Hạ tầng

Rà soát ưu tiên nâng cấp 79 tuyến quốc lộ

10/03/2020, 09:04

Bộ GTVT sẽ phải rà soát và đưa ra các tiêu chí để sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án nâng cấp quốc lộ.

img
Thi công dự án cải tạo, nâng cấp QL3B đoạn Xuất Hóa - cửa khẩu Pò Mã

Bộ GTVT đang rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư 79 tuyến quốc lộ bằng nguồn vốn ngân sách vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 31/7/2020.

Nhiều tuyến đường xuống cấp

Trải dài hơn 70km qua địa bàn tỉnh Sơn La, tuyến QL37 đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối hệ thống giao thông khu vực Tây Bắc với cao tốc Nội Bài - Lào Cai với các tuyến quốc lộ QL32, QL70, QL2, QL3... QL37 đồng thời còn là tuyến đường phá thế độc đạo của QL6, phục vụ đảm bảo giao thông từ Sơn La, Điện Biên, Lai Châu về Hà Nội khi có ách tắc trên QL6.

Tuy nhiên, hiện tuyến QL37 qua Sơn La đang xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông rất lớn, cấp thiết phải được đầu tư nâng cấp, cải tạo.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trịnh Xuân Hùng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sơn La cho biết, tuyến QL37 qua Sơn La đoạn Gia Phù - Cò Nòi được đầu tư cải tạo từ đầu những năm 2000 với quy mô nền đường cấp 4 miền núi, nền đường 7,5m, mặt đường bê tông 5,5m. Sau gần 20 năm khai thác và ảnh hưởng của mưa lũ hàng năm, đến nay tuyến QL37 đã hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo khả năng khai thác. Sở GTVT và UBND tỉnh Sơn La đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ GTVT cấp thiết đưa dự án nâng cấp, cải tạo QL37 đoạn Gia Phù - Cò Nòi vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Tương tự, tuyến QL4H quy mô cấp 5 và cấp 6 miền núi trải dài 169,3km qua địa bàn tỉnh Lai Châu đang được chính quyền địa phương kiến nghị Bộ GTVT quan tâm, xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Văn bản của Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu vừa được gửi đến Bộ GTVT cho biết, QL4H là tuyến giao thông huyết mạch đi qua huyện biên giới đặc biệt khó khăn (Nậm Nhùn, Mường Tè) của tỉnh Lai Châu kết nối huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Tuyến đường này có vị trí quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh nhưng đã bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn giao thông. Nếu được đầu tư QL4H sẽ tạo động lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Không chỉ riêng các tuyến quốc lộ khu vực miền núi phía Bắc, nhiều tuyến đường cấp 3 ở các khu vực Đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long... cũng đang cần nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, tải tạo trong giai đoạn tới. Tại Ninh Bình, trong buổi làm việc mới đây với Bộ GTVT, ông Nguyễn Ngọc Thạch - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã kiến nghị Bộ GTVT đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và giao Sở GTVT làm chủ đầu tư của các dự án nâng cấp, mở rộng tuyến QL45 và QL37C.

Nhu cầu quá lớn, nguồn lực có hạn

Hiện nay, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT cũng đang rốt ráo hoàn thiện công tác lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo hàng loạt tuyến quốc lộ trong cả nước để trình Bộ GTVT đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Ông Phùng Tuấn Sơn - Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, Ban QLDA Thăng Long được Bộ GTVT giao nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 9 dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ: Nâng cấp QL279 đoạn qua Quảng Ninh; Nâng cấp QL279 đoạn Bảo Yên - Bảo Hà (Lào Cai); Dự án cải tạo, nâng cấp QL279 đoạn Cáp Na - Pá Uôn; Dự án cải tạp nâng cấp QL6 đoạn Tuần Giáo - Mường Lay; Dự án cải tạo nâng cấp QL217 đoạn QL1 đến đường Hồ Chí Minh...

“Các dự án được Ban QLDA Thăng Long lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đều là những dự án nằm trong quy hoạch phát triển ngành GTVT và có kiến nghị đề xuất đầu tư từ phía chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sau khi rà soát thực tế, một số tuyến quốc lộ tuy chưa vào cấp nhưng đã được thảm mặt, khối lượng không lớn nên dự kiến chúng tôi sẽ trình Bộ GTVT báo cáo đề xuất lập chủ trương đầu tư của 4 dự án cải tạo, nâng cấp gồm: QL53 đoạn Long Hồ - Ba Si; QL29; QL14D và QL6 đoạn Tuần Giáo - Mường Lay”, ông Sơn thông tin.

Ông Vũ Anh Tuấn, Trường phòng Kinh tế - Kế hoạch (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh) cũng cho biết, dự kiến, trong tháng 3/2020, đơn vị sẽ trình Bộ GTVT báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của 5 dự án cấp thiết: Đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã 3 Trung Sơn; Dự án đầu tư nâng cấp QL15D, QL14E và dự án mở rộng cao tốc La Sơn - Túy Loan.

Tương tự, ông Vũ Đức Thịnh, Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch (Ban QLDA 6) thông tin, dự kiến trước ngày 15/3/2020, đơn vị sẽ trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cả 13 dự án đã được Bộ GTVT giao nghiên cứu, gồm: Cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua Bắc Giang; QL37 đoạn Gia Phù - Cò Nò (Sơn La); QL37 qua Thái Bình; QL4D qua Lai Châu; QL279 đoạn Điện Biên - Tây Trang...

Theo thông tin từ Vụ KH&ĐT, Bộ GTVT, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT cần hơn 447.200 tỷ đồng, trong đó 318.000 tỷ đồng để triển khai 192 dự án mới gồm: 47 dự án nhóm A và 145 dự án nhóm B (khoảng 79 dự án cải tạo, nâng cấp đường bộ). Tuy nhiên, dự kiến nguồn vốn bố trí cho Bộ GTVT cao nhất cũng chỉ khoảng 280.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu.

“Chắc chắc không thể đầu tư hết các dự án theo nhu cầu vì nguồn vốn có hạn. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ phải rà soát và đưa ra các tiêu chí để sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án, trong đó có các dự án nhóm B để đưa vào danh mục đầu tư kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, đại diện Vụ KH-ĐT thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.