Tài chính

Quy trách nhiệm mới hết “đẻ” ra quy định riêng

11/10/2021, 08:00

Tư duy chống dịch của lãnh đạo Chính phủ đã thay đổi song tại một số địa phương vẫn chưa thay đổi, hoặc chưa biến tư duy đó thành hành động.

Thời gian vừa qua, dù Chính phủ đã có chỉ đạo; các bộ, ngành như GTVT, Y tế đã có hướng dẫn rất cụ thể nhưng tại nhiều địa phương vẫn có tình trạng cát cứ, gây khó khăn, tốn kém cả về thời gian, tiền bạc, chi phí cơ hội cho doanh nghiệp, người dân.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ Quốc gia, để giải quyết vấn đề này phải thúc đẩy cả “điều kiện cần” và “điều kiện đủ”.

img

TS. Lê Xuân Nghĩa

Chưa quy trách nhiệm, địa phương sẽ chưa thay đổi

Theo ông, nguyên nhân thực trạng trên xuất phát từ đâu và có cách nào để xử lý vấn đề này?

Gần đây, tư duy chống dịch của lãnh đạo Chính phủ đã thay đổi, song tư duy lãnh đạo một số địa phương thì vẫn chưa thay đổi, hoặc chưa biến tư duy đó thành hành động, thành chính sách cụ thể trên địa bàn mình quản lý.

Việc “xây thành đắp lũy” theo cả nghĩa đen (ngăn đường, rào ngõ...) và nghĩa bóng (hệ thống quy định gây cản trở hoạt động giao thương, đi lại...) chính là biểu hiện của tư duy “zero Covid”.

Song về mặt khách quan, chúng ta cũng có thể hiểu và chia sẻ với lãnh đạo các địa phương này, bởi việc “mở cửa” có thể sẽ mang đến nhiều rủi ro trong bối cảnh họ còn thiếu nhiều điều kiện để có thể “sống chung an toàn với Covid-19”.

Thực sự chúng ta cũng chưa có một chính sách hỗ trợ mạnh mẽ nào về tài khóa. Đơn cử như chính sách miễn, giảm thuế. Người ta không có thu nhập, doanh thu, lợi nhuận thì có miễn, giảm thuế cũng chịu, không thụ hưởng được. Hay chính sách cho giãn, hoãn nợ. Tôi đã không trả được thì không giãn, hoãn tôi cũng không trả, vì lấy đâu ra mà trả?...
Do đó, tôi cho rằng, nếu không có gói cứu trợ để phục hồi lực lượng lao động và không có một gói cho vay hoặc bảo lãnh cho vay như các nước họ làm để các doanh nghiệp có “tiền tươi, thóc thật” phục hồi sản xuất thì có mở cửa cũng khó giải quyết được những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế.
TS. Lê Xuân Nghĩa


Điều kiện đầu tiên chính là độ phủ vaccine. Đến nay, số người đã tiêm được ít nhất 1 liều tại Việt Nam đạt gần 50%, tuy nhiên mới tập trung ở một số tỉnh, thành phố… trong khi gần 40 địa phương mới đạt độ phủ 1 mũi vaccine cho 10 - 30% dân số.

Trong khi đây cũng là những địa phương mà điều kiện y tế dự phòng còn thiếu và yếu.

Do vậy, lãnh đạo địa phương có tâm lý “be chắn” bởi phòng, chống dịch là một trong những “chỉ tiêu trách nhiệm” dễ có thể đo đếm.

Còn quy định phòng, chống dịch cực đoan mà ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp, người dân thì lại rất khó định lượng, hơn nữa cũng chưa bị quy trách nhiệm. Vậy thì họ cứ cực đoan thôi.

Do vậy, để các địa phương thực sự chuyển động trong tư duy và hành động chống dịch, tôi cho rằng cần thúc đẩy “điều kiện cần”, đó là đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine.

