Chính trị

Quy trình đầu tư công quá phức tạp, gây lãng phí

13/11/2018, 06:00

Ngày 12/11, các ĐBQH thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

5

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 12/11

Dù băn khoăn vì đây là dự luật có hiệu lực chưa lâu nhưng các ĐBQH đồng tình với việc cần thiết sửa đổi vì những quy định trong Luật đang “quá phức tạp, rườm rà” khiến các dự án chậm triển khai, gây lãng phí.

Thủ tục “dài lê thê”, dự án lớn nhỏ đều chậm

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chia sẻ, Bộ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư công trong thực tế, bởi luôn phải làm nhanh, bảo đảm tiến độ và chất lượng, nhưng lại không được phép “làm nhanh mà không đúng quy định, thủ tục”. Theo Bộ trưởng Thể, chúng ta đã có những bài học xương máu khi rất nhiều dự án, công trình làm nhanh, bỏ qua một số giai đoạn mà chúng ta nghĩ rằng, giai đoạn đó chỉ mang tính thủ tục, không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình. Nhưng khi thanh tra, kiểm toán chỉ cần làm sai ngày tháng cũng bị nêu trong báo cáo là làm không đúng quy định. Bởi vậy, Bộ trưởng chia sẻ vẫn thực sự “bất an” với một số quy định của Luật Đầu tư công.

Đặt trong mối tương quan so sánh với việc triển khai các dự án của tư nhân, Bộ trưởng Thể cho biết, các dự án đầu tư công của Nhà nước chậm hơn rất nhiều, gây lãng phí vì có kinh phí mà triển khai quá chậm. Bộ trưởng cho rằng, nếu tất cả những công trình dự án đều phải trình lên Quốc hội thì chắc chắn sẽ rất chậm.

Vì để trình tới Quốc hội thì các bộ, ngành phải chuẩn bị nội dung, báo cáo để có sự đồng thuận của các bộ, ngành rồi trình lên Chính phủ. Chính phủ đồng ý mới trình lên Uỷ ban TVQH, Uỷ ban TVQH đồng ý thì mới đưa vào chương trình nghị sự trình lên Quốc hội. Lên tới Quốc hội thì Quốc hội thảo luận một kỳ họp sau đó mới thông qua được danh mục dự án. Tiếp đến, quay lại giao cho Chính phủ yêu cầu bộ, ngành làm một cách kỹ lưỡng.

“Tự tạo khó cho mình”

Đó là với những dự án lớn. Còn với những dự án nhỏ, theo Bộ trưởng Thể cũng đều phải trải qua một quy trình “rườm rà” tương tự. Bộ trưởng lấy ví dụ dự án nhỏ ở 1 tỉnh phải chuẩn bị chủ trương đầu tư thông qua ở tỉnh, xong xuôi mới trình Trung ương để các bộ, ngành tập hợp báo cáo Quốc hội, sau khi Quốc hội quyết cho ghi danh mục mới về tỉnh lập lại hồ sơ, rồi trình ra Bộ KH&ĐT để Bộ này xem xét, thẩm định nguồn vốn. “Rõ ràng là công trình lớn, công trình nhỏ gì cũng vậy. Tôi thấy quy trình hiện nay quá dài. Chúng ta tự tạo khó cho chúng ta”, Bộ trưởng Thể nói.

"Tôi thấy một vòng đi lên để duyệt danh mục mất 6 tháng - 1 năm, rồi một vòng ngược lại phê duyệt dự án mất cả năm nữa mới bắt đầu đấu thầu, thiết kế dự án, chọn thầu, phê duyệt… Quy trình hiện nay quá nhiều giai đoạn và cuối cùng là dự án triển khai rất chậm. Nếu điều chỉnh Luật Đầu tư công mà không cải thiện được quy trình này thì việc triển khai các dự án vẫn sẽ chậm, có chăng chỉ làm rõ thêm được trách nhiệm của một số bộ, ngành, cơ quan”.

