Điện ảnh

Rạp phim và nền tảng trực tuyến có thể “cộng sinh”?

17/06/2021, 06:10

Netflix đã phát hành bộ phim kinh dị “Army of the dead” của đạo diễn Zack Snyder tại các cụm rạp, trong đó có Cinemark - cụm rạp lớn nhất Mỹ.

img

“Army of the dead” lọt vào danh sách 10 phim do Netflix sản xuất thu hút khán giả nhất

Trở lại sau hơn 1 năm đóng băng vì dịch Covid-19, “ông lớn” Warner Bros. vẫn quyết định dùng cả năm 2021 để thử nghiệm phương thức mới: Phát hành song song cả ngoài rạp lẫn trực tuyến, đe dọa doanh thu của các rạp chiếu. Ngoài ra, Disney +, HBO Max, Amazon cũng đang rục rịch mở rộng hoạt động phát trực tuyến trên toàn thế giới. Đây phải chăng là xu hướng trong tương lai?

Nền tảng trực tuyến thừa thắng xông lên

Đại dịch Covid-19 đã nới rộng khoảng cách giữa phim chiếu rạp và phim phát tại nhà. Doanh thu phòng vé ở Bắc Mỹ giảm từ gần 11,4 tỷ USD năm 2019 chỉ còn 2,2 tỷ USD trong năm 2020. Các rạp chiếu gần như không thể tồn tại độc lập và về cơ bản, 2020 là năm lỗ toàn bộ đối với bất kỳ công ty nào phụ thuộc vào doanh thu bán vé.

Một gói đăng ký HBO Max có giá 15 USD mỗi tháng, trong khi vé xem phim tại New York và Los Angeles được bán với giá 20 USD/lượt. Đây là một trong những ví dụ cho thấy, hệ thống rạp chiếu phim sẽ còn khó khăn trong thời gian tới.

Trong khi đó, Bloomberg cho biết, Netflix đã có thêm 26 triệu khách hàng trong nửa đầu năm 2020, một kỷ lục về số người đăng ký mới. Tara Lachapelle, người phụ trách mảng kinh doanh giải trí của Bloomberg thừa nhận: “Khán giả đã làm quen với cuộc sống không có rạp chiếu phim, ngay cả khi vượt qua cuộc khủng hoảng. Các ứng dụng phát trực tuyến đã chiếm phần lớn thị phần và dễ dàng lấy đi lượng lớn người xem”.

Trước cục diện mới, “ông lớn” Warner Bros., một trong những hãng sản xuất phim và truyền hình hàng đầu thế giới cũng không bỏ qua cơ hội “hái ra tiền” trên nền tảng trực tuyến.

Theo đó, đơn vị này thông báo toàn bộ danh sách phát hành năm 2021 của hãng sẽ có mặt trên các cửa hàng trực tuyến của WarnerMedia, HBO Max cùng ngày khởi chiếu tại rạp. Quyết định này cho thấy, niềm tin vào ngành phát trực tuyến sẽ mang lại tương lai mới cho ngành kinh doanh giải trí.

Universal và Paramount cũng đã ký thỏa thuận với các chuỗi rạp chiếu phim để có thời lượng chiếu rạp ngắn hơn, cho phép các hãng đưa phim lên nền tảng trực tuyến sớm hơn những năm trước. Disney sẽ phát hành “Black Widow” và “Jungle Cruise” tại rạp và trên Disney+.

Làn sóng ồ ạt này khiến giới phát hành phim lo ngại, dù tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Song, chia sẻ trong một buổi phát thanh trên kênh YouTube The Realignment, nhà báo Ben Fritz của tờ The Wall Street Journal cho rằng, vấn đề thực ra không nằm ở việc rạp phim có “chết” hay không, mà nằm ở sự biến động của khán giả.

“Chắc chắn những nhà làm phim của Hollywood rất lo lắng khi rạp mở cửa trở lại. Họ không biết khán giả sẽ ra rạp thường xuyên ra sao, đặc biệt khi nhiều người đã lâu không ra rạp và có nhiều phim lớn đang chờ. Vấn đề không nằm ở việc có ai đến rạp chiếu không, mà là lượng khán giả trung bình sẽ giảm ra sao”, Fritz chia sẻ.

