Xã hội

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Cần đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông

14/09/2022, 19:53

Theo GS. TSKH Lã Ngọc Khuê, quy hoạch tổng thể quốc gia quan trọng cho sự phát triển đất nước, trong đó cần đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông.

Sáng 14/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kéo giảm chi phí logistics

Phát biểu tại hội nghị, GS. TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Kết cấu hạ tầng giao thông cần đồng bộ, trong đó các chuyên ngành GTVT được sắp xếp, phân công theo đúng chức năng và vai trò, tận dụng những thế mạnh của ngành GTVT.

Tuy nhiên, điều làm ông Khuê băn khoăn là chi phí logistics của Việt Nam vẫn cao, ảnh hưởng trực tiếp tới xuất, nhập khẩu hàng hóa. Ước tính khoảng hơn 90% thị phần thuộc về các hãng tàu nước ngoài. Trong khi các chủ hàng “ngồi trên chảo lửa”, thị trường logistics lại là cơ hội kiếm lời cho các chủ tàu ngoại này.

img

GS. TSKH Lã Ngọc Khuê: Nếu chỉ dựa vào đường bộ cao tốc thì hệ thống kết cấu hạ tầng chưa thể đồng bộ.

Theo ước tính, chi phí logistics tại Việt Nam tương đương 20 - 22% GDP hàng năm, cao hơn đáng kể so với Thái Lan (19%), Trung Quốc (18%), Malaysia (13%) và cao gần gấp ba lần nếu so với các nước như Mỹ hay Singapore (8%)..

Ông Khuê nhấn mạnh: Lưu thông phân phối hàng hoá được thông suốt, có hiệu quả, sẽ góp phần to lớn giúp các ngành sản xuất phát triển; còn nếu bị ngưng trệ thì sẽ tác động xấu đến toàn bộ sản xuất và đời sống.

Đặc biệt là đường sắt, suất đầu tư cao nên chưa có điều kiện đầu tư nhưng tiêu tốn vật tư kỹ thuật và năng lượng ít. Một tấn cây số đi trên đường sắt bằng 1/10 mức tiêu hao năng lượng đi trên đường bộ. "Đường sắt có ưu việt, khối lượng vận tải lớn, tiết kiệm chi phí tiêu hao", GS.TSKH Lã Ngọc Khuê so sánh.

Nói về tầm nhìn 2030, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao việc đồng bộ hoàn thiện mạng lưới giao thông. Hướng tới vận tải hành khách công cộng đạt 30% trong thời gian sắp tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, cần kết nối hàng không với đường sắt cao tốc và tính toán thật kỹ trong quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia trong giai đoạn sắp tới.

Đường sắt cần phát triển mạnh

Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp ngày 28/10/2020 khi kiểm điểm về việc thực hiện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị về phát triển đường sắt, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ là trục xương sống cho toàn bộ kết cấu hạ tầng nói chung, những định hướng phát triển, đưa vào hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là dự án trọng điểm Quốc gia trong quy hoạch.

Nói về mục tiêu phát triển của đường sắt, GS.TSKH Lã Ngọc Khuê cho biết, việc xác định cho rõ mục tiêu phát triển, đặc biệt là những mục tiêu định lượng đặt ra cho các giai đoạn phát triển theo quy hoạch là điều hết sức hệ trọng.

Trong tình hình bình thường, việc xác định mục tiêu phát triển của toàn ngành GTVT nói chung và của ngành đường sắt nói riêng ít nhất phải được dựa trên những căn cứ như: Chiến lược và mục tiêu phát triển của nền kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển chung của toàn ngành GTVT trên cơ sở đã xác định rõ mô hình hợp thành cùng với vai trò, vị trí và sự phân giao thị phần cần đạt được của chuyên ngành vận tải, trong đó có đường sắt, nhằm đảm bảo cho toàn hệ thống phát triển chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, hiện nay giao thông đô thị của chúng ta đang có vấn đề lớn, người đông, mức độ tích tụ phương tiện sẽ căng thẳng hơn với các nước láng giềng. Nếu không giải quyết vấn đề giao thông đô thị thì Hà Nội và TP.HCM không thể phát huy được là vai trò đầu tầu kinh tế, để tạo nên cái động lực phát triển liên vùng, liên kết giữa các cái trung tâm lớn và Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng với các liên vùng khác

“Dứt khoát chúng ta phải phát triển giao thông công cộng nhưng không phải chỉ bằng vào các tuyến đường trung tâm hay các tuyến vành đai mà quan trọng là phải bằng hệ thống đường sắt đô thị, kết thông với hệ thống đường sắt liên vùng. Như vậy đồng bào nhiều vùng có thể đi vào trung tâm Hà Nội, Hồ Chí Minh, đến lúc đó chúng ta mới tính được hạn chế phương tiện cá nhân đi vào trung tâm thành phố. Như vậy sẽ nâng tỉ lệ sử dụng giao thông công cộng tối thiểu đạt 50% trong các chuyến đi”, ông Khuê nói.

img

Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhấn mạnh ngành vận tải đường sắt có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước không chỉ trong giai đoạn trước mắt mà lâu dài về sau, GS.TSKH Lã Ngọc Khuê cho rằng, trong quy hoạch tổng thể lần này thể hiện rất rõ điều đó. Trong số hành lang phát triển có hành lang Bắc – Nam, trước mắt dựa vào đường bộ cao tốc nhưng sau năm 2030, chúng ta phải khởi công và làm thế nào để đến năm 2040 đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có thể hoàn thành.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; đây là nhiệm vụ mới, rất quan trọng, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm.

Nhưng đây cũng là một cơ hội rất lớn để đánh giá lại hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể, qua đó cụ thể hóa đường hướng phát triển đất nước; định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của quốc gia.

Xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng một cách thực chất, tổng thể, qua đó đề xuất định hướng bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của đất nước, mở ra không gian phát triển mới, cơ hội phát triển mới, động lực phát triển mới để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch và triển khai lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm, tư tưởng chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.

Trong giai đoạn đến năm 2030, do nguồn lực phát triển có hạn, cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các lãnh thổ khác cùng phát triển; cụ thể là tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.