Giao thông

Quyết toán công trình ì ạch, vì sao?

21/07/2016, 05:56

Chậm quyết toán công trình trở thành bệnh nan y đối với các dự án giao thông nhiều năm qua.

Untitled

Dự án QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đã hoàn thành cách đây 3 - 4 năm nhưng chưa được quyết toán. Ảnh: Tạ Tôn

Chậm quyết toán công trình trở thành bệnh nan y đối với các dự án giao thông nhiều năm qua. 6 tháng đầu năm 2016, mặc dù công tác này đã có chuyển biến tích cực hơn so với thời điểm cùng kỳ các năm trước nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập.

Ban QLDA chưa làm hết trách nhiệm

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, 6 tháng đầu năm 2016, các chủ đầu tư, ban QLDA đã lập và trình báo cáo quyết toán 399 dự án hoàn thành (đạt 52% kế hoạch cả năm) gồm: 60 dự án vốn xây dựng cơ bản và 339 dự án vốn sự nghiệp kinh tế. Tuy nhiên, một số đơn vị chậm thực hiện công tác lập và trình báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, tỷ lệ đạt thấp như: Ban QLDA3 (Tổng cục Đường bộ VN) và Ban QLDA An toàn giao thông.

Ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, hiện một số đơn vị chưa chú trọng đúng mức công tác quyết toán, cán bộ theo dõi dự án chưa thực hiện xong công tác quyết toán đã chuyển công tác hoặc theo dõi dự án khác. Ngoài ra, năng lực hoàn thiện hồ sơ dự án, nhất là hồ sơ hoàn công của một số doanh nghiệp dự án BOT còn hạn chế. “Công tác trình, duyệt điều chỉnh dự án đầu tư, duyệt khối lượng phát sinh và dự toán khối lượng phát sinh chậm. Đến hết thời hạn lập quyết toán nhưng vẫn còn trường hợp chưa hoàn thành các thủ tục trình duyệt khối lượng bổ sung, phát sinh, điều chỉnh giá dẫn tới việc chưa đủ cơ sở để quyết toán”, ông Quốc thông tin.

Liên quan đến công tác thẩm định hồ sơ quyết toán, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục QLXD & CLCTGT cho rằng, dự án có quyết toán được hay không phụ thuộc vào hồ sơ hoàn công bao gồm: Bản vẽ hoàn công, chứng từ thay đổi đơn giá, nguồn vật liệu, khối lượng phát sinh (nếu có)… Công tác nghiệm thu thanh quyết toán công trình phải được thiết lập thành một hệ thống ngay từ khi dự án bắt đầu triển khai do ban QLDA chủ trì. Trong hệ thống phải có kỹ sư phụ trách về khối lượng, chất lượng, thanh toán của nhà thầu và tư vấn giám sát. Đồng thời, các ban QLDA cũng phải thành lập một hệ thống để giám sát, kiểm tra quá trình này.

“Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, vẫn còn xảy ra tình trạng một số ban QLDA chưa quan tâm bố trí người theo dõi công tác thanh quyết toán dẫn tới công trình hoàn thành nhưng lại không đủ hồ sơ để quyết toán”, ông Sanh nói và cho rằng, chất lượng hồ sơ hoàn công không đảm bảo ảnh hưởng rất nhiều đến công tác thẩm định quyết toán của các dự án.

“Điển hình như dự án QL3 mới Hà Nội – Thái Nguyên do Ban QLDA2 làm chủ đầu tư đã hoàn thành cách đây 3 - 4 năm nhưng đến nay chưa thể phê duyệt quyết toán do hồ sơ thiếu nhiều thủ tục, chứng từ nên phải gia hạn nhiều lần”, ông Sanh dẫn chứng và cho biết thêm, đối với các dự án BOT hầu hết đều xảy ra tình trạng thanh quyết toán chậm do cả nhà đầu tư và nhà thầu đều thiếu chuyên nghiệp. Trong khi đó, các dự án sử dụng ngân sách và Trái phiếu Chính phủ làm tốt hơn những cũng chỉ tập trung tại các ban QLDA đề cao vai trò của công tác thanh, quyết toán như: Ban QLDA6, Thăng Long, Ban QLDA85...

Làm khó nhà thầu

Một bất cập nữa trong công tác quyết toán công trình thời gian qua được một số nhà thầu phản ánh là việc có những dự án đã hoàn thành nhiều năm, thủ tục phê duyệt hồ sơ quyết toán được giải quyết nhanh gọn từ lâu nhưng suốt thời gian dài, các ban QLDA không thanh toán cho các nhà thầu các giá trị quyết toán. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành không giấu nổi bức xúc trước việc chủ đầu tư tại dự án cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Sơn La – Tuần Giáo và QL6 đoạn Tuần Giáo – Lai Châu (Ban QLDA1 làm chủ đầu tư) chậm thanh toán cho nhà thầu kéo dài gần 10 năm.

Theo quy định của Thông tư 09 ngày 18/1/2016 của Bộ Tài chính và Chỉ thị 27 ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, các ban QLDA có một dự án chậm trình quyết toán từ 24 tháng trở lên hoặc có 3 dự án chậm trình quyết toán, cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư không giao nhiệm vụ quản lý dự án mới cho ban QLDA.

“Riêng Gói thầu số 8 thi công đèo Pha Đin và Gói thầu 12 thuộc dự án QL6 Sơn La – Tuần Giáo đã được chúng tôi hoàn thành từ năm 2009, Gói thầu 15 đoạn Tuần Giáo – Lai Châu cũng hết thời hạn bảo hành ba năm, hồ sơ hoàn công quyết toán công trình đã được Bộ GTVT phê duyệt xong từ lâu, vốn dự án còn dư. Tuy nhiên, suốt 7 năm qua, chúng tôi không được thanh toán các gói thầu này, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn”, ông Khôi bày tỏ.

Trong khi đó, đại diện các đơn vị được Bộ GTVT đánh giá cao công tác quyết toán công trình thời gian qua, ông Lê Tuấn Khanh, Kế toán trưởng Ban QLDA6 chia sẻ kinh nghiệm, bất cứ dự án nào do đơn vị phụ trách, ngay thời điểm bắt đầu triển khai, lãnh đạo ban đều yêu cầu và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban liên quan thực hiện nghiêm túc công tác hoàn thiện hồ sơ, quyết toán công trình tuân thủ đúng các quy định hướng dẫn. Hàng tháng, các cá nhân có liên quan trong hệ thống quyết toán, hoàn công đều phải kiểm điểm tiến độ thực hiện.

“Có những dự án phải kéo dài thi công qua nhiều năm như QL279 đoạn Tuyên Quang – Bắc Kạn, chúng tôi thực hiện hoàn thiện hồ sơ quyết toán theo từng gói thầu mà không chờ đến khi xong toàn bộ mới tổ chức quyết toán. Riêng năm 2015, ban đã hoàn thiện và trình hồ sơ quyết toán 13 gói thầu, còn lại một gói cũng đã hoàn thành và trình hồ sơ trong đầu năm 2016, điều đó đảm bảo công tác quyết toán các công trình của ban luôn nhanh gọn, không bị chậm trễ”, ông Khanh nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.