Có thể duy trì quan hệ “cộng sinh”?

img

“Black Widow” sẽ ra mắt đồng thời ở rạp truyền thống và nền tảng chiếu phim trực tuyến

Cuối tháng 5 vừa qua, Netflix đã phát hành bộ phim kinh dị “Army of the dead” của đạo diễn Zack Snyder tại các cụm rạp, trong đó có Cinemark - cụm rạp lớn nhất của Mỹ trước khi trình chiếu trực tuyến. Đây là điều chưa từng có tiền lệ.

Nhận định về màn hợp tác này của Netflix với các cụm rạp, Variety hài hước cho rằng, Covid-19 đã biến “những kẻ thù không đội trời chung trở thành bạn”.

Bởi trước đó, Netflix được xem là nguyên nhân gây ra cái chết cho các rạp chiếu khi thúc đẩy việc khán giả tăng cường trải nghiệm thưởng thức phim tại nhà. Bản thân các cụm rạp cũng từ chối phát hành phim của Netflix vì đơn vị này không đáp ứng quy định về thời lượng chiếu rạp tối thiểu trước khi đưa lên trực tuyến.

Bất chấp sự tiện lợi và thoải mái của việc xem tại nhà, các hãng phim ở Hollywood không cam chịu sự sụp đổ của ngành kinh doanh điện ảnh. Công việc của giới làm phim lúc này là phải làm gì để để rạp chiếu phim và các nền tảng trực tuyến cùng tồn tại, phát triển.

Tất nhiên, phim trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn rạp chiếu phim cũng như radio không mất đi sau khi ti vi trở thành một phần quan trọng trong phòng khách gia đình.

Phần đông giới chuyên gia nhận định, rút ngắn thời hạn độc quyền của các rạp chiếu phim rất có thể sẽ là biện pháp hữu ích giúp cả 2 bên cùng tồn tại và phục vụ tốt hơn đối tượng khách hàng của mình. Nếu như trước đây, hầu hết các nhà phát hành đưa phim lên nền tảng trực tuyến sau 3 tháng ra rạp nhưng với tình hình hiện tại thời gian này có thể rút ngắn hơn.

Đơn cử, Universal đã thỏa thuận với các kênh và rạp chiếu phim AMC, Cinemark và Cineplex cho phép các kênh này phát sóng những bộ phim mới theo yêu cầu trong vòng vài tuần kể từ khi ra rạp.

Universal dự kiến sẽ thực hiện thỏa thuận tương tự với Regal Cinemas, chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ hai của Mỹ. Đổi lại, các dịch vụ trực tuyến sẽ phải giảm một chút lợi nhuận về kỹ thuật số.

Universal lập luận, thỏa thuận của họ khả thi hơn về mặt tài chính đối với các rạp chiếu phim về lâu dài vì yêu cầu giao dịch trên từng phim riêng lẻ, ngược lại với dịch vụ đăng ký cung cấp hàng nghìn phim với mức giá theo tháng.

Trả lời Hollywood Reporter, ông Peter Levinsohn, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc phân phối của Universal cho biết: “Chúng tôi cảm thấy mô hình kinh doanh của mình là mô hình kinh doanh bền vững nhất. Đó là thứ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Điều này đã tạo nên một hệ sinh thái mạnh mẽ hơn”.

Đồng quan điểm, Ben French - trợ lý nghiên cứu tại Viện Giải trí, Truyền thông, Thể thao và Văn hóa Pepperdine nhận định, 90% doanh thu phòng vé được thu về trong vòng 2 tháng khi phát hành tại rạp.

Do đó, việc phát hành phim trên các dịch vụ trực tuyến sớm hơn trung bình sẽ phục vụ thị trường tốt hơn mà không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu rạp chiếu.

“Trong đó bao gồm cả lợi ích kinh tế nếu các nhà phân phối có tiềm lực mạnh mua lại các công ty điện ảnh đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Việc tích hợp này sẽ tối ưu hóa doanh thu trên các kênh. Rõ ràng, việc đưa phim lên nền tảng trực tuyến sớm hơn trước đây sẽ rất có ý nghĩa”, Ben French phân tích.

Trong cuộc khảo sát với 20.398 người trưởng thành tại Mỹ của What if Media Group, 20% số người được hỏi cho biết, họ không có ý định quay lại rạp phim ngay cả khi vaccine Covid-19 được phổ biến rộng rãi. 10% cho biết, có thể họ không quay lại rạp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.