Thị trường

Rồi Tây Bắc thoát nghèo

24/02/2015, 07:40

Người dân phấn khởi vì thu nhập cao hơn trước sau khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác.

231

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành giúp các tỉnh Tây Bắc thu hút mạnh mẽ vốn đầu tưtrong và ngoài nước - Ảnh: Lã Anh

“Cú hích”cho các tỉnh nghèo

Là cửa ngõ biên giới Tây Bắc, nhưng những năm qua, Lào Cai vẫn là một tỉnh nghèo do cơ sở hạ tầng giao thông được đánh giá còn kém phát triển. Nắm bắt được lợi thế của tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nên ngay khi dự án mới triển khai, Lào Cai đã chủ động xây dựng quy hoạch chi tiết kết nối đường cao tốc với các khu công nghiệp, thương mại, trung tâm du lịch trong tỉnh để phát triển KT-XH địa phương.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành là niềm mong mỏi của nhân dân trong vùng. “Bởi tuyến cao tốc đi vào khai thác giúp địa phương thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và giao thương quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm hàng hóa, khoáng sản của tỉnh tiếp cận với các thị trường trong và ngoài nước”, ông Vịnh chia sẻ.

Sau hơn 5 năm triển khai thi công, ngày 21/9/2014, dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khánh thành và đưa vào khai thác toàn tuyến. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với vận tốc thiết kế 80 -120 km/h. Đây là tuyến cao tốc có quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam với tổng chiều dài lên đến 245 km đi qua địa phận 5 tỉnh, TP: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Với tổng mức đầu tư hơn 1,46 tỷ USD, suất đầu tư của dự án chỉ gần 6 triệu USD/km đường cao tốc, thuộc loại thấp nhất hiện nay.

Hiệu quả rõ nhất mà tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam đem lại là sự tăng trưởng nhảy vọt của khách du lịch đến với địa phương này thời gian qua. Ông Doãn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, trong năm 2014, lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 1,47 triệu lượt, tăng 22,5%, doanh thu đạt 3.276 tỷ đồng, tăng 25,6% so với năm 2013.

“Bao năm qua, Lào Cai vẫn bị coi là một tỉnh biên giới xa xôi. Tuy nhiên, giờ đây, thời gian di chuyển giữa Lào Cai và Hà Nội đã được rút ngắn chỉ còn hơn ba tiếng. Giao thông thuận lợi là tiền đề để Lào Cai phát triển KT-XH. Thời gian tới, việc thu hút nhà đầu tư vào các khu du lịch tại địa phương nhất là khu vực Sa Pa chắc chắn sẽ được đẩy mạnh”, ông Hưởng nói.

Từ khi xây dựng cao tốc, Lào Cai đã chủ động “đi trước” xây dựng khu thương mại - công nghiệp Kim Thành với quy mô hơn 1 nghìn ha. Điều này có tác động không nhỏ đến sự phát triển KT-XH của địa phương. Theo đó, tăng trưởng kinh tế (GDP) của Lào Cai năm 2014 tăng 14,3%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.233 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2013, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2 tỷ USD.

Không riêng Lào Cai, các địa phương khác nằm trên tuyến cao tốc đi qua như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái cũng được hưởng lợi lớn từ tuyến đường này. Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, cao tốc Nội Bài - Lào Cai là động lực to lớn thúc đẩy KT-XH của Vĩnh Phúc phát triển.

“Kể từ khi tuyến cao tốc được xây dựng và đưa vào khai thác đã tạo điều kiện thuận lợi cho Vĩnh Phúc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều nhà đầu tư tại các khu công nghiệp ở: Vĩnh Yên, Bình Xuyên, Khai Quang, Bá Thiện,... rất vui mừng khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào khai thác, giúp doanh nghiệp giảm được cước phí vận tải hàng hóa, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất đạt hiệu quả cao hơn”, ông Thành nói.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, trong năm 2014, tỉnh đã cấp mới 45 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 354,65 triệu USD và 12 dự án điều chỉnh, tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 74,8 triệu USD. Đối với vốn đầu tư trong nước (DDI), trong năm, tỉnh cấp mới cho 39 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2.789 tỷ đồng và 7 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn tăng hơn 1.577 tỷ đồng.

