Bất động sản

Rời danh sách “nghìn tỷ đắp chiếu”, 4 dự án của PVN lại nhận cơ chế mới

22/11/2021, 15:17

Sau hơn 3 năm nỗ lực, 4/5 dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ra khỏi danh sách 12 dự án “nghìn tỷ” thua lỗ của ngành Công thương.

Trao quyền cho Tập đoàn chủ động nguồn vốn xử lý

Mới đây, Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương (Ban Chỉ đạo) đã đồng ý đưa 5 dự án thoát khỏi danh sách “đen”.

img

Lãnh đạo PVN kiểm tra tình hình hoạt động của Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ

Theo đó, dự án DAP-1 Hải Phòng thuộc Tập đoàn Hóa chất cơ bản khắc phục các tồn tại yếu kém, sản xuất kinh doanh có lãi từ năm 2017.

Ngoài ra, 4 dự án khác thuộc PVN cơ bản không còn vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước gồm: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ.

Trên cơ sở cam kết và đề xuất, Ban Chỉ đạo giao Vinachem và PVN tập đoàn hoàn thiện và triển khai phương án xử lý đối với 5 dự án, doanh nghiệp nêu trên.

Trong bối cảnh hiện nay, Ban Chỉ đạo đã thống nhất giao giao Vinachem và PVN, theo thẩm quyền, sử dụng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để chủ động khẩn trương hoàn thiện và triển khai phương án xử lý đối với 5 dự án trên.

“Căn cứ theo thẩm quyền, Vinachem và PVN tự chủ nguồn vốn, tự chịu trách nhiệm, hạn chế tối đa tổn thất về vốn, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp, phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017. Hội đồng thành viên các tập đoàn chịu trách nhiệm toàn diện về việc xử lý các dự án, doanh nghiệp này.

Giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Vinachem và PVN trong việc thực hiện nhiệm vụ nêu trên. Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể với lộ trình phù hợp để xử lý 5 dự án, doanh nghiệp. Và theo dõi, đôn đốc, tổng hợp cập nhật tình hình, tiến độ xử lý các dự án, doanh nghiệp theo kế hoạch, báo cáo cấp có thẩm quyền khi được yêu cầu”, Ban Chỉ đạo nêu rõ.

Chủ động lên phương án xử lý khó khăn

img

Toàn cảnh Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ

Thông tin về 4/5 dự án của PVN ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương, ông Hoàng Quốc Vượng Chủ tịch HĐTV Tập đoàn cho biết, trong thời gian tới, với những điều kiện mới, các đơn vị cần chủ động có kế hoạch và phương án tối ưu nhất để xử lý khó khăn, sớm đưa các dự án vào khai thác.

Đáng nói, trong bối cảnh những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19 vẫn còn kéo dài, trên thế giới, tình hình tiêu thụ các sản phẩm dầu khí hết sức khó khăn, đặc biệt sản lượng huy động khí, điện giảm sút mạnh; rủi ro áp lực lạm phát ngày một gia tăng...

Trong nước, PVN lại đang đối mặt đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác và công tác đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế.

Mặc dù vậy, Tập đoàn đã tập trung nỗ lực ứng dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ, áp dụng nhiều giải pháp nâng cao thu hồi dầu; kết quả khai thác dầu thô tháng 10 vượt 6,6% kế hoạch tháng 10, tính chung 10 tháng đạt 9,09 triệu tấn, vượt 12,4% kế hoạch 10 tháng.

Từ đó, PVN đã đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách 10 tháng đầu năm là 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2021 và vượt 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Ghi nhận nỗ lực rất lớn của Tập đoàn đã vượt qua giai đoạn rất khó khăn dưới tác động của đại dịch Covid -19, đặc biệt là từ tháng 5/2021 trở lại đây, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc PVN nhấn mạnh cần tiếp tục đánh giá rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong 2 tháng còn lại, có giải pháp kiểm soát tốt, nỗ lực hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2021.

Trong đó, tập trung các giải pháp quản trị, an toàn kỹ thuật để gia tăng sản lượng khai thác, tăng công suất sản xuất các sản phẩm dầu khí để giảm sức ép đối với hàng nhập khẩu và phối hợp tốt với các đơn vị phân phối để giữ vững thị trường, bảo vệ nguồn thu nhằm đóng góp cao nhất cho ngân sách Nhà nước.

“Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp tục đánh giá, cập nhật tình hình vĩ mô, thị trường, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ, đặc biệt là khả năng lạm phát được dự báo ở mức cao để kiểm soát tốt nguồn lực tài chính, giải ngân vốn đầu tư, cũng như điều hành hoạt động SXKD; đánh giá tác động khủng hoảng năng lượng, cả về tích cực và tiêu cực để có giải pháp ứng phó; triển khai hiệu quả, đưa các chuỗi giá trị vào thực tiễn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; triển khai tốt quản trị danh mục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; tiếp tục tập trung cao độ kiểm soát dịch bệnh Covid -19, giữ an toàn sản xuất, an toàn cho người lao động, đảm bảo nhịp độ sản xuất kinh doanh; chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để tận dụng các cơ hội thị trường trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí thời gian tới.

Đối với 7 dự án thua lỗ còn lại (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất Đạm Hà Bắc; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; Dự án Nhà máy Thép Việt Trung; Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam) Ban Chỉ đạo giao SCIC chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các tập đoàn, tổng công ty chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện, triển khai phương án xử lý trong thời gian sớm nhất

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.