Cùng đó là tăng cường cung ứng thuốc điều trị Covid-19; chuẩn bị cơ sở, nhân lực y tế dự phòng cho các kịch bản dịch có thể xảy ra.

Đồng thời, phải có tầm nhìn dài hạn, liên tục cập nhật diễn biến mới để điều chỉnh. Tôi lấy ví dụ, theo phương án chống dịch xây dựng năm ngoái, chúng ta mới đặt ra tối đa 30.000 ca lây nhiễm trong nước. Trong khi thực tế hiện nay, con số đã lên gần 800.000 người.

Nhưng biến chủng Delta lần này lây lan rất nhanh, có thể đã nằm ngoài những dự báo?

Tôi rất chia sẻ, dịch bệnh khó lường, biến chủng lây lan nhanh, song rõ ràng là dự báo của chúng ta quá xa với thực tiễn, thì rất khó để có chiến lược, sách lược, giải pháp kịp thời, hiệu quả mà những gì TP.HCM đã và đang phải chống đỡ là một bài học sâu sắc.

Trên cơ sở tầm nhìn dài hạn đó xây dựng chiến lược, hành động thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Phân quyền cho địa phương, rất đồng ý, nhưng không có nghĩa “khoán trắng” cho họ cả về quyền lực và trách nhiệm.

Địa phương được quyền ban hành chính sách liên quan đến địa bàn, dân cư của mình, nhưng chính sách đó không được ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại, giao thương của doanh nghiệp, của chuỗi sản xuất, cung ứng của cả nước.

Chẳng hạn, Hải Phòng không thể “rào” đoạn quốc lộ đi qua thành phố (bằng hệ thống quy định phòng dịch) vì như thế sẽ “chặn đường” xuất khẩu của hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp... Tương tự như vậy với các địa phương khác.

Khi “điều kiện cần” được đáp ứng, thêm sự phân cấp, phân quyền phù hợp thì dù tư duy chưa bắt nhịp đi nữa, lãnh đạo địa phương vẫn buộc phải chuyển động theo “tình hình mới”.

Mở cửa kinh tế nhưng phải mở từ từ

img

Thực sự chúng ta cũng chưa có một chính sách hỗ trợ mạnh mẽ nào về tài khóa. Đơn cử như chính sách miễn, giảm thuế (Ảnh minh họa)

Vừa qua, chúng ta đã có sự bứt tốc từ quá trình đàm phán, nhập đến tiêm phủ vaccine. Tuy nhiên, trước đòi hỏi phải mở cửa nhanh trở lại để “cứu” doanh nghiệp, nền kinh tế, theo ông, có cách nào đột phá hơn để giải bài toán vaccine - “điều kiện cần” như ông nói?

Bây giờ nhanh nhất là mua công nghệ về tự sản xuất vaccine, song song đó là tạo mọi điều kiện, thúc đẩy quy trình nghiên cứu, sản xuất vaccine “made in Việt Nam”.

Vì nếu chúng ta cứ trông đợi hoàn toàn vào nguồn vaccine của các nước thì rất bị động, nhất là trong bối cảnh còn nhiều quốc gia nghèo có tỷ lệ tiêm chủng thấp mà Tổ chức Y tế Thế giới còn phải quan tâm, lo lắng.

Với những nước sản xuất vaccine, họ cũng phải lo thủ thế, đảm bảo vaccine trước hết cho người dân của họ. Mà dịch thì chưa thể chấm dứt trong vòng 1 - 2 năm tới.

Mua được công nghệ rồi, nếu chưa đủ điều kiện sản xuất thì phải tính cả phương án thuê nước khác sản xuất. Chứ bây giờ đàm phán mua công nghệ xong mới đi tìm đất xây nhà máy, lo GPMB, trình thủ tục... thì 2 - 3 năm nữa chưa chắc đã có vaccine thành phẩm.

