Chuyện dọc đường

Rác “khủng bố” người

26/07/2019, 09:32

Hầu như, tỉnh thành nào cũng đánh giá cao về nguồn thu từ du lịch. Nhưng khách du lịch không thể vừa đi vừa… bịt mũi.

img
Sống cùng rác (Chụp ở Kiên Giang). Ảnh: Hùng Lekima

Và có lẽ, đến thời điểm này, chẳng có tỉnh thành nào xử lý dứt điểm được vấn đề rác.

Mấy hôm nay, hầu hết các báo đều nói chuyện rác. Bãi biển Hạ Long người tắm ngụp lặn trong rác; Các bãi tập kết rác ở TP HCM khiến người qua đường phải bịt mũi; Hà Nội rác ùn trong thành phố khi dân “chặn đường” vào bãi rác Nam Sơn; nhiều tỉnh, thành khác rác ngập trên kênh mương, rác đổ vô tội vạ lộ thiên trên phố…

Nếu ai đã từng đến các bãi biển được ca tụng như: Bãi Sao ở Phú Quốc, đảo Lý Sơn, biển Thuận An, Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng sẽ thấy, ngợp lên là rác.

Nói không ngoa, rác đang “khủng bố” người.

Trong khi đó, Chính phủ rất coi trọng kinh tế du lịch. Và hầu như, tỉnh thành nào cũng đánh giá cao về nguồn thu từ du lịch. Nhưng khách du lịch không thể vừa đi vừa… bịt mũi.

Cả nước, không địa phương nào, không nơi đâu và không ai không nói về vấn đề môi trường, vậy thì vì sao môi trường lại ngập… rác?

Lâu lâu lại nghe hội thảo khoa học về xử lý rác, lâu lâu lại có chương trình lớn được phát động… mà rác vẫn ngập tràn. Chỉ riêng bãi biển vịnh Hạ Long, công ty thu gom cứ vớt đi 6-7 tấn rác thì biển lại tấp vào chừng đó. Không khéo vài năm nữa, di sản thế giới này bị rác bủa vây.

Từ khi người viết bài này vào làm việc ở Đà Nẵng, đã nghe dân chặn xe ở bãi rác Khánh Sơn, hôm rồi, nghĩa là sau 18 năm, dân lại chặn xe chở rác, đến mức phải điều hàng trăm cảnh sát giải tỏa và huy động lực lượng xử lý rác. Nhưng đó không phải là giải pháp căn cơ. Rồi vấn đề đó sẽ lại tái diễn.

Mới đây, để giải quyết mùi xú uế, các cơ quan liên quan ở Hà Nội đã đề nghị (và đã) di dời mấy chục cây hoa sữa về trồng quanh bãi rác. Một “sáng kiến” tức cười, như thể xịt nước hoa vào người hôi nách.

Tôi không hiểu sâu chuyên ngành môi trường, sâu hơn về vấn đề xử lý rác, nhưng cảm thấy có cái gì đó rất lúng túng trong chuyện này. Không biết đến bao giờ mới xử lý được. Đầu tiên, phải nói về quy hoạch bãi rác, hầu hết không hợp lý, tiếp theo là công nghệ xử lý rác không được đầu tư và nơi đầu tư thì không tuân thủ quy trình, không thực sự hiệu quả mà cốt lõi nó vẫn nằm ở ý thức, trình độ con người. Không chỉ là của từng người dân mà cả hệ thống.

Ví dụ, họp tổ dân phố yêu cầu bà con phân loại rác. Trước đây phân 2 loại hữu cơ - vô cơ, sau thành 3 loại. Nhưng phân loại mà làm gì khi hàng triệu người Việt có thói quen cho vỏ trái cây, thức ăn vào túi ni lông buộc chặt rồi mới vứt. Phân loại rác làm gì khi người gom rác tống tất tật lên một thùng xe, đổ về cùng một bãi?

Rất nhiều chiến dịch tình nguyện thu gom rác, rất nhiều đội tình nguyện tự phát đi nhặt rác, nhưng nhặt xong lại có người xả. Đó là thói quen vô cùng xấu của người mình, cứ tiện tay là vứt rác ra đường, kệ thiên hạ. Vận động chưa thể được thì trước hết phải dùng biện pháp hành chính để tạo nên thói quen, đó là phạt.

Có rất nhiều lực lượng chồng lên nhau trên một góc chợ, đường phố nhưng không có lực lượng nào phạt người xả rác. Vừa qua, Thủ đô đã tiên phong, lắp camera xử phạt xả rác ở Hồ Gươm. Vừa phạt vừa tuyên truyền, sạch ngay. Rất mừng.

Bãi biển Đà Nẵng cũng đã làm tốt việc này, nhờ vậy mới được như hôm nay. Vì sao làm được? Là có một lực lượng chuyên theo dõi, giám sát, nhắc nhở… chứ kêu gọi xong vứt đó thì khó mà thành công.

Theo tôi, thay vì chỉ vận động giới trẻ tình nguyện nhặt rác thì nên đặt hàng các nhà khoa học trẻ nghiên cứu một quy trình hẳn hoi để quản lý, từ khâu ban đầu là ý thức người dân cho đến khâu xử lý rác. Tôi nghĩ, người trẻ họ làm được, vì họ làm cho chính tương lai của họ và con cháu họ sau này.

Về phương diện Nhà nước, phải có biện pháp cụ thể, cứng rắn. Ví dụ, tai nạn giao thông - địa phương nào để tăng thì cán bộ lãnh đạo bị phê bình, kỷ luật, vậy, địa phương để người dân tụ tập phản đối lâu ngày về ô nhiễm rác thải thì cán bộ cũng phải chịu trách nhiệm gì chứ?

Đến rác mà không xử lý được thì thử hỏi, nơi mình ở có đáng sống?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.