Bạn cần biết

Rét đậm, người già, trẻ nhỏ phòng ngừa bệnh gì?

12/01/2018, 07:20

Trời trở lạnh sâu kéo dài, người lớn, trẻ nhỏ đều dễ đổ bệnh với các bệnh lý hô hấp, tiêu chảy, đột quỵ...

19

Mặc dù đã gần 12h trưa nhưng lượng bệnh nhi chờ đợi kết quả xét nghiệm vẫn khá đông (Chụp tại Khoa Khám bệnh, BV Nhi T.Ư ngày 10/1)

Nhiều trẻ dưới 5 tuổi nhập viện vì tiêu chảy và hô hấp

Tại khoa Khám bệnh, BV Nhi T.Ư, mặc dù đã gần trưa nhưng cả gia đình anh Nguyễn Hữu Cảnh (Sóc Sơn) vẫn chầu trực đợi kết quả xét nghiệm của cả hai đứa con. Anh Cảnh cho biết, hai con anh (một bé 18 tháng và một bé 4 tuổi) bỗng sốt đùng đùng 2 ngày hôm nay, từ hôm trời đổi gió trở lạnh sâu. “Các cháu đều từng mắc viêm phổi, dù cố giữ gìn nhưng hễ trời trở lạnh là các cháu lại ốm. Đêm qua, cả hai cháu đồng loạt sốt xấp xỉ 400C, hoảng quá sớm nay hai vợ chồng nghỉ việc để đưa con thẳng lên viện khám cho yên tâm”, anh Cảnh cho biết.

Ngồi gần đó là bà Hoàng Ninh Huyền (Bắc Ninh) ôm cháu ngoại mới chừng 4 tháng. Cháu ngoại bà Huyền bị tiêu chảy đã 5 ngày nay, ban đầu chỉ 2-3 lần/ngày nhưng 2 ngày nay tần suất tiêu chảy tăng 4-5 lần/ngày. Trước đó khoảng 5 ngày, cháu nhỏ cũng vừa trải qua một đợt điều trị viêm phổi. Lo lắng nên gia đình đưa thẳng con lên viện T.Ư. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ bị tiêu chảy do virus Rota nên phải nhập viện điều trị. Bà Huyền cho hay, gia đình vừa xin phép bác sĩ cho chuyển về BV Đa khoa Bắc Giang để điều trị cho tiện, gần nhà hơn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, từ ngày 11-14/1, không khí lạnh mạnh tiếp tục được tăng cường ở Bắc bộ và các tỉnh Bắc Trung bộ xảy ra rét đậm, rét hại, vùng núi cao có khả năng xuất hiện băng giá; nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng phổ biến 9-12 độ C, các tỉnh vùng núi từ 6-9 độ C, vùng núi cao dưới 3 độ C. Thời tiết Hà Nội từ nay đến hết ngày 14/1 trời rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 9-12 độ C.

Theo BS. Trương Thị Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi T.Ư cho biết, trong những ngày qua, số lượng bệnh nhi lên đến khoảng 3 nghìn bệnh nhân/ngày. Đa phần trẻ đến khám và điều trị các bệnh lý về hô hấp và tiêu chảy. Đáng lưu ý, tỷ lệ trẻ thăm khám và điều trị tiêu chảy tăng cao, chiếm gần một nửa số trẻ tới khám bệnh. Cứ vào thời điểm này hàng năm, số trẻ dưới 5 tuổi bị tiêu chảy do virus Rota lại tăng lên vì môi trường và nhiệt độ mùa đông xuân rất thuận lợi cho virus này phát triển. Bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota dễ lây truyền lại chưa có thuốc đặc trị, là nguyên nhân gây mất nước đứng thứ hai sau tả nên cần phải điều trị kịp thời.

Theo BS. Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi T.Ư, với trẻ mắc tiêu chảy việc đầu tiên cha mẹ phải bù nước bằng dung dịch oresol, tiếp đó phải bổ sung kẽm theo kê đơn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, bởi nhiều gia đình thường kiêng khem khi trẻ mắc bệnh là không tốt. Trẻ cần ăn chế độ bình thường để có sức phục hồi, tránh suy dinh dưỡng. Nếu trẻ có vấn đề nhiễm trùng kèm theo các bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng kháng sinh.

Cùng tiêu chảy, bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên chiếm tỷ lệ cao nhất với các bệnh phổ biến như cúm ở trẻ em, viêm mũi, viêm họng cấp, viêm VA, viêm amiđan cấp... Với trẻ đã có tiền căn mắc hen phế quản (suyễn), mùa lạnh bệnh càng dễ tái phát và trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt, những trẻ đã có sẵn các bệnh mạn tính thường bị mắc bệnh nặng hơn và dễ bị những biến chứng nặng nề hơn so với những trẻ bình thường khác. Trong mùa lạnh đặc biệt lưu ý trẻ em dễ bị viêm phổi, với diễn tiến nhanh và nặng, có thể dẫn tới tử vong…

Người già cẩn trọng với đột quỵ

Theo PGS. TS. Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu A9 BV Bạch Mai, rét đậm kéo dài, số bệnh nhân bị đột quỵ và những bệnh lý tim mạch khác đều gia tăng. Nguyên nhân gây nên đột quỵ là do trời lạnh, huyết áp tăng làm co mạch, máu dễ bị đông hơn có thể gây tắc nghẽn. Đồng thời, môi trường lạnh, người dân dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng và điều này là cơ hội cho những người có bệnh nền trước đó dễ  bị đột quỵ hơn.

Ths. BS. Nguyễn Ngọc Cảnh, Trưởng khoa Cấp cứu (BV Châm cứu Trung ương) cũng cho biết, trời rét kéo dài chắc chắn số bệnh nhân méo miệng, liệt mặt nhập viện thường tăng. Đối tượng mắc nhiều nhất trong mỗi đợt rét đó chính là người cao tuổi, trẻ em. “Vì vậy, để phòng chứng liệt mặt, mọi người cần lưu ý nguyên tắc giữ ấm mặt, cơ thể. Không nên đi tập thể dục trong mùa đông quá sớm hoặc chủ quan không bảo vệ sức khỏe khi đi ra ngoài trời lạnh”, ông Cảnh khuyến cáo.

Tại BV Da liễu T.Ư, số người nhập viện do bị các bệnh như viêm da cơ địa, viêm da dị ứng… do trời rét có xu hướng tăng cao, tăng khoảng 4-5% so với thời tiết nắng ấm trước đó.

Trước dự báo thời tiết về đợt lạnh sâu này, ngành Y tế cũng đã yêu cầu các cơ sở y tế phải đảm bảo nhiệt độ đủ ấm cho bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh. Theo đại diện phòng Công tác xã hội của BV Bạch Mai, các khoa, phòng của bệnh viện này đều rà soát, cấp đủ chăn ấm và duy trì các thiết bị giữ ấm cho bệnh nhân nội trú. Tại khoa khám bệnh, theo TS. Đồng Văn Thành, phụ trách Khoa Khám bệnh cho biết, để chuẩn bị đối phó những đợt không khí lạnh kéo dài trong mùa đông, khoa đã tăng cường gần 30 máy sưởi cho các khu vực phục vụ bệnh nhân ngoại trú. Đó là các khu vực khám như: Siêu âm, điện tim, lấy máu xét nghiệm... Tại Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, hệ thống điều hòa hai chiều, máy sưởi, chăn ấm... cũng được bổ sung để giữ ấm cho bệnh nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.