Xã hội

"Quyết định lịch sử" của chiến dịch Điện Biên Phủ qua ký ức tướng Thụy

07/05/2022, 06:00

Dù đã 68 năm đã trôi qua, nhưng từng diễn biến ở chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn không phai mờ trong ký ức của Trung tướng Đặng Quân Thụỵ.

Củng cố, nâng cao quyết tâm của cán bộ, chiến sỹ

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước đang hướng về Điện Biên Phủ, trong lòng Trung tướng Đặng Quân Thụy, những dòng ký ức về những ngày tháng chiến đấu và chiến thắng huy hoàng đang cuộn trào, tuôn chảy.

img

Trung tướng Đặng Quân Thụy

Trong căn nhà rợp bóng cây xanh ở quận Ba Đình, Hà Nội của Trung tướng Thuỵ, đầy ắp những kỷ vật, bức ảnh kỷ niệm trong kháng chiến, bằng khen, huân chương được đặt ở vị trí trang trọng. Trong đó, có bức ảnh ông tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát mặt trận ở Điện Biên Phủ, dù là ảnh đen trắng nhưng vẫn rất rõ nét.

Ngước nhìn lên tấm ảnh, Trung tướng Đặng Quân Thụy dõng dạc nhắc tên từng người: ông Kim Hùng - Trưởng ban Quân báo đại đoàn 316, ông Vũ Lăng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316), Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và ông - người lính trẻ năm ấy 26 tuổi.

Ở tuổi 94, những bước đi, động tác không còn thoăn thoắt, nhưng giọng kể của vị Trung tướng khi nói về những ký ức 56 ngày đêm ở chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn dõng dạc, đầy nội lực. Với vị lão tướng từng trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch ở những chiến trường ác liệt nhất trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, Điện Biên Phủ là phần ký ức đặc biệt, khó mờ phai. img

Trung tướng Đặng Quân Thụy (ngoài cùng bên phải) tháp tùng Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thị sát mặt trận Điện Biên Phủ (năm 1954)

Khi được hỏi kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử ngày ấy, tướng Thụy kể về một sự kiện mà theo ông "có tác dụng xoay chuyển tình hình rất lớn".

Đó là sự kiện Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức cuộc họp có mặt của lãnh đạo sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn để quán triệt và yêu cầu xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quân.

Lý giải tại sao Tổng Tư lệnh mặt trận khi đó phải có cuộc họp như vậy, Trung tướng Đặng Quân Thụy cho biết, chiến dịch Điện Biên Phủ chia làm nhiều đợt, đợt 1 từ 13 - 17/3/1954, quân ta đã mưu trí dũng cảm tiêu diệt gọn cụm cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đợt 2 chúng ta chủ trương đánh chiếm, giải phóng cứ điểm cửa ngõ phía Đông. Lúc này, ta vướng hai điểm đánh không hết là C1 và A1.

"Điều này khiến chúng ta chưa thực hiện thành công được chiến dịch. Lúc đó, một số ít bộ đội ta thấy rằng như vậy là đánh quá khó, ít nhiều có sự dao động quyết tâm. Trong lúc chiến dịch đang căng thẳng như vậy mà tâm lý dao động thì gay go lắm. Chính vì vậy Bộ Chỉ huy tổ chức cuộc họp có cán bộ, sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn tham dự", tướng Thụy nhớ lại.

Tại cuộc họp đó, Tổng Tư lệnh mặt trận Võ Nguyên Giáp đã tổng kết, đánh giá về ưu điểm và phê phán nghiêm khắc tư tưởng không quyết tâm, ngại khó khăn gian khổ. Điều này làm trở ngại cho thắng lợi, vì vậy Đại tướng yêu cầu phải giải quyết mặt tư tưởng bằng việc tổ chức buổi sinh hoạt chính trị để củng cố, nâng cao quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ.

