thượng nguồn…

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, hiện nay, mọi hoạt động kinh tế của Đông Nam bộ đều đang hướng về Long Thành và Cái Mép. Vận tải thủy phải nhanh nhất, rẻ nhất để cạnh tranh với khu vực thì mới thành công, còn nếu hàng về Cái Mép mà cao hơn về Singapore và khu vực thì “hỏng”. Đồng Nai đón tàu nhỏ để phục vụ tuyến nội Á và thủy nội địa. Cái Mép - Thị Vải thì cạnh tranh với Singapore…

“Nỗ lực kéo hàng, kéo tàu, tạo nên sự thịnh vượng của Đồng Nai là trách nhiệm lớn. Về 3 địa điểm cảng, thống nhất thay đổi ở khúc trên không làm cảng nữa mà làm ở khúc dưới. Thay đổi như vậy để tạo không gian phát triển. Đối với khu vực Phước An, thúc đẩy nhanh chóng để khai thác hiệu quả khu vực này...”, ông Lĩnh nói.

Bí thư Đồng Nai cũng ủng hộ chủ trương dùng các cảng chuyên dùng sang tích hợp, cần cho các cảng khai thác hiệu quả công năng còn dư thừa, không nên lãng phí. Về quy hoạch cảng cạn ICD phải liên quan đến tuyến đường sắt. Phải tính toán coi có bao nhiêu cảng cạn chứ quá nhiều cảng cạn không thể thiết kế điểm dừng cho đường sắt. Có thể chọn 3 điểm nhưng phải đủ lớn để đưa container về Cái Mép, Long Thành…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.