Xem - ăn - chơi

Quyền sinh, sát gameshow nằm trong tay ai?

02/08/2016, 06:58

Gameshow truyền hình thực tế (THTT) là cuộc đua của các nhà tài trợ chứ không phải của các thí sinh.

ha ho the face

Hà Hồ trong gameshow “The Face”

Quyền sinh, sát trong các gameshow, chương trình truyền hình thực tế không nằm trong tay HLV, giám khảo, khán giả mà nằm trong tay nhà sản xuất và cao hơn là nhà tài trợ. Nói không ngoa, gameshow truyền hình thực tế (THTT) là cuộc đua của các nhà tài trợ chứ không phải của các thí sinh.

Nhà tài trợ có “thọc tay” vào kết quả?

Nhìn vào gameshow và các chương trình THTT, người ta thấy bóng dáng các ngôi sao hạng A hay tân hoa hậu của cuộc thi hot nhất, người xem truyền hình tưởng rằng quyền lực thuộc về người nổi tiếng, thế nhưng câu chuyện phía sau hoàn toàn khác.

Thử nhìn vào 7 tập phát sóng của chương trình The Face, thấy rõ ba nhãn hàng tài trợ chương trình này, mỗi nhãn hàng đều đứng sau một vị huấn luyện viên nhan sắc và đầy quyền lực. Nếu quan sát, người ta dễ thấy Phạm Hương được xây dựng với hình ảnh vai ác, Lan Khuê được xây dựng với hình ảnh thất thế, có phần cay cú thì Hà Hồ lại là màu sắc đẹp và trung tính giữa hai huấn luyện viên trên.

Không phải ngẫu nhiên mà kịch bản The Face phần lớn thí sinh đội Lan Khê, Phạm Hương bị loại thì thí sinh của Hà Hồ không bị loại. Câu hỏi là tại sao Hà Hồ lại được ưu ái vậy? Ngoài sự chuyên nghiệp hơn hai đàn em, cùng với sự thông minh, thì yếu tố quyết định nhất là Hà Hồ chính là gương mặt đại diện cho thương hiệu điện thoại O. - nhà tài trợ vàng cho chương trình này.

Trước đó, khán giả mập mờ nhận thấy, dường như có bàn tay quyền lực của nhà tài trợ can thiệp vào nội dung The Voice 2015, khi Mỹ Tâm bất ngờ làm giám khảo chương trình The Voice, mà trước đó cô gắn bó với Vietnam Idol. Lý do của sự dịch chuyển này bởi Mỹ Tâm là đại diện hình ảnh cho nhãn hàng của nhà tài trợ trong chương trình The Voice. Chính vì lẽ ấy, thí sinh Đức Phúc, học trò của Mỹ Tâm cũng đã đăng quang tại cuộc thi này? Hay người ta không hiểu điều gì khiến người mẫu Thanh Hằng liên tục làm host ba mùa Vietnam’s Next Top Model 2013 và 2015, 2016, nhìn vào thành phần nhà tài trợ, người ta thấy nhãn hàng điện thoại S, một trong những đơn vị tài trợ cho chương trình này.

Khi đặt ra vấn đề có cuộc “chạy đua” giữa các nhãn hàng phía sau chương trình gameshow hay không? Anh Nguyễn Cường (Phó giám đốc Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí truyền thông - ĐHQG Hà Nội) khẳng định, nhà tài trợ hoàn toàn có thể can thiệp vào nội dung chương trình của bất cứ gameshow hay THTT nào. Bởi, giữa họ và nhà sản xuất có những kí kết hợp đồng, những điều khoản ưu đãi riêng biệt. Tuy nhiên, anh cũng không khẳng định chắc chắn nhà tài trợ có khả năng can thiệp sâu hơn vào kết quả một gameshow nào đó.

Gameshow - cuộc đua của những thương hiệu tài trợ

Thế nhưng, nhiều người trong giới vẫn khẳng định, nhà tài trợ còn có thể đưa bất kỳ ai lên làm giám khảo chương trình cho đến lựa chọn ngôi vị quán quân của cuộc thi. Nói cách khác, gameshow THTT không chỉ là cuộc đua của các thí sinh, nhà tổ chức, mà còn là cuộc đua của những thương hiệu, nhà tài trợ.

Người mẫu Trang Trần cho biết, khi lựa chọn một gương mặt xuất hiện trong chương trình, nhà sản xuất sẽ chọn một gương mặt đặc biệt về độ rating, họ muốn ai là người chiến thắng thì người ấy chiến thắng. Tất cả các thí sinh, huấn luyện viên chỉ là quân cờ của nhà sản xuất . Thế nhưng, người mẫu này cũng cho biết thêm, nhà sản xuất chưa hẳn là người quyết định tất cả ai sẽ là người chiến thắng, mà nhà tài trợ vàng…

Trao đổi với Báo Giao thông, giám đốc truyền thông một thương hiệu nổi tiếng cho hay, gameshow truyền hình là một kênh quảng cáo mới dành cho các doanh nghiệp; Cung cấp cho người xem một chương trình giải trí, các doanh nghiệp được quảng bá, các ngôi sao, nghệ sĩ có thêm sự nổi tiếng và thu nhập. Anh nhấn mạnh: “Xã hội nên coi nó là một công cụ giải trí, cũng không nên cấm mà cũng không đáng để tôn vinh”.

Thực chất, khi bỏ tiền cho bất kỳ chương trình nào, nhãn hàng cũng đã tính đến hiệu quả truyền thông mang lại, đó là điều chính đáng. Thế nhưng, cái “thọc tay” quá sâu của các nhãn hàng vào cuộc thi hay cuộc chơi nào, đều thể hiện sự bất minh và thiếu công bằng cho người chơi cũng như khán giả Việt. Và đó là sự thiếu tôn trọng khán giả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.