232
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình anh Hà

Dân phấn khởi vì thu nhập cao

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khởi công xây dựng vào quý III/2008. Đây là dự án giao thông có số hộ dân phải di dời lớn nhất từ trước đến nay. Ông Nguyễn Vinh Phú - Phó Tư vấn trưởng phụ trách chương trình tái định cư của dự án cho biết, có tới 25.031 hộ dân nằm trong diện ảnh hưởng phải di dời trong quá trình xây dựng tuyến đường Nội Bài - Lào Cai.

Để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân đã “hy sinh” vì lợi ích chung, bên cạnh việc thực hiện chính sách đền bù, xây dựng các khu tái định cư tập trung, chủ đầu tư còn triển khai chương trình phục hồi thu nhập cho hơn 14.659 hộ dân với kinh phí thực hiện hơn 120 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các hộ có thu nhập ít nhất là bằng với mức trước khi có dự án. Các mô hình phục hồi thu nhập được xây dựng hết sức tỉ mỉ dựa trên nhu cầu, đề xuất của các hộ dân thông qua các cuộc họp tham vấn cộng đồng để triển khai phù hợp với điều kiện sản xuất, khả năng của các hộ và phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của từng địa phương.

Đến nay, chương trình phục hồi thu nhập cơ bản đã được hoàn thành và đem lại những thành công rõ rệt. Một số mô hình đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi chim bồ câu Pháp tạo thu nhập 3-4 triệu đồng/hộ/tháng, mô hình gà thả vườn tạo thu nhập bình quân từ 1,8 - 3 triệu đồng/hộ/tháng, mô hình nuôi lợn thịt từ 3-4 triệu đồng/hộ/tháng,...

Anh Nguyễn Văn Hà (37 tuổi, trú tại xã Kim Long, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc, hộ dân bị mất ba sào đất sản xuất trong quá trình GPMB dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai) cho biết, trước đây, cả gia đình quanh năm làm ruộng nên kinh tế rất khó khăn. Đầu năm 2013, gia đình anh được Ban Quản lý dự án hỗ trợ 20 cặp chim bồ câu Pháp làm giống, trị giá gần 8 triệu đồng để phát triển kinh tế. “Đến nay, số lượng đàn chim bồ câu của gia đình đã lên đến gần 200 cặp. Trung bình, mỗi tháng vợ chồng tôi bán cho thương lái từ 60-70 cặp chim xuất chuồng, đem lại thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng. Qua đây, tôi cảm ơn Ban Quản lý dự án đã triển khai một chương trình đầy ý nghĩa và mang lại hiệu quả thiết thực đối với các hộ dân nghèo”, anh Hà tâm sự.

Cùng với việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, VEC còn có chính sách ưu tiên tuyển dụng con em các gia đình bị mất đất vào làm việc tại Công ty Vận hành và bảo dưỡng đường cao tốc (VEC O&M). Đến nay, đã có gần 200 lao động là con em của các hộ bị mất đất được tuyển dụng vào làm việc tại VEC O&M (chiếm hơn 50% tổng số nhân viên của Công ty). “Tôi khẳng định, bằng giải pháp thực hiện chương trình phục hồi thu nhập thông qua các mô hình sinh kế và tuyển dụng lao động địa phương thay vì hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt như các dự án khác, dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã thực sự đạt được mục tiêu an sinh xã hội, chống nghèo đói và khắc phục được những vấn đề bất cập đang được quan tâm hiện nay đối với các dự án có liên quan đến việc thu hồi đất sản xuất của người dân”, ông Nguyễn Vinh Phú nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.