Công nghệ

Robot sẽ thay thế nhân viên giao hàng tại Trung Quốc

23/05/2018, 08:18

Robot có thể trèo cầu thang giao hàng tận cửa nhà người mua hàng...

29

Robot giao hàng của JD.com

Nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử lớn thứ 2 của Trung Quốc - JD.com đang hợp tác với các nhà sản xuất thang máy lớn tại Trung Quốc chế tạo robot giao hàng có thể giao tiếp giữa các cỗ máy cũng như có khả năng giao bưu kiện tới những căn hộ chung cư trên cao. Kế hoạch mới của JD điển hình cho xu hướng đang nở rộ tại Trung Quốc.

Phát triển robot, drone làm việc thay người

“Nếu robot có thể định vị độ dốc và trèo cầu thang, không sớm thì muộn, hình bóng của những nhân viên shipper cặm cụi giao hàng lâu nay sẽ biến mất và được thay thế hoàn toàn bằng máy móc”, Richard Liu Qiangdong, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của JD.com nhận định về công nghệ mới mà hãng đang phát triển và cho rằng, viễn cảnh này sẽ sớm xảy ra.

Ngoài robot giao hàng, JD.com đang phát triển máy bay không người lái (drone) có thể cất cánh và hạ cánh theo chiều dọc, để sử dụng trong giao nhận đến các địa điểm vùng sâu, vùng xa. Đây là xu hướng chung trong ngành logistics Trung Quốc nhiều năm trở lại đây.

Ông Liu khẳng định, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công nghệ giao hàng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận. Chúng tôi chế tạo robot... còn những người giao hàng có thể ở văn phòng để điều khiển các robot shipper đi phân phát bưu kiện.

Ông Liu dự đoán sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu để thay thế hơn 1/2 lực lượng lao động của JD.com nhưng nay lại khẳng định, sẽ không bao giờ sa thải dù chỉ một nhân viên giao hàng vì doanh nghiệp của ông sẽ tiếp tục phát triển và cần thêm nhân lực.

Với tham vọng này, JD.com đã đầu tư mạnh tay vào công nghệ để tăng cường dịch vụ logistics tại Trung Quốc và toàn cầu. Hồi tháng 2, công ty đã kêu gọi được 2,5 tỉ USD trong vòng vốn mới nhất cho JD Logistics. Không dừng lại ở Trung Quốc, tập đoàn thương mại điện tử còn có kế hoạch mở rộng hoạt động logistics ra nước ngoài.

Xu hướng tự động hóa ngành Logistics lan rộng

Tham vọng của “ông lớn” thương mại điện tử - JD.com không viển vông bởi toàn Trung Quốc đang hướng đến tự động hóa ngành giao vận. Nhiều công ty giao vận hàng đầu của Trung Quốc như: S.F. Express, BEST Inc và ZTO Express bắt đầu thử nghiệm robot shipper và dây chuyền phân loại tự động từ năm 2017.

Cách mạng tự động hóa tại Trung Quốc không phải duy nhất trên thế giới. Nhà bán lẻ trực tuyến của Mỹ Amazon cũng đã đưa hàng nghìn robot vào làm việc trong kho từ năm 2014, giúp cắt giảm chi phí hoạt động và thời gian giao hàng.

Song, các giám đốc điều hành trong ngành logistics Trung Quốc tự tin đã vượt mặt Amazon bởi họ đang sử dụng và phát triển công nghệ với mức độ nhanh hơn. “Tỉ lệ ứng dụng công nghệ trong các công ty Trung Quốc rất nhanh”, ông Johnny Chou, Chủ tịch, nhà sáng lập BEST cho biết.

Nhiều giám đốc điều hành trong ngành cũng khẳng định, một lý do khác khiến cuộc cách mạng robot trong ngành logistics của Trung Quốc diễn ra nhanh chóng là nhờ sự hậu thuẫn chắc chắn của chính phủ.

Bắc Kinh không ngừng khuyến khích các công ty cải tổ để ngành logistics hiện đại hóa và hiệu quả hơn. Ngoài ra, sáng kiến “Made in China 2025” nhằm thay đổi hình ảnh về sản phẩm của Trung Quốc trên thế giới mà chính phủ nước này đang thực hiện cũng góp phần tăng cường sự phát triển của robot, drone.

Mặc dù chính phủ bắt đầu thắt chặt kiểm soát không phận, hạn chế ra mắt drone mới, chỉ một số công ty được cơ quan hàng không cấp giấy phép mới được khai thác drone, nhưng các chuyên gia trong ngành dự đoán, phần lớn chuỗi cung ứng logistics vẫn sẽ sử dụng máy móc thay thế sức người.

“Có lẽ, không cần tới 10 năm nữa mới có các nhà kho hoặc giao hàng tự động hóa bởi tiến trình phát triển đang diễn ra rất nhanh”, ông Johnny Chou nhận định. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.