Thị trường

Rối rắm thị trường xăng dầu: Cơ quan quản lý cần nghiêm túc nhìn nhận!

06/10/2022, 18:35

Những bất cập của thị trường xăng dầu đã lộ diện, khi ngày càng nhiều cây xăng muốn đóng cửa. Cơ quan quản lý cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề!.

Thương nhân đầu mối, phân phối “lách luật” bù lỗ?

Phản ánh tới Báo Giao thông, Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Cần Giờ cho biết, đơn vị đã gửi công văn đến Sở Công thương TP.HCM và Cục quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM để trình bày về hoạt động kinh doanh của đơn vị.

Theo đó, đơn vị này cho biết, hiện công ty đang có 17 cây xăng và 36 đại lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường trong nước và thế giới đang diễn biến phức tạp dẫn đến nguồn cung bị gián đoạn nên các đơn vị đầu mối đã ngừng cung cấp hàng.

“Do đó, chúng tôi không còn nguồn hàng để đáp ứng duy trì hệ thống bán lẻ của công ty và có thể sẽ tạm ngưng trong thời gian sắp tới”, lãnh đạo công ty này cho hay.

img

Một đại lý bán lẻ xăng dầu trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM đóng cửa trước kỳ điều hành giá 3/10

Nguyên nhân được lãnh đạo công ty này lý giải, là do “Công Ty Cần Giờ là thương nhân phân phối không thể nhập khẩu được xăng dầu, phải thông qua các thương nhân Nhập Khẩu (doanh nghiệp đầu mối – PV) để mua và cung cấp cho hệ thống bán lẻ của mình”

Bởi vậy, họ bị động trước vấn đề nguồn cung khi phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối…

Cũng phản ánh những bất ổn của thị trường xăng dầu, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) khẳng định, thị trường ngày càng bất ổn, doanh nghiệp (DN) đang thua lỗ, nhất là DN bán lẻ xăng dầu.

Hiện tại, hệ thống cửa hàng xăng dầu của gia đình ông Giang Chấn Tây cũng có những thời điểm đứt nguồn cung mặc dù có cửa hàng lấy hàng của Công ty CP Tập đoàn Dương Đông, đầu mối có thị phần lớn về xăng dầu.

Về việc DN bán lẻ xăng dầu liên tục kêu “càng bán, càng lỗ” là vì mức chiết khấu thấp và nhiều DN đã phải bán nhỏ giọt để bảo đảm không bị phạt, ….gần đây là đóng cửa hàng loạt, dưới góc độ là Tiến sỹ kinh tế, ông Giang Chấn Tây cho rằng, việc giải thích từ phía cơ quan điều hành giá không thỏa đáng khi cho rằng “Các quy định hiện hành không có quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu”.

Vị này lý giải, thông thường, DN bán lẻ xăng dầu nhận được chiết khấu trên mỗi lít xăng dầu và được đầu mối chi trả luôn chi phí vận chuyển. Song, khi thị trường bất ổn thời gian qua, DN bán lẻ không những không có chiết khấu hoặc chiết khấu cực thấp, mà còn phải tự chi trả chi phí vận chuyển.

Tuy nhiên, thực tế, khi nhập xăng dầu, ông Giang Chấn Tây cho biết, đơn vị cung cấp lập 2 hóa đơn, một hóa đơn thể hiện bán xăng dầu với giá bán lẻ, và lập thêm một hóa đơn riêng cộng cước vận chuyển.

“Tức là, DN bán lẻ phải nhận chiết khấu âm nhưng không thể hiện vào sổ sách”, ông Giang Chấn Tây nêu.

Vì sao có chuyện như vậy, theo lý giải từ một chuyên gia, cơ cấu tính giá không theo kịp biến động của thị trường (từ năm 2014 không điều chỉnh đầy đủ) do đó, các khoản chi phí đưa ra không đủ cho chi tiêu hiện nay của hoạt động xăng dầu.

Bởi vậy, các đầu mối cũng phải "lách luật" đưa chiết khấu âm vì không còn cách nào khác để bù lỗ. “Lách luật” được thể hiện ở chỗ, hóa đơn ký thêm thể hiện họ vẫn hỗ trợ chi phí vận chuyển cho DN, việc này giúp họ không vi phạm pháp luật, trong khi, thực chất phần chiết khấu đã được tính vào giá bán lẻ được giữ lại để bù lỗ cho đầu mối, hoặc phân phối.

Cơ quan quản lý cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề!

Vấn đề này, ông Giang Chấn Tây đánh giá, hiện nay, kinh doanh xăng dầu không thể tách rời với chiết khấu, khi Nhà nước còn quản lý giá.

“Thị trường bất ổn thời gian qua do DN bán lẻ bị bỏ mặc, trong khi đây là thành phần quan trọng giao dịch; Tác động, ảnh hưởng trực tiếp với người dân và tác động mạnh đến toàn xã hội”, ông Giang Chấn Tây bày tỏ.

Cũng theo vị này, xem giá bán lẻ xăng dầu là giá trần mà nhà nước quản lý là chưa chuẩn, bởi thực tế, giá bán lẻ xăng dầu hiện nay là giá áp đặt bắt buộc theo kiểu “phan ngang” theo giá thế giới chứ không theo hoạt động kinh tế của một DN.

Vì lẽ, hoạt động của DN có rất nhiều chi phí, nhất là hạch toán giá vốn phải hạch toán theo giá bình quân gia quyền của hàng tồn kho theo quy định của Luật kế toán, kể cả chi phí cơ hội để có được khách hàng cũng phải hạch toán vào.

Trong khi đó, giá bán lẻ áp còn thấp hơn giá thực tế. Cơ quan quản lý cũng công nhận điều đó, nhưng lại muốn DN bán lẻ chia sẻ bằng cách chịu lỗ.

“Quản lý như vậy có sát sao, hợp lý chưa hay bỏ mặt DN bán lẻ và dùng mệnh lệch hành chính để điều hành?”, ông Giang Chấn Tây bức xúc.

Như vậy, những bất cập của thị trường xăng dầu đã lộ diện, thậm chí có nguy cơ gây bất ổn, khi ngày càng nhiều cây xăng muốn đóng cửa. Ở góc độ điều hành, các cơ quan quản lý nhà nước phải ra tay tháo gỡ. Đừng để giọt nước tràn ly khi tình trạng lỗ khiến DN kinh doanh xăng dầu kiệt quệ, không chỉ họ mà người tiêu dùng cũng chịu thiệt...

Cần đánh giá lại vai trò của thương nhân phân phối?

img

Thực tế, Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Cần Giờ - một thương nhân phân phối, đã báo cáo tình trạng thiếu nguồn cung khi không tự chủ được

Theo ông Giang Chấn Tây, kẽ hở ở đây là vị trí trung gian, dễ dẫn đến tiêu cực trong tích trữ xăng dầu và dễ xảy ra lợi ích nhóm. Vấn đề nằm ở khâu thương nhân phân phối.

Theo quy định, đối tượng này được mua xăng từ nhiều đầu mối, kể cả nhập khẩu lẫn trong nước. Do đó, dễ xẩy ra tình trạng “khi kiểm tra DN đầu mối thì không có hàng thật nhưng hàng sẽ nằm ở thương nhân phân phối và họ có nhiều cách để nói rằng hàng của người này, người kia”.

Vấn đề này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương tiếp thu ý kiến góp ý từ Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Nguyễn Lộc An, khi thực hiện dự thảo Nghị định 95 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83).

Ông Nguyễn Lộc An đề nghị bỏ cấp giấy phép và bỏ loại hình thương nhân phân phối xăng dầu. Bởi theo ông An, thương nhân phân phối xăng dầu là loại hình trung gian, nhiều tầng nấc, không phải dạng doanh nghiệp đầu mối nơi phát nguồn hàng hóa xăng dầu.

“Nếu loại bỏ loại hình này ra khỏi hệ thống sẽ giảm thiểu được tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tránh được tình trạng khi thiếu nguồn cung trong nước như nguồn cung hàng hóa đợt đầu năm và cuối 2019, bởi loại hình thương nhân này chỉ mua đi từ các đầu mối và bán lại cho các đại lý”, ông An nêu.

Chưa kể, việc mua bán từ nhiều nguồn sẽ khó kiểm soát. Từ đó, vô hình chung loại hình này sẽ là nơi hợp thức hóa các sai phạm kinh doanh xăng dầu. Nó thể hiện rõ qua việc hầu hết thương nhân phân phối “dính án” trong vụ đại án pha chế, buôn bán 200 triệu lít xăng giả xẩy ra năm 2021.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.