Hạ tầng

Quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây được điều chỉnh thế nào?

17/12/2022, 18:34

Quy mô lập điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây khoảng 702 ha, bao gồm phần đất và mặt nước (tăng 33,47 ha)...

Ngày 17/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, HĐND tỉnh vừa Quyết nghị phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế có ranh giới gồm phía Bắc giáp vịnh Chân Mây, phía Tây giáp vịnh Chân Mây và khu đô thị du lịch sinh thái biển Cảnh Dương; phía Đông giáp núi Gòn, mũi Chân Mây Đông và phía Nam giáp tuyến đường ven biển Cảnh Dương.

img

Tàu đang làm hàng tại cảng Chân Mây

Quy mô lập điều chỉnh quy hoạch khoảng 702 ha, bao gồm phần đất và mặt nước (tăng 33,47 ha).

Về tính chất, cảng Chân Mây là cảng tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, có bến chuyên dùng cho khách du lịch quốc tế; là đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, Đông Bắc Thái Lan.

Mục tiêu lập quy hoạch nói trên nhằm cụ thể hóa quy hoạch khu bến Chân Mây trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô được Thủ tướng phê duyệt.

Xây dựng cảng Chân Mây trở thành cảng biển có hạ tầng hiện đại, gắn liền với trung tâm logistics; trở thành đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu, phân phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đáp ứng vai trò là động lực quan trọng thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Đồng thời, làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý sử dụng đất đai và xây dựng theo quy hoạch, triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng và lập các dự án đầu tư xây dựng.

img

Phối cảnh khu cảng Chân Mây trưng bày tại Hội nghị tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây

Các phân khu chức năng gồm: khu bến cảng, khu kho bãi, khu văn phòng điều hành và hậu cần cảng, khu dịch vụ cảng; khu nước, luồng tàu và các công trình bảo vệ; đất cây xanh, mặt nước. Các chỉ tiêu quy hoạch chính như chỉ tiêu sử dụng đất, chỉ tiêu quy hoạch xây dựng cảng biển và các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật khác.

Tiến độ thực hiện sau khi nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt, thời gian hoàn thành không quá 6 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng tư vấn lập quy hoạch.

Liên quan đến cảng Chân Mây, như Báo Giao thông đã đưa tin, ngày 8/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ khởi công dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2 và Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ Hội nghị này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao chủ trương nghiên cứu đầu tư 7 dự án và trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án tiêu biểu, trong đó có dự án Bến số 4, 5 cảng VSICO - Chân Mây của Công ty CP Hàng hải VSICO.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Thừa Thiên Huế được xác định là cảng biển loại I.

img

Một góc khu bến Chân Mây và đê chắn sóng giai đoạn 1 đã được đầu tư

Trong đó, khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, Đông Bắc Thái Lan; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.

Đến nay, khu bến Chân Mây đã được đầu tư xây dựng 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5- 6 triệu tấn/năm.

Khu bến Chân Mây đã được Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam bổ sung công năng khai thác tàu container.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, lượng hàng hoá qua cảng Chân Mây ngày càng tăng cao, dự kiến năm 2022 lượng hàng thông qua khoảng 4-4,5 triệu tấn. Việc khu bến Chân Mây được khai thác tàu container, cùng với tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch, lượng hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ gia tăng; kết hợp với việc khai thác nguồn hàng từ Lào và Đông Bắc Thái Lan, dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây khoảng 20-25 triệu tấn/năm...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.