Xã hội

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Năm 2030 phấn đấu có 5.000 km đường bộ cao tốc

05/01/2023, 09:47

Quốc hội khoá XV chính thức khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2, bàn về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

5 quan điểm về tổ chức không gian phát triển

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

img

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; đã khai thác được tiềm năng, lợi thế của đất nước.

Tuy nhiên, quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn và thách thức như: Không gian phát triển bị chia cắt nhiều theo địa giới hành chính; liên kết còn nhiều bất cập; Đầu tư phát triển vẫn còn dàn trải theo các vùng, miền; Chưa hình thành rõ các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của đất nước; Chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia đồng bộ và hiện đại, kết cấu hạ tầng giao thông chưa được hoàn thiện...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn 5 quan điểm về tổ chức không gian phát triển.

Trong đó, không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế từng vùng, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao... để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp các dịch vụ công cho các khu vực khó khăn, đặc biệt là dịch vụ về y tế, giáo dục, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với địa bàn thuận lợi.

Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên; bảo đảm an ninh năng lượng, lương thực và nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu...

Tổ chức không gian phát triển quốc gia, các vùng, hành lang kinh tế, hệ thống đô thị phải gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn; gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời.

Chú trọng việc kết nối các hành lang kinh tế trong nước với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

img

Quang cảnh kỳ họp bất thường Quốc hội khoá XV

Phấn đấu cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc, một số đoạn đường sắt tốc độ cao

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng nêu tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất.

Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70-75%. Chỉ số phát triển con người ở mức rất cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc...

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, phấn đấu GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030.

Phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội; tập trung hình thành hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.

Cơ bản hình thành mạng lưới đô thị quốc gia; Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.

Về xã hội, quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Nâng cao chất lượng việc làm, giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức hợp lý.

Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực; Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, bao gồm các trục giao thông Bắc - Nam (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số đoạn của đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đường ven biển), các trục giao thông Đông - Tây quan trọng, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao trên tuyến Bắc - Nam, các tuyến đường sắt nối với các cảng biển lớn, đường sắt đô thị; các cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, các cảng hàng không quốc tế lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.