Giao thông

Ràng buộc trách nhiệm khắc phục chậm, hủy chuyến bay

30/10/2014, 07:51

Hôm qua (29/10), thảo luận tại Quốc hội, các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể các biện pháp khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng

Việc chậm, hủy chuyến là vi phạm hợp đồng vận chuyển, vì vậy hành khách có quyền đòi bồi thường thiệt hại Ảnh: TK
Việc chậm, hủy chuyến là vi phạm hợp đồng vận chuyển, vì vậy hành khách có quyền đòi bồi thường thiệt hại

Cục Hàng không là Nhà chức trách hàng không

Báo cáo Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN) tại QH ngày 29/10, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, đa số ý kiến tán thành dự thảo Luật quy định Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ GTVT là Nhà chức trách hàng không, giúp Bộ trưởng GTVT thực hiện quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng theo quy định của pháp luật.

Theo Ủy ban TVQH, hàng không dân dụng là lĩnh vực đặc thù. Theo Công ước quốc tế về hàng không dân dụng năm 1944 (Công ước Chicago) và Hướng dẫn của Tổ chức HKDD quốc tế (ICAO), Nhà chức trách hàng không có trách nhiệm trực tiếp thực hiện các quy định của Công ước quốc tế về hoạt động HKDD của quốc gia; Giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, kiểm tra, giám sát trực tiếp toàn bộ hoạt động hàng không của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.

“Công việc này diễn ra thường xuyên, mang tính chuyên môn cao. Hơn nữa, Nhà chức trách hàng không phải chịu sự thanh tra, giám sát của ICAO và đánh giá của Nhà chức trách HKDD các nước về năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Hiện nay, tại Quyết định số 94/2009/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã quy định Cục Hàng không Việt Nam là Nhà chức trách hàng không của Việt Nam. Ngoài ra, cho đến nay đa số các điều ước quốc tế song phương về HKDD mà Việt Nam ký kết với các nước đã xác định vai trò này của Cục Hàng không Việt Nam”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói, quy định Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng là Nhà chức trách hàng không là hoàn toàn hợp lý.

Quy rõ trách nhiệm hãng vận chuyển khi chậm, hủy chuyến

Tại phiên thảo luận, chỉ có rất ít đại biểu đăng ký phát biểu. Trong khi số đại biểu nêu ý kiến cũng tỏ ra đồng thuận cao với những điểm mới của dự thảo Luật, trong đó có các quy định về thanh tra hàng không (Điều 10); giá dịch vụ chuyên ngành hàng không (Điều 11, Điều 116); Về thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng (Điều 49); Về khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến trong vận chuyển HKDD...

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận và cho ý kiến là việc khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến trong vận chuyển HKDD. Bởi Luật HKDD hiện hành đã quy định về quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển, của hành khách; Bồi thường thiệt hại, chăm lo hành khách trong trường hợp chậm chuyến, hủy chuyến... Tuy nhiên, Luật thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của DN về các điều kiện vận chuyển, duy trì chất lượng tối thiểu của dịch vụ mà DN phải bảo đảm cho hành khách.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) dẫn chứng: Theo Khoản 2, Điều 528 Bộ luật Dân sự, vé là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa các bên. Như vậy, việc chậm, hủy chuyến là vi phạm hợp đồng vận chuyển của các hãng hàng không, vì vậy hành khách có quyền đòi bồi thường thiệt hại, mà luật hiện hành chưa quy định rõ trách nhiệm của hãng hàng không đối với quy định này.

“Tuy dự thảo luật có bổ sung Khoản 4a, Điều 110, Khoản 6, Điều 145 với mục đích giải quyết thực trạng chậm, hủy chuyến nhưng các quy định này còn chung chung nên khó giải quyết được những bất cập và giải quyết bồi thường cho hành khách vì chậm hủy chuyến”, ĐB tỉnh Bình Định nêu ý kiến.

Trong khi đó, liên quan đến quy định về thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng, ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng, từ trước đến nay, Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng quản lý ra quyết định mở, đình chỉ, thành lập hoạt động các sân bay chuyên dùng. Hơn nữa, việc quản lý hoạt động sân bay được Bộ Quốc phòng quản lý nghiêm ngặt có sự phân công kết hợp với nhiều phương tiện tạo thành một hệ thống quản lý vùng trời hiệu quả. “Tuy nhiên, sân bay chuyên dùng cũng phải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế về khai thác HKDD theo quy định của ICAO, do đó rất cần có sự thống nhất của Bộ GTVT”, ông Sơn đề nghị.

Tiến Minh - Thiện Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.