Với thuốc điều trị cũng vậy. Tuy nhiên, thuốc điều trị có thuận lợi hơn là ngoài nhập khẩu (nhiều loại thuốc nhập rất đắt đỏ), chúng ta có thể sản xuất trong nước.

Tôi vừa có cuộc làm việc với một số doanh nghiệp đã và đang nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị Covid-19, đã được Bộ Y tế cấp phép thử nghiệm lâm sàng và cho kết quả rất tốt.

Tuy nhiên, khó ở khâu cấp phép bởi phần lớn là thuốc đông y, có nguồn gốc thảo dược, rất khó để phân tích thành phần, hoạt chất... Bên cạnh đó, là khó khăn về vốn để có thể sản xuất đại trà.

Để tháo gỡ, tôi cho rằng, chúng ta phải có chính sách, quy định nào chưa hợp lý thì điều chỉnh, nhất là trong điều kiện dịch bệnh chưa từng có trong tiền lệ, vaccine cũng phải cấp phép trong điều kiện khẩn cấp.

Trong trường hợp thuốc được chứng minh có tác dụng điều trị thực sự, Chính phủ có thể xem xét bảo lãnh để họ vay vốn sản xuất...

Nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp, người dân đã “sức cùng lực kiệt”. Nền kinh tế liệu có thể chờ đến khi có “điều kiện cần và đủ” để các địa phương “dỡ rào, tháo quy định” cực đoan để phục vụ mở cửa kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”?

Tôi ủng hộ việc mở cửa kinh tế, nhưng phải mở cửa từ từ, ở mức mình có thể kiểm soát được. Như Singapore đã tiêm 2 mũi cho 80% dân số mà vừa rồi dịch lại bùng trở lại.

Bên cạnh đó, để mở cửa kinh tế thực sự và hiệu quả, phải xử lý được một số vấn đề cơ bản.

Trước hết là lực lượng lao động. Người lao động vừa qua đã ồ ạt “tháo chạy” khỏi một số vùng sản xuất trọng điểm, đặc biệt là TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

Và để họ quay trở lại, thời gian phải tính bằng năm. Bên cạnh nỗi lo dịch bệnh, họ rời đi bởi chưa nhận được sự hỗ trợ, hoặc sự hỗ trợ không đảm bảo để họ có thể tồn tại được.

Trong khi đó, cho đến giờ phút này, chúng ta chưa có một gói an sinh xã hội và kích thích kinh tế nào đáng kể.

Những khoản như hỗ trợ người lao động khó khăn vì Covid-19, hay bảo hiểm thất nghiệp 500 nghìn đến 1 triệu đồng làm sao có thể đảm bảo cho họ ngồi yên một chỗ chờ đến một ngày nào đó đi làm trở lại?

Nhìn sang các nước, chúng ta thấy gì? Như Nhật Bản, đến nay đã sử dụng một gói cứu trợ 3.000 tỷ USD, giá trị tương ứng 57% GDP của Nhật Bản là 5.000 tỷ USD.

Mỹ cũng dành khoảng 6.000 tỷ USD, tương ứng gần 30% GDP của Mỹ - khoảng 20.000 tỷ. Hay như Thái Lan gần ta có GDP 500 tỷ USD thì họ dành 100 tỷ USD (20% GDP) để hỗ trợ và kích thích kinh tế.

Còn Việt Nam, đến giờ phút này mới dành ra vài ba chục ngàn tỷ đồng tức là chưa tới 1 tỷ USD trong khi GDP của Việt Nam là 334 tỷ USD.

Đừng nghĩ rằng các nước đó họ giàu, họ mới chi nhiều tiền. Như Mỹ, ngân sách từ thu thuế của họ chỉ đủ dành chi cho bộ máy và trả nợ.

Tháng tới Quốc hội Mỹ mà không phê duyệt khoản chi cho Chính phủ thì Chính phủ cũng đóng cửa. Nói như vậy để thấy, muốn có tiền, Chính phủ Mỹ cũng phải đi vay ngân hàng Trung ương.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.