Thời sự

Quyền con người, quyền công dân được đề cao hơn

30/11/2015, 07:02

Những dự án luật vừa được thông qua có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đề cao và đảm bảo quyền con người.

8
TS. Đinh Xuân Thảo

TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết như trên khi trò chuyện với Báo Giao thông về kết quả Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII vừa bế mạc cuối tuần qua.

Chất vấn và trả lời chất vấn ấn tượng

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khoá XIII vừa kết thúc, ông đánh giá thế nào về chất lượng cũng như kết quả của kỳ họp?

Kỳ họp áp chót này diễn ra vào thời điểm cuối năm, cũng là năm cuối cùng của nhiệm kỳ nên chương trình nghị sự dày đặc. Tuy nhiên, về cơ bản chúng ta đã hoàn thành tất cả những nhiệm vụ đặt ra, thông qua 16 luật và 15 nghị quyết, cho ý kiến 10 dự án luật.

Đánh giá về việc thực hiện trách nhiệm của các Tư lệnh ngành trong cả nhiệm kỳ vừa qua, ĐBQH Lê Nam (Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa) cho rằng, phần lớn các thành viên Chính phủ đều có sự nỗ lực. “Tôi đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Họ có thể được xem là những Tư lệnh ngành dũng cảm, dám xông pha vào "điểm nóng" mà không ngại nguy hiểm hay vất vả và hơn hết, họ đang thể hiện rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Với những kết quả đã làm được, họ hoàn toàn có thể tự hào về mình”, ông Nam nhấn mạnh.

Về công tác lập pháp, kỳ họp này tập trung vào các Bộ luật Hình sự, Tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự, Tố tụng Dân sự, Bộ luật Tố tụng hành chính… Đây là những Bộ luật rất lớn và phức tạp, sửa đổi nhiều với hàng trăm điều. Lúc đầu tưởng chừng khó hoàn thiện để thông qua các luật này, nhiều ĐB cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, với sự tiếp thu, chỉnh lý, giải trình cùng nhiều ý kiến đóng góp của các ĐBQH qua 3 kỳ họp trước đó, các Bộ luật sửa đổi này đều đã được thông qua, các ĐBQH cũng yên tâm khi “bấm nút”. Đối với các dự án luật cho ý kiến lần đầu, khâu chuẩn bị chưa thật sự kỹ. Tuy nhiên, qua các phiên thảo luận tổ và hội trường, các ĐBQH góp ý rất sôi nổi. Đó là cơ sở cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa để có thể được thông qua trong kỳ họp tiếp theo.

Đặc biệt, điểm nhấn của kỳ họp này là hoạt động chất vấn, giám sát, đánh giá lại toàn bộ những điểm còn tồn đọng của các kỳ họp trước. Kỳ họp đã dành thời gian xem lại các cơ quan, các đối tượng chịu sự giám sát đã thực hiện vấn đề giám sát đến đâu. Bên cạnh đó là giám sát việc thực hiện lời hứa của Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Chúng ta đã có một báo cáo tổng quan trên cơ sở đó ĐBQH đặt vấn đề chất vấn lại. Lần này không có chủ định trước sẽ chất vấn về vấn đề gì, với Bộ trưởng, trưởng ngành nào. ĐBQH có thể hỏi tất cả các thành viên chịu sự giám sát, từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ và kể cả Chủ tịch Quốc hội. Đây là một điểm mới, góp phần làm cho chất lượng chất vấn kỳ họp lần này tốt, có ấn tượng với nhân dân, cử tri cả nước.

Liên quan đến việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kỳ họp này cũng đánh giá lại cả nhiệm kỳ 5 năm từ 2011-2015 về thực hiện các mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu KT-XH của đất nước nhằm tổng kết, xác định phương hướng cho nhiệm kỳ tới. Quốc hội đã đánh giá và đưa ra quyết định về nhiệm vụ KT-XH năm 2016. Sau Đại hội Đảng lần thứ 12 tới, tại kỳ họp cuối là Kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ ra Nghị quyết về phát triển KT-XH cho 5 năm tiếp theo 2016-2021.

Ông vừa nói phiên chất vấn với hình thức mới lần đầu tiên được thực hiện có chất lượng tốt. Tuy nhiên, nhiều cử tri vẫn chưa hài lòng và cho rằng, kết quả đạt được chưa như mong muốn. Ông nghĩ sao?

ĐBQH là người đại diện cho dân nên cần có một cái nhìn tổng quát, đầy đủ về trách nhiệm giám sát của mình để thực hiện những điều cử tri mong muốn. ĐBQH cũng phải kết hợp nắm thông tin từ cử tri để đưa những điều bức xúc trong dư luận, trong xã hội vào nghị trường, cùng tìm hướng tháo gỡ và giải quyết cho nhân dân.

Với người trả lời chất vấn phải thực hiện cam kết, thể hiện rõ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý của mình để đề cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Chính phủ. Nhiệm kỳ này sắp hết cũng là lúc chúng ta đánh giá lại, rút ra bài học cho nhiệm kỳ tiếp theo để những người được Quốc hội bầu vào những vị trí chủ chốt phải cố gắng ngay từ đầu để làm tốt chức trách của mình.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, nhiều lúc vấn đề ĐBQH đưa ra để hỏi rất rộng, rất nhiều nhưng trọng tâm, trọng điểm đi sâu để giải quyết dứt điểm không có. Nhiều ĐB hỏi quá “tham”, lan man, còn người trả lời thì vẫn vòng vo, né tránh. Có những vấn đề đưa ra từ đầu khóa đến cuối khóa không giải quyết được, cũng không xác định được trách nhiệm như thế nào. Đó có lẽ là lý do cử tri đánh giá hiệu lực, hiệu quả của vấn đề này không cao và chúng ta cần phải khắc phục.