Bộ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Văn Thể

Theo Bộ trưởng, nếu không thay đổi quy trình, chắc chắn các dự án đầu tư công sẽ chậm gấp 2-3 lần so với dự án tư nhân. Và dù mỗi dự án qua bao nhiêu bộ, ngành nhưng dự án ở tỉnh nào chậm, tỉnh đó phải chịu trách nhiệm, ngành Giao thông làm dự án chậm thì Bộ GTVT cũng phải chịu trách nhiệm toàn bộ… Với một quy trình “lòng vòng” như hiện nay, Bộ trưởng Thể cho rằng, chúng ta sẽ mất nhiều thứ, trước hết là mất thời gian và quan trọng hơn là mất tiền do đội giá, trượt giá.

Người đứng đầu Bộ GTVT kiến nghị xem xét rút gọn các thủ tục trong Luật Đầu tư công, với những dự án lớn thì thống nhất nên trình lên Quốc hội. Những dự án nhỏ thì Quốc hội nên quản lý theo mục tiêu, còn giao trách nhiệm cho Chính phủ quyết, rồi báo cáo lại Ủy ban TVQH. Sau đó, mỗi một kỳ họp Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo tổng hợp lên Quốc hội để Quốc hội nắm ngân sách đã được bố trí cho từng lĩnh vực ra sao, Quốc hội có thể dành 1 ngày để thảo luận cho ý kiến về các con số Chính phủ báo cáo.

Cùng với đó, dự án khi đã được Ủy ban TVQH hoặc Quốc hội thông qua rồi thì phần thẩm định giao trách nhiệm cho cơ quan trực tiếp triển khai, ai làm sai xử ngay tức khắc, như vậy mới nhanh được.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng bày tỏ băn khoăn khi bất cứ cái gì cũng phải trình lên Bộ KH&ĐT khiến quy trình kéo dài lê thê: “Nếu tất cả dồn hết lên Bộ KH&ĐT thì làm sao mà nhanh được, vì họ chỉ có bấy nhiêu con người”, Bộ trưởng Thể phân tích và đề nghị nghiên cứu lại trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, chủ đầu tư và địa phương theo hướng tăng cường trách nhiệm, hậu kiểm, quy trình thật ngắn gọn vì nếu càng ngắn gọn thì công trình sẽ càng nhanh, đáp ứng yêu cầu.

“Ma trận” thủ tục sinh ra tệ tham nhũng

ĐB Đỗ Tiến Sỹ (Hưng Yên) chia sẻ quan điểm với Bộ trưởng Bộ GTVT và cho rằng, Luật Đầu tư công đang làm các công trình triển khai bị chậm tiến độ. Theo ông Sỹ, chúng ta hy vọng Luật Đầu tư công tháo gỡ được các vướng mắc nhưng thực tế Luật vẫn bị vấp.

ĐB Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre với tư cách là người đứng đầu địa phương cũng rất chia sẻ với quan điểm của người đứng đầu ngành Giao thông. Theo ông Trọng, trước đây đầu tư dàn trải rất nhiều, Luật Đầu tư công ra đời thắt chặt lại nhưng thực tế lại gây ách tắc hết, từ dự án lớn đến dự án nhỏ. “Đầu tư đường vào ấp cũng phải tập hợp hết trình lên TVQH quyết rồi về địa phương mới làm thẩm định vốn trình lên Bộ KH&ĐT. Chúng ta đang quy định quá chặt”, ông Trọng nói.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cùng chung nhận định thủ tục đầu tư công rất rườm rà. Thậm chí, ông Nhưỡng cho rằng, thủ tục hiện nay giống như “ma trận”, và cũng chính từ những thủ tục này sinh ra tệ tham nhũng vặt. ĐB Phạm Đình Toản (Hưng Yên) cũng đánh giá thủ tục đầu tư có quá nhiều bước khiến các dự án vừa chậm, vừa kéo dài thời gian, quan trọng nhất là tổng mức đầu tư luôn phải điều chỉnh khiến đội vốn trong khi dự án chậm hoàn thành.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, tập trung hậu kiểm

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, chúng ta đã có khung vững chắc của đầu tư công để chống dàn trải, lãng phí. Tuy nhiên, để có phương án giao vốn triển khai sớm thì phải tăng cường phân cấp, phân quyền, tập trung mạnh vào hậu kiểm, ai làm sai thì chịu trách nhiệm.

