Điều tra

Quyền Cục trưởng lấy cây cơ quan về nhà riêng vi phạm gì?

03/05/2021, 09:55

Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Kon Tum lấy cây trồng lâu năm ở trụ sở cơ quan về nhà trồng. Hành vi của ông Tuấn đúng hay sai?

img

Cây khế cổ thụ ở trụ sở Đội Quản lý thị trường Số 2 đã nảy mầm trong khuôn viên nhà riêng của Quyền Cục trưởng QLTT Kon Tum.

Sau khi Báo Giao thông đăng loạt bài về việc quyền Cục trưởng QLTT Kon Tum Lê Tuấn đào cây khế 19 năm tuổi về nhà riêng trồng, ông Tuấn có đơn gửi nhiều cơ quan chức năng Trung ương và địa phương khẳng định mình không sai, đồng thời yêu cầu báo phải đính chính, xin lỗi vì làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ông. Sự thật hành vi của ông Tuấn đúng hay sai?

Đào cây 19 năm tuổi, bồi dưỡng 2 triệu đồng

Theo đơn của ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội QLTT số 2, Cục QLTT Kon Tum gửi Công an huyện Đắk Tô, ông yêu cầu làm rõ việc trụ sở của Đội bị mất 3 cây xanh (một cây khế và hai cây chè xanh).

Người bị tố cáo lấy cây là ông Lê Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Kon Tum.

Sau đó, Công an huyện Đắk Tô vào cuộc và xác định, việc ông Lê Tuấn cùng với một số người đến trụ sở Đội QLTT số 2 đào và cẩu cây khế chở về Kon Tum là có thật (sự việc xảy ra ngày 13/12/2020). Hai cây chè xanh sau khi bị đào lên đã hư hỏng nên được vứt bỏ lại.

Tuy nhiên, thời điểm diễn ra vào ban ngày, công khai và có sự tham gia, chứng kiến của nhiều người, có sự đồng ý của ông Lâm Hoàng Chương- bảo vệ, người đã trồng các cây trên và Đội trưởng Đội QLTT số 2 thời điểm đó là ông Dương Quang Vinh. Vì thế, công an huyện này khẳng định không có chuyện ông Tuấn đào trộm cây như tố cáo của ông Phúc.

Mặt khác, từ ngày 13/12/2020- 21/12/2020 (thời điểm bàn giao công tác giữa ông Vinh và ông Phúc), không có cán bộ, nhân viên nào của Đội QLTT số 2 trình báo về việc mất trộm cây khế trong đơn vị. Vì vậy Công an huyện Đắk Tô cho rằng sự việc không có dấu hiệu của tội “trộm cắp tài sản”.

Sau khi báo đăng, ông Lê Tuấn có đơn gửi các cơ quan chức năng, trong đó ông Tuấn căn cứ vào văn bản thông báo kết quả xác minh của Công an huyện Đắk Tô và cho rằng mình không đào trộm cây khế và 2 cây chè xanh như trong đơn tố giác tội phạm của ông Ngụy Đình Phúc.

Ông Tuấn cũng dẫn nội dung báo cáo của Cục QLTT Kon Tum, thể hiện việc cây khế và 2 cây chè xanh là do ông Lâm Hoàng Chương (bảo vệ Đội QLTT số 2) tự trồng và chăm sóc trên diện tích đất của trụ sở Đội từ năm 2003, không có trong danh mục tài sản của Cục QLTT Kon Tum.

Ông Tuấn cho rằng nội dung bài báo “nhằm mục đích kết tội” mình trên mạng xã hội, “xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín” của mình.

“Việc đăng tin lần này có sự tư vấn của Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk sẽ làm cho độ tin cậy của bài viết cao hơn. Đồng nghĩa đối với việc những người không am hiểu pháp luật sẽ tin theo bài viết. Điều này sẽ kéo theo những tác động tiêu cực như: người dân sẽ không tin vào các vị lãnh đạo, cán bộ, họ sẽ tung tin kỳ thị ông Lê Tuấn, đồn thổi lung tung...”, ông Tuấn viết trong đơn.

Còn trong văn bản gửi Tổng cục QLTT, Cục QLTT Kon Tum cho biết, sau khi đào cây, ông Tuấn có trả tiền bồi dưỡng cho ông Lâm Hoàng Chương (bảo vệ) số tiền 2 triệu đồng.

Cây xanh là tài sản nhà nước

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Điệu cho biết, ông đã nắm được thông tin vụ việc sau khi báo chí đăng tải.

Ông Điệu khẳng định: “Cây này, tôi khẳng định là tài sản của cơ quan, của nhà nước. Cái cây nằm trong cơ quan là phải cơ quan, chứ không phải của ai. Tài sản của cơ quan mà mang về nhà là anh sai, là không được rồi!”.

Cũng theo ông Điệu, đã là cây của tập thể, không của riêng ai thì phải do tập thể quyết định, còn bất cứ cá nhân nào cũng không thể định đoạt được.

“Nhiều khi cục sắt bỏ không ở cơ quan không dùng vào việc gì, nhưng một người nào đó tự ý mang về nhà là có chuyện ngay, vì đây là tài sản của nhà nước và do tập thể quyết định”, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum giải thích thêm.

Ông Nguyễn Đình Sơn, nguyên Chi cục trưởng QLTT tỉnh Kon Tum (nay là Cục QLTT Kon Tum), cho biết, ông đã nắm thông tin vụ việc và vẫn đang theo dõi xem cách xử lý của ngành chức năng ra sao.

“Các cây trong khuôn viên của Đội QLTT số 2, Cục QLTT Kon Tum là tài sản của tập thể và được quản lý từ mấy chục năm trước, không phải của riêng bất cứ người nào. Việc đem tài sản của tập thể, của nhà nước mang về nhà trồng là không được. Không được biến của chung thành của riêng”, ông Sơn nói.

Tương tự, ông Nguyễn Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội đầu tư Xây dựng Dịch vụ Nông lâm nghiệp Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Gia Lai khẳng định: Cây xanh trong khuôn viên trụ sở được xác định là tài sản của nhà nước. Điều này được quy định rất rõ tại Thông tư 162/2014 của Bộ Tài chính.

Theo đó, tại Điều 6, quy định về Phân loại tài sản cố định thì cây lâu năm được xếp loại thứ 9 trong phân loại tài sản hữu hình.

Ls Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm, cây xanh trong trụ sở cơ quan nhà nước được quản lý một cách nghiêm ngặt.

Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị của Chính phủ nêu rất rõ những hành vi cấm: “Tự ý chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép”. “Như vậy, người nào thực hiện hành vi chặt hạ, đào gốc đối với cây xanh khi chưa được phép đều bị xử lý theo quy định”, LS Tòng giải thích.

Có dấu hiệu “công nhiên chiếm đoạt tài sản”?

Liên quan đến vụ việc trên, LS Tạ Quang Tòng phân tích, đúng là không có dấu hiệu “trộm cắp tài sản” như Công an huyện Đắk Tô xác định, nhưng vụ việc lại có dấu hiệu của tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 172, Bộ luật Hình sự 2015.

“Trong vụ việc này, theo tôi cơ quan công an trả lời như vậy là không ổn. Cây khế trồng ở cơ quan không thuộc quyền sở hữu của ông bảo vệ. Và theo luật, ông bảo vệ không có quyền định đoạt đối với tài sản đó”, luật sư Tòng phân tích.

Theo luật sư, các cây xanh trong trường hợp này là tài sản công, mọi biện pháp xử lý không đúng theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định thì đều được xem là vi phạm pháp luật. “Cơ quan điều tra cần phản xử lý tin báo tội phạm đúng theo quy định của pháp luật’, luật sư khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.