9
Các ĐBQH bấm nút thông qua nhiều dự án luật quan trọng - Ảnh: VGP.Nhật Bắc

Quyền con người được đề cao hơn

Có thể nói kỳ họp vừa qua với số lượng công việc khổng lồ đã thông qua nhiều dự án luật quan trọng. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc này?

Tại kỳ họp này, nhóm luật liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân được chú trọng, thể hiện ở việc thông qua một loạt dự án luật về tố tụng, tư pháp như Bộ luật Hình sự, Dân sự, Tố tụng Hình sự, Tố tụng Dân sự, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tiếp cận thông tin…, tất cả đều liên quan trực tiếp đến quyền công dân. Những luật này sẽ được vận hành từ năm 2016 theo tinh thần của Hiến pháp mới, đặc biệt đề cao quyền con người. Có những nội dung, những quyền trước đây có trong Hiến pháp nhưng chưa thực hiện được vì chưa có luật.

Với việc thông qua các luật trên, rõ ràng quyền con người sẽ được bảo đảm, được đề cao hơn, ví dụ như các quyền suy đoán vô tội, quyền tranh tụng, quyền bào chữa, quyền bầu cử của người bị tạm giam, tạm giữ… Đây là một việc tốt, kịp thời và rất có ý nghĩa với người dân.

Quan tâm đếntrách nhiệm vàchất lượng ĐBQH

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông, kỳ họp này còn những tồn tại, hạn chế gì cần khắc phục?

Trong quy trình làm luật phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Hai cơ quan này phải phối hợp với nhau ngay từ đầu để đạt được sự thống nhất và có sự gắn kết chặt chẽ, nhưng tôi lại thấy đang có điểm “vênh” ở chỗ này khi cơ quan soạn thảo cứ soạn và trình ra, cơ quan thẩm tra lại không theo từ đầu nên nhiều dự án luật khi đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến thì ý kiến của 2 cơ quan soạn thảo và thẩm tra vẫn rất khác nhau. Lúc đó, Chủ tịch Quốc hội mới chỉ đạo phải ngồi lại để chỉnh sửa, rõ ràng khi đó thời gian tập trung cho việc khớp nối giữa hai cơ quan còn quá ít. Bên cạnh đó, việc gửi tài liệu cho các ĐBQH nghiên cứu cũng phải được thực hiện sớm hơn, gửi như bây giờ tôi cho rằng vẫn còn chậm.

Trong các phiên thảo luận, một vấn đề được chủ tọa nêu ra định hướng để thảo luận nhưng nhiều ĐB lại cứ mải đọc những bài đã chuẩn bị trước, sau đó muốn tranh luận lại thì không được vì thời gian có hạn. Kinh nghiệm các nước làm luật phải tranh luận đến cùng, có khi họp đến 12h đêm người ta vẫn làm, như thế mới giải quyết được vấn đề chứ làm luật mà cứ hạn chế thời gian thì không có ý nghĩa gì cả. Bởi một luật ra đời có giá trị đến hàng chục năm, nếu bỏ lỡ cơ hội, đến lúc quay lại sửa rất khó. Thực tế, chúng ta đã có những luật mới được ban hành, chưa có hiệu lực nhưng đã phải sửa rồi.

Về nội quy kỳ họp Quốc hội vừa được thông qua đã có những sửa đổi, cải tiến để đề cao trách nhiệm của ĐB khóa tới. Tôi tin rằng, trên cơ sở quy định mới thì hoạt động của Quốc hội sẽ tốt hơn.

Còn một thực tế là các phiên họp vắng rất nhiều ĐB, nhiều phiên thảo luận ĐB nghỉ rất sớm? Ông nghĩ sao về thực trạng này?

Trách nhiệm của ĐB cũng là vấn đề cần phải quan tâm. Tuy nhiên, Quốc hội chúng ta có đặc thù không phải là Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp, thường xuyên như các nước, chúng ta có đến 2/3 ĐB kiêm nhiệm nên nếu yêu cầu các ĐB này có mặt đủ cũng rất khó cho họ. Giải pháp chúng ta cần làm là dần nâng cao số lượng ĐB chuyên trách lên, giảm số lượng ĐB kiêm nhiệm đi thì sẽ giải quyết được vấn đề đó. Nhưng điều quan trọng hơn đó là chất lượng của ĐBQH. Các khóa vừa rồi tỷ lệ ĐBQH tái cử rất thấp, chỉ khoảng 20%, hơn nữa ĐBQH lại bị khống chế về độ tuổi nên chúng ta “mất đi” nhiều ĐB giỏi, có kinh nghiệm, như vậy là lãng phí nhân tài. Việc này cần phải nghiên cứu kỹ. Các tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị, nếu quy định cứng về độ tuổi của ĐBQH thì chúng ta sẽ có sự lãng phí về nguồn lực với những ĐB có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động nghị trường.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.