Theo Phó Thủ tướng, thực tế tốc độ giải ngân rất chậm, sau này các bộ, địa phương có tích cực tháo gỡ nhưng vẫn không đạt yêu cầu. Năm 2016, cả nước có nhiều dự án dở dang chuyển tiếp nên tới cuối năm giải ngân được 91%. Nhưng càng về sau giải ngân vốn này chậm lại do triển khai nhiều dự án mới. “Năm 2017, giải ngân được 87%. Năm nay, dự báo Chính phủ cũng khó giải ngân 100% vốn kế hoạch.

Phó Thủ tướng dẫn ví dụ luật hiện hành quy định Quốc hội sẽ quyết định đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia có mức vốn từ 10.000 tỷ đồng trở lên, nhưng giá trị được xác định cách đây hơn 10 năm, trong khi thời giá hiện nay đã thay đổi nhiều so với trước nên cần điều chỉnh quy định này.

“Hiện nay, không nói đến Trung ương mà địa phương cũng có các dự án trên 10.000 tỷ đồng. Dự án lớn phải báo cáo Quốc hội là yên tâm nhưng phải làm theo đúng các quy trình của Luật dẫn đến lâu, ví dụ như dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông”, Phó Thủ tướng dẫn chứng và đề nghị cần tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách chủ yếu, bao gồm nhóm chính sách về quy định chung, nhóm chính sách về quản lý dự án, nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng:
Vụ Vinasun kiện Grab nên “hướng tới việc hòa giải”

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bày tỏ băn khoăn khi thu thuế người kinh doanh, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nhưng nhận dạng nó là gì thì quy định pháp luật hiện nay không có.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, thu thuế trong nền kinh tế chia sẻ là vấn đề nóng hổi và rất khó, bởi hiện nay các nước cũng chưa rõ về định hình loại hình này. Nước thì phạt, nước thì cấm, nước lại đánh thuế kiểu này, nước đánh thuế kiểu kia. Chia sẻ khi đi nghiên cứu ở nhiều nước, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, đa phần các nước khuyên chúng ta nên để kinh tế chia sẻ tự phát triển, không nên can thiệp quá mạnh. Bởi vì, đây là loại hình quá mới, phát triển và thay đổi rất nhanh. “Nếu chúng ta ủng hộ loại hình truyền thống thì chúng ta không khuyến khích công nghệ phát triển và không khuyến khích kinh tế chia sẻ, người tiêu dùng có lợi. Nhưng, nếu ủng hộ công nghệ thì ảnh hưởng đến kinh doanh truyền thống”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Nguyễn Chí Dũng, các nước đưa ra lời khuyên nên có phương thức thỏa thuận giữa Nhà nước và DN công nghệ trong vấn đề thu thuế. Theo đó, ấn định DN phải đóng mức thuế bao nhiêu một cách linh hoạt. Như thế, sẽ có tác dụng hơn trong việc khuyến khích DN hoạt động. “Ngay như trong vụ tranh chấp giữa Grab và Vinasun, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình có hỏi ý kiến tôi và tôi cho rằng, nên tạm dừng vụ kiện lại, phải nghiên cứu thêm. Tôi thiên về hướng hòa giải giữa hai bên bởi kiện nhau cũng không có pháp lý để xử”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói.

Phê chuẩn Hiệp định CPTPP, đồng ý nới trần ODA 60.000 tỷ

Ngày 12/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Với 434/451 ĐBQH tán thành, Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chính thức được thông qua. Theo đó, Quốc hội đồng ý điều chỉnh tăng tổng mức vốn nước ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ 300.000 tỷ đồng lên tối đa 360.000 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh giảm tương ứng vốn vay trong nước để đáp ứng yêu cầu giải ngân đối với những dự án sử dụng vốn nước ngoài.

Với 469/469 ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội cũng chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn hiệp định và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.