Hồ sơ tài liệu

Rời xa Nga, Ukraine đang sa xuống vực

03/04/2014, 06:45

Căng thẳng với Moscow có thể gây nên những xung đột mới trong khi Kiev lâu nay quá ỷ lại vào vị trí địa chính trị của mình.

Giá khí đốt tăng từ ngày 1/4 khiến kinh tế Ukraine lún sâu vào khủng hoảng
Giá khí đốt tăng từ ngày 1/4 khiến kinh tế Ukraine lún sâu vào khủng hoảng


Kinh tế điêu đứng


Kinh tế Ukraine đang suy sụp. EU hứa cho vay thêm 10,9 tỷ euro, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho vay thêm số tiền tương đương và Hoa Kỳ cho vay 1 tỷ USD. Trong trường hợp Ukraine đáp ứng được mọi yêu cầu để có được các khoản vay đó; Nhưng về lâu về dài, không ai có thể gánh đỡ cho Kiev hóa đơn 8,7 tỷ euro/năm tiền khí đốt và 5,8 tỷ euro/năm tiền dầu lửa. Cách đây hai ngày, Gazprom đã thông báo tăng giá khí đốt, tính ra phải trả thêm 2,18 tỷ euro/năm.


Ukraine hy vọng phát hiện được các nguồn dầu khí mới, nhờ đó giảm lệ thuộc vào Nga, nhưng trữ lượng tiềm năng lại nằm ở Crimea. Thế nên Kiev đành phải tăng giá khí đốt bán cho người dân để đáp ứng một trong những đòi hỏi của IMF cũng như các định chế khác để có thể vay tiền từ họ. Như thế lại mất lòng dân. Theo Giáo sư Pierre Terzian - Giám đốc Công ty Tư vấn năng lượng Pétrostratégies thì Ukraine lâm vào cảnh này bởi đã quá dựa dẫm vào vị trí địa chiến lược và giờ lợi thế  này đã suy giảm. Nga hiện cung cấp đến 65% nhu cầu khí đốt và 2/3 nhu cầu dầu lửa cho Ukraine. Và việc các công ty châu Âu bán khí đốt cho Ukraine với giá rẻ hơn Gazprom khó xảy ra, không những vậy, hạ tầng phục vụ cho việc này sẽ phải mất nhiều năm xây dựng, theo Itar-tass.


Hơn 20 năm qua, 80% lượng khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu bắt buộc phải đi qua Ukraine. Nhưng ngày nay, những đường ống dẫn khí đi vòng tránh Ukraine đã được thiết lập. Còn Kiev luôn bị lệ thuộc và gặp khó khăn trong việc thanh toán chi phí năng lượng khoảng 14,58 tỷ USD/ năm. Ông Pierre Terzian đưa ra dẫn chứng: Tháng Giêng năm 2006 và tháng Giêng 2009, châu Âu bị cắt nguồn khí đốt ngay trong mùa đông là do Kiev chưa thanh toán hóa đơn và Ukraine chuyển sang dùng khí đốt dành cho châu Âu, khiến Gazprom cắt toàn bộ nguồn khí đốt vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine. Sau đó, các tập đoàn khí đốt châu Âu và Gazprom đề nghị Kiev tách biệt các đường ống dẫn khí cho châu Âu và cho tiêu dùng nội địa, nhưng Ukraine từ chối. Vì vậy, bốn tập đoàn châu Âu đã liên kết với Gazprom thiết lập hai đường ống dài 1.224km dẫn thẳng khí đốt từ Nga đến miền Bắc nước Đức đi qua vùng Baltic. 


Ngoài ra, nếu South Stream - đường ống dẫn khí dài 2.380km vòng qua Ukraine về phía Nam, nối vùng Novorossiisk của Nga với Bulgaria thông qua Hắc Hải hoàn thành vào 2019, thì không còn phải nghĩ tới chuyện dẫn khí đốt qua Ukraine.

Bất ổn chính trị 


Ukraine đến nông nỗi này, châu Âu cũng chịu một phần trách nhiệm khi làm ngơ trước những tiêu cực, tình trạng tham nhũng. Và nhất là áp đặt cho đất nước này phải chọn lựa, hