Thời sự

Quyền lực “đẻ” ra tham nhũng

26/09/2017, 06:49

Đặt vấn đề về quyền lực, ông Cao Văn Thống-Ủy viên UB Kiểm tra T.Ư nhấn mạnh, quyền lực sẽ sinh ra tham nhũng.

5

Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại hội nghị 

Minh bạch tài sản chưa giúp được gì cho chống tham nhũng

Đánh giá sự cần thiết của việc sửa đổi Luật PCTN, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nhận định, hiện nay, các quy định về công khai minh bạch dù có chuyển biến nhưng còn hạn chế, chưa bao quát và thiếu biện pháp đảm bảo trên thực tế; Trách nhiệm giải trình còn chưa thực tế và rất hẹp; Xung đột lợi ích chưa được kiểm soát, các quy định kiểm soát lợi ích đã có nhưng cách tiếp cận chưa bài bản. Đặc biệt, quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa chủ động, chưa khuyến khích phòng ngừa, phát hiện và chống tham nhũng.

Ông Tuấn Anh cũng thẳng thắn cho rằng, minh bạch tài sản thu nhập chưa giúp được gì cho công tác PCTN, bởi biến động về thu nhập chưa kiểm soát được, chế tài xử lý người kê khai chưa trung thực, chưa ổn. “Chúng ta nói bản kê khai là nằm trong hồ sơ cán bộ, tức là kê khai để cất đi. Sau đó mở ra thì có công khai nơi làm việc, nhưng kê khai xong chẳng ai kiểm soát xem tài sản tăng, giảm thế nào, vì sao? Xử lý con người đã khó nhưng xử lý tài sản càng khó hơn. Thực tế 10 năm qua, chúng ta xử lý về tài sản không đáng là bao”, ông Tuấn Anh phân tích.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu đề cập việc bổ nhiệm người nhà và cho rằng, tình trạng này khiến tham nhũng dễ hơn vì người tham nhũng ỷ lại có người nhà che chắn. “Cái gốc của PCTN là cơ chế bổ nhiệm”, ông Hiểu nói và đề nghị sau khi bổ nhiệm một cán bộ phải công khai xem cán bộ đó có bao nhiêu họ hàng trong hệ thống chính quyền.

Quan trọng nhất là thu hồi tài sản tham nhũng

Góp ý kiến, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển quan tâm đến phạm vi chống tham nhũng. “Dự thảo luật quy định phạm vi chống tham nhũng bao gồm cả các tổ chức chính trị. Vậy những cơ quan của Đảng có phải là đối tượng của luật hay không?”, ông Khiển đặt vấn đề và tán thành áp dụng luật này với các cơ quan của Đảng, nhưng lưu ý việc triển khai rất phức tạp. “Hiến pháp đã quy định Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, đồng thời gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Dự thảo luật mở rộng phạm vi các tổ chức chính trị - xã hội là đúng”, ông Khiển nhấn mạnh.

Đặt vấn đề về quyền lực, ông Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhấn mạnh, quyền lực sẽ sinh ra tham nhũng. Cụ thể, quyền lực chính trị "đẻ" ra chạy chức chạy quyền, quyền lực lập pháp "đẻ" ra lợi ích nhóm, quyền lực hành chính "đẻ" ra chạy thủ tục; quyền lực tư pháp "đẻ" ra chạy để thắng kiện, quyền lực kinh tế "đẻ" ra tham nhũng tài chính, thất thoát ngân sách. Và thậm chí, quyền lực thông tin dẫn đến tình trạng “sáng đăng - trưa gặp - chiều gỡ”… Vậy phòng ngừa thế nào?”, ông Thống đặt vấn đề. Theo ông, phòng chống gì thì phòng chống, nhưng quan trọng nhất là thu hồi lại tối đa tài sản tham nhũng. “Tham nhũng một đồng cũng là xấu. Tại Singapore, công chức tham nhũng 1 đô la cũng bị đưa ra khỏi bộ máy. Ta có làm được như thế không hay lại sợ không có người làm việc?”, ông Thống nói.

Có đủ lực chống tham nhũng trong tư nhân?

Về vấn đề có nên mở rộng PCTN đối với khu vực tư nhân, LS Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam nêu quan điểm, tạm thời chưa nên đặt ra vấn đề này. “Chống tham nhũng trong khu vực công chưa xong, nếu chúng ta chống cả tham nhũng trong khu vực tư thì nguồn lực không đủ và trọng tâm chống tham nhũng có thể bị dịch chuyển khiến doanh nghiệp khó phát triển, bị nhũng nhiễu”, ông Huỳnh nói.

Tuy vậy, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư Cao Văn Thống lại cho rằng, cần phải tiến hành chống tham nhũng trong cả hai khu vực công và tư nhưng phải chọn lọc và thí điểm. “Nếu bây giờ không làm thì chậm rồi”, ông Thống khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.