Hàng hải

Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ có những thay đổi gì?

14/01/2021, 19:12

Tại hội thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, nhiều đại biểu đề cao tính dự báo…

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu tại hội thảo

Ngày 14/1, tại TP.HCM, Bộ GTVT tổ chức hội thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Hệ thống cảng biển sẽ rút gọn thành 5 nhóm

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay, hệ thống cảng biển nước ta được chia làm 6 nhóm. Để phù hợp với điều kiện phân vùng kinh tế xã hội hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, các nhóm cảng biển được điều chỉnh lại thành 5 nhóm.

Đề án quy hoạch mới cũng đã phân loại cảng biển theo quy mô chức năng nhiệm vụ, gồm có các cảng biển loại đặc biệt, I, II, III.

Ngoài ra, đề án cũng phân loại các bến cảng theo công năng bốc dỡ chủng loại hàng hóa, phạm vi hoạt động kinh doanh. Mục tiêu là để phát triển hệ thống cảng biển theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng…

img

Toàn cảnh hội thảo

Tham luận tại hội thảo, ông Ngô Nhật Hưng, chuyên gia Cảng - Đường thủy và công trình biển (Đại hộc Quốc gia TP.HCM) cho biết, đến nay, hệ thống cảng biển nước ta đã được xây dựng với tổng chiều dài hơn 96km bến cảng, tổng công suất hàng hóa qua cảng đạt gần 690 triệu tấn. Các cảng biển hiện đại đã dần hình thành tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Hưng nhận thấy, đề án có sự nghiên cứu, phân tích, đánh giá và kế thừa các thành tựu đã đạt được trong quy hoạch thời kỳ trước để xây dựng quy hoạch thời kỳ mới.

Tuy nhiên theo ông, cần lưu ý thêm nhiều vấn đề như công tác dự báo vì đó là cơ sở dữ liệu quan trọng nhất của công tác quy hoạch.

"Báo cáo cần chỉ rõ các nội dung nào cần tiếp tục nghiên cứu trong các quy hoạch chi tiết sau này. Quy hoạch tổng thể cần được nghiên cứu theo hướng mở, có dự báo và tính đến xu thế phát triển của KHCN để tăng năng suất xếp dỡ, tăng công suất bến. Xu thế tăng kích cỡ đội tàu thế nào trên các tuyến hàng hải quốc tế? Khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, ngoài việc sớm hoàn chỉnh dự án luồng cho tàu lớn vào sông Hậu cần có cảng phục vụ xuất nhập khẩu trực tiếp của vùng...", ông Hưng đề xuất.

img

Ông Ngô Nhật Hưng, chuyên gia Cảng - Đường thủy và công trình biển tham luận

Trong khi đó, tham luận của đại diện Tân cảng Sài Gòn đề cập đến việc đầu tư phát triển hệ thống cảng container đi đôi với dự báo tốt hơn về chủng loại, kích cỡ tàu. Từ đó có chính sách phù hợp về đầu tư xây dựng hệ thống cảng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Trong phần thảo luận, nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề dự báo sản lượng hàng qua cảng, dự báo việc phát triển đội tàu, đặc biệt là những con tàu có kích cỡ siêu lớn đến các cảng làm hàng.

Đặc biệt, nhiều đại biểu rất quan tâm đến những bất cập từ việc thiếu sự đồng bộ hóa kết nối giao thông từ các cảng, ảnh hưởng đến đội giá chi phí logistics; Công tác nạo vét luồng bị chững lại do vướng mắc thủ tục hành chính về môi trường, không có nơi đổ bùn nạo vét.

img

Ông Võ Quốc Thắng, cảng Đồng Tâm Long An nêu ý kiến trong phần thảo luận

Phải đẩy cảng ra ngoài biển chứ không làm cảng vào bên trong

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ghi nhận và biểu dương các ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp cảng, các địa phương tiếp tục nghiên cứu, có văn bản bổ sung góp ý cho đề án để triển khai quy hoạch cho đúng. Tỉnh nào có cảng biển thì kinh tế phát triển nhanh, các quốc gia phát triển cũng nhờ có cảng nước sâu. Năm 2020, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lũ lụt, nhưng lượng hàng hóa qua cảng Việt Nam vẫn tăng trưởng 10% (đạt gần 680 triệu tấn hàng).

Thứ trưởng lưu ý và đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp, địa phương cần đặc biệt quan tâm đến phát cảng biển để hệ thống cảng biển có quy hoạch tốt, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của đất nước phát triển.

Thứ trưởng cho biết, việc nạo vét luồng hiện nay có những bất cập từ những thủ tục hành chính, song cũng có những đại phương phối hợp tốt với Cục Hàng hải về công tác nạo vét, duy tu tuyến luồng để tàu bè ra vào thuận tiện.

Theo Thứ trưởng, xây dựng cảng biển tới đây phải đẩy cảng ra ngoài biển chứ không làm cảng vào bên trong, gây sạt lở, tốn chi phí nạo vét.

"Buổi hội thảo bàn về chủ đề quy hoạch tổng thể nên các địa phương nghiên cứu cảng vị trí cảng đó có kết nối với đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, các khu công nghiệp, khu kinh tế có nằm gần đó không. Còn cụ thể các nhóm cảng thì đã có chi tiết, còn có cả quy hoạch chi tiết các vùng đất, vùng nước trước và sau cảng nữa. Nếu không có quy hoạch tổng thể, sau này điều chỉnh sẽ rất khó khăn…", Thứ trưởng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.