Đường sắt

Rõ hơn về điều kiện kinh doanh đường sắt

23/06/2015, 18:27

Nghị định số 14/2015/NĐ-CP vừa ban hành tháng 2 quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt.

5 - 6 Tàu hàng conntainer lạnh 58 giờ - Sản phẩm m

Tổ chức, cá nhân sử dụng hạ tầng đường sắt để chạy tàu phải trả phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt. Ảnh: Ngô Vinh.

Nghị định số 14/2015/NĐ-CP vừa ban hành tháng 2 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt. So với các nghị định trước, nghị định này đã được bổ sung và sửa đổi nhiều điều khoản cho phù hợp tình hình thực tế.

Doanh nghiệp nào được kinh doanh vận tải đường sắt?

Nghị định số 14 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2015, thay thế Nghị định số 109 ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt và Nghị định số 03 ngày 19/1/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 109 ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt.

Nghị định 14 do Cục Đường sắt VN tham mưu Bộ GTVT trình Chính phủ ban hành, đã được bổ sung thêm một Chương 3 về kinh doanh đường sắt. Trong đó, điều 5 của chương này quy định nguyên tắc tổ chức hoạt động kinh doanh đường sắt. Quy định rất rõ đối với đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư. Việc kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải thực hiện tách bạch, đáp ứng các nguyên tắc như: kết cấu hạ tầng đường sắt là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Việc quản lý, khai thác tài sản này được giao cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện. 

Về kinh doanh vận tải đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải, doanh nghiệp có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật đều được tham gia kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải. Không phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước khi thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.

Đối với hệ thống đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị không nhất thiết phải thực hiện tách bạch giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải. Các công trình, tuyến đường sắt được đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hình thức đối tác công tư (PPP) và các hình thức khác, việc quản lý, khai thác thực hiện theo quy định của hợp đồng.

Điều 6 quy định việc cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Các tổ chức, cá nhân khi sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt để chạy tàu phải trả phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt. Mức phí phụ thuộc vào chiều dài hành trình, mác tàu, tuyến khai thác.

Đáng chú ý là tại điều 7 quy định việc kiểm tra, giám sát trong việc thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư. Bộ GTVT thực hiện kiểm tra, giám sát bảo đảm việc cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt minh bạch, hiệu quả; các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế không bị phân biệt đối xử trong việc thuê kết cấu hạ tầng đường sắt để chạy tàu, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hoặc sử dụng cho mục đích phù hợp khác...

Loại hình nào được phép kinh doanh?

Điều 8 sửa đổi quy định rõ loại hình và điều kiện chung về kinh doanh đường sắt. Trong đó quy định loại hình kinh doanh đường sắt bao gồm Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; Kinh doanh vận tải đường sắt; Kinh doanh xếp, dỡ hàng hóa tại ga, bãi hàng có đường sắt; Kinh doanh lưu kho, bảo quản hàng hóa tại ga đường sắt; Kinh doanh sản xuất, lắp ráp, hoán cải, phục hồi phương tiện giao thông đường sắt; Kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải đường sắt; Kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa.

Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh đường sắt phải là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam có đăng ký kinh doanh phù hợp với ngành nghề kinh doanh; Có trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với ngành nghề kinh doanh.

Đối với kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, tại điều 9 quy định doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện về chứng chỉ an toàn theo quy định tại Điều 75 của Luật Đường sắt. Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý kỹ thuật kết cấu hạ tầng đường sắt phải có trình độ đại học và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm về khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.

Tại điều 10 quy định doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải có chứng chỉ an toàn theo quy định tại Điều 75 của Luật Đường sắt. Phương tiện giao thông đường sắt phải có đủ giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận đăng kiểm về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có hiệu lực...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.