Chuyện dọc đường

Quy rõ trách nhiệm sẽ hết xe phá đường

11/03/2020, 10:00

Xe quá khổ, quá tải có dấu hiệu tái diễn, thậm chí bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, địa bàn, trên nhiều cấp độ đường sá.

img
Thanh tra Chi cục QLĐB I.6 cân tải trọng xe ben BKS: 29C-728.70 tại Km455+800 đường Hồ Chí Minh (chiếc xe này quá tải trọng thiết kế 116%). Ảnh: Nam Khánh

Sau nhiều năm kiên trì thực hiện kiểm soát xe quá tải, với sự vào cuộc quyết liệt của liên ngành Giao thông - Công an và chính quyền các địa phương, phải thừa nhận vấn nạn xe quá tải bước đầu được đẩy lùi, tỷ lệ xe vi phạm có thời điểm chưa tới 10%.

Nhưng rất tiếc, khi kết thúc Kế hoạch liên ngành 12593 giữa Bộ Công an và Bộ GTVT trong việc phối hợp, xử lý xe quá tải, lực lượng TTGT chỉ tập trung xử lý tại các bến bãi, đầu nguồn hàng, còn CSGT kiểm soát trên đường.

Cũng từ đây, xe quá khổ, quá tải có dấu hiệu tái diễn, thậm chí bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, địa bàn, trên nhiều cấp độ đường sá và là nguyên nhân chính khiến đường bị hỏng hóc, xuống cấp nghiêm trọng. Đây rõ ràng là bất cập lớn và lãng phí nhiều công sức, tiền của trong nhiều năm của không biết bao con người.

Đáng nói, dù báo chí liên tục phản ánh, dư luận bức xúc và biết bao vụ tai nạn thảm khốc, thương tâm đã xảy ra, song tình trạng xe quá khổ, quá tải phá nát cầu đường vẫn cứ tiếp diễn.

Nhiều chủ doanh nghiệp vẫn khoán trắng cho lái xe, tăng chuyến, tăng tải, ép lái xe chở quá tải, quá khổ. Nhiều cây cầu yếu phải “oằn mình” gánh chịu những lượt xe quá tải, đẩy nhanh tốc độ, mức độ hư hỏng cầu. Cũng có nghĩa là, những kẻ phá đường vẫn bất chấp dư luận, quyết tâm vi phạm đến cùng. Chẳng lẽ, chúng ta mãi thờ ơ và bất lực với những điều này?

Trong điều kiện ngân sách dành cho bảo trì đường bộ có hạn, nếu không sớm có các biện pháp ngăn chặn, kinh phí sửa chữa sẽ sớm “vượt” vốn đầu tư xây dựng. Hơn nữa, tình trạng xe chở quá tải tái diễn đang tạo ra sự bất bình đẳng, gây “méo mó” thị trường vận tải, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh.

Xe quá tải hoạt động trên địa bàn của đơn vị nào, vận chuyển từ nguồn hàng nào, lãnh đạo địa phương không thể không biết. Kể từ khi xe quá tải có dấu hiệu bùng phát trở lại, tôi chưa hề thấy có người đứng đầu địa phương nào phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra tình trạng này. Cũng chưa có lực lượng thực thi pháp luật nào bị truy cứu trách nhiệm khi để “lọt” xe vi phạm.

Vì thế, để ngăn xe quá tải tái bùng phát cần sự vào cuộc với trách nhiệm cao nhất của các cấp, các ngành, mà trước hết là của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Để làm được việc này, cần sớm ban hành quy định cụ thể và quy trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương khi để xảy ra tình trạng xe quá tải lưu thông trên địa bàn. Đồng thời, phải tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, cho phép lực lượng kiểm soát tải trọng xe xử lý tình huống đối với chủ phương tiện, lái xe cố tình chống đối.

Đối với tình trạng cố ý có hành vi chống đối lực lượng chức năng, cần xử lý hình sự, truy cứu trách nhiệm cả cá nhân, tổ chức có hành vi chở hàng quá tải ở mức cao, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.