"Trong tình hình đó thì đây là chủ trương vô cùng quan trọng, đúng đắn và sáng suốt. Sau khi có chỉ đạo của tướng Giáp, các đơn vị đã nhanh chóng tổ chức buổi sinh hoạt chính trị, từ cấp sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn cho đến đơn vị cơ sở. Từ đó, đã củng cố quyết tâm tốt cho cán bộ, chiến sỹ và tìm ra cách đánh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói, sức mạnh của quân đội chúng tôi nằm ở tinh thần chiến đấu và sự ủng hộ vô hạn của nhân dân, ngoài ra còn có cả nghệ thuật quân sự nữa", Trung tướng Đặng Quân Thụy kể.

img

Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, là trận đánh "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân và dân ta

Dấu ấn sâu đậm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhân vật mà Trung tướng Thụy nhắc đến nhiều nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh mặt trận lúc bây giờ.

"Tướng Giáp với nhãn quan sắc bén, tài thao lược thiên bẩm đã nhận ra một điều mà ít người lúc đó nhìn ra, đó là khi địch mạnh lên, tăng cường thêm quân lên đến 12 tiểu đoàn, công sự đã xây dựng chắc chắn rồi thì phương châm "đánh chắc, tiến chắc" mới là phù hợp. Từ đó, với vai trò là Tổng Tư lệnh mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có quyết định đúng đắn chuyển từ phương châm tác chiến "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", ông Thụy nói.

Tướng Thụy cho rằng, thay đổi chiến thuật đánh là quyết định táo bạo của người cầm quân, thể hiện trách nhiệm rất cao trước thành công của chiến dịch và xương máu của chiến sĩ.

Chính từ sự thay đổi phương án tác chiến vào giờ chót đã tạo nên bước nhảy vọt của chiến dịch, làm cho bộ đội ta chỉ trong một thời gian ngắn từ chỗ chỉ mới tiêu diệt được cứ điểm Độc Lập, một tiểu đoàn của địch đến chỗ tiêu diệt cả một tập đoàn cứ điểm lớn và kiên cố của chúng.

Trái với sự thận trọng, tính toán bài bản, khoa học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì bên phía địch, các tướng lĩnh Pháp có thái độ coi thường, tự tin thái quá.

"Quân Pháp lúc đó rất tự tin với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cho rằng đây là pháo đài bất khả xâm phạm, mạnh chưa từng có ở Đông Dương. Tướng Đờ Cát có lúc còn giải truyền đơn khiêu khích quân ta với giọng điệu đại loại là "còn chờ gì nữa mà không tấn công đi". Tuy nhiên, kết cục của chiến dịch đã khiến các tướng lĩnh của Pháp phải nhận thất bại ê chề", tướng Thụy hồi tưởng.

Nhớ về khoảnh khắc 17h30 ngày 7/5/1954, khi quân ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng, Trung tướng Đặng Quân Thụy cho biết, đó là niềm hân hoan, vui mừng vô bờ bến.

"Sự vỡ òa trong niềm vui sướng thể hiện ở nụ cười và ánh mắt hạnh phúc của toàn quân và dân ta. Được chứng kiến lá cờ "quyết chiến, quyết thắng" của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch trong thời khắc đó quả là niềm vinh dự và tự hào. Bao nhiêu ngày tháng gian khổ, vất vả thành quả là chiến thắng đầy vinh quang và hiển hách", tướng Thụy tự hào chia sẻ.

Theo vị lão tướng, chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương, tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiếp tục giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến bảo vệ và xây dựng Tổ quốc sau này.

Trung tướng Đặng Quân Thụy sinh năm 1928 ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông tham gia cách mạng từ năm 1944; trở thành đảng viên Đảng Cộng sản việt Nam từ năm 1947.

Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, Tư lệnh Quân khu 2 (1987-1992), Phó Chủ tịch Quốc hội khóa IX, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam (2002-2007), đại biểu Quốc hội: Khóa VIII, IX, X. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng (1984) và thăng quân hàm Trung tướng (1989). Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (2009) và Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng (2017).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.