Thị trường

Ráo riết kêu gọi tiết kiệm năng lượng ở EU và hành động của Việt Nam

04/08/2022, 11:00

EC kêu gọi người dân ráo riết tiết kiệm năng lượng, trong bối cảnh EU đang có kế hoạch loại bỏ khí đốt của Nga vào năm 2030.

Sẽ đặt ra giới hạn sử dụng năng lượng

Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi người dân hạ nhiệt độ máy sưởi khoảng 2 độ C nhằm giảm tiêu thụ năng lượng. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ giảm 2/3 sản lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga trong vòng một năm; Kế hoạch loại bỏ khí đốt của Nga vào năm 2030 và việc cấm vận dầu ngày càng "căng thẳng".

Hiện EU đã đồng ý cấm nhập khẩu toàn bộ dầu Nga thông qua đường biển vào cuối năm nay. Tuy nhiên, khối này vẫn tiếp tục cho phép nhập khẩu dầu thông qua đường ống.

Các nhà lãnh đạo EU cho rằng đây chỉ là "giải pháp tạm thời" do một số nước như Hungary và Slovakia vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu này.

img

Đường ống Nord Stream 1, dẫn khí từ Nga sang EU

Để chống chọi tốt hơn với sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn cung cấp khí đốt của Nga, thậm chí có nguy cơ bị cắt hoàn toàn, EC dự kiến sẽ hối thúc các chính phủ EU đặt ra giới hạn về lượng sử dụng năng lượng cho các tòa nhà, văn phòng, khu vực tiện ích công, trung tâm thương mại và khuôn viên ngoài trời.

Ủy ban này cho biết, nếu nguồn cung bị cắt giảm, các quốc gia EU chỉ có thể bổ sung 65-71% trữ lượng khí đốt của họ trước mùa Đông.

Để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, EC khuyến nghị việc áp dụng các quy tắc yêu cầu các tòa nhà công cộng chỉ được sưởi ấm không quá 19 độ C (66 độ F) và làm mát bằng các máy điều hòa không khí không được thấp hơn 25 độ C (77 độ F).

Mùa Đông thường kéo dài từ tháng Mười đến tháng Ba, châu Âu có thể tiết kiệm lượng lớn khí đốt bằng cách triển khai các nguồn nhiệt thay thế để sưởi ấm và các chiến dịch tiết kiệm năng lượng, kêu gọi người dân giảm nhiệt độ sưởi ấm.

Các chuyên gia năng lượng cho biết, việc giới hạn mức nhiệt độ sưởi ấm hoặc làm mát có thể cắt giảm khoảng 10% chi phí điện năng của một tòa nhà.

Được biết, EU đã nhập khẩu khoảng 140 tỷ m3 khí đốt từ Nga vào năm ngoái. Việc thực hiện tiết kiệm có thể làm giảm 1/3 tác động của sự gián đoạn đột ngột nguồn cung khí đốt.

IEA tính toán rằng khoảng 11 tỷ m3 khí đốt có thể được tiết kiệm trực tiếp từ việc hạn chế mức nhiệt độ sưởi ấm và làm mát, và từ 4-40 tỷ m3 thông qua việc giảm nhu cầu điện. Ngoài ra, 10-11 tỷ m3 khí đốt cũng có thể được tiết kiệm do một số ngành công nghiệp tiết chế sản lượng do giá cả tăng cao.

Theo báo cáo của EC, các cơ quan công quyền chiếm tới 30% tổng lượng năng lượng tiêu thụ. Do vậy, việc định hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho những cơ quan này là chìa khóa quan trọng để giảm lượng tiêu thụ khí đốt của EU.

EC kêu gọi các nước châu Âu thiết lập cơ chế “bù đắp” cho những nhà máy công nghiệp đồng ý giảm lượng tiêu thụ khí đốt bằng các cơ chế khuyến khích.

Hành động của Việt Nam

Không chỉ EU đang đối diện với nỗi lo thiếu năng lượng, mà tại Việt Nam, nỗi lo này cũng dần hiện hữu. Đặc biệt là nỗi lo thiếu điện khi tiêu thụ điện tăng, ngược với tốc độ phát triển của các nguồn điện lớn.

Hiện, tiêu thụ điện toàn quốc tăng rất cao, lập đỉnh mới là 45.528 MW, khó khăn nhất là khu vực miền Bắc. Do nắng nóng gay gắt kéo dài khiến các nguồn phát điện cũng gặp khó khăn, một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố như: Cẩm Phả, Thăng Long, Quảng Ninh, Ninh Bình, Mông Dương 2 với tổng công suất không phát điện được tương ứng khoảng 1.555 MW.

Cùng với đó, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện từ đầu năm đến nay tăng rất cao (như than, khí, dầu…), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận định, việc sử dụng điện tiết kiệm lại càng cần thiết và ý nghĩa, góp phần giảm bớt chi phí cho hệ thống điện quốc gia.

img

Công nhân Công ty Điện lực Hưng Yên hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài cũng dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.

Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài làm ảnh hưởng đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Ngay việc sử dụng điện trong sinh hoạt, nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao so với bình thường.

Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như nguy cơ cháy nổ trong gia đình và để đảm bảo cân đối được cung - cầu điện, EVN đã đề nghị người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối.

Cụ thể, buổi trưa từ 11h30-14h30, buổi tối từ 20h00-22h00. Đồng thời, chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt), không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.

Để chung tay với ngành điện trong việc cung cấp điện an toàn, ổn định liên tục cho khách hàng, EVN kêu gọi khách hàng cùng thực hiện sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả...

Ngày 25/7/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Công điện 666 yêu cầu cơ quan chức năng hướng dẫn người dân sử dụng thiết bị điện an toàn, sau vụ việc ngạt khí tại Bình Dương do dùng máy phát điện.

Thủ tướng yêu cầy Bộ Công thương chỉ đạo EVN chủ động tính toán, dự báo nhu cầu điện, lập kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia đảm bảo an toàn, cung cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân;

Lưu ý, tăng cường công tác tiết kiệm điện; Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên theo dõi, hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị điện đúng quy định, bảo đảm tuyệt đối an toàn, tiết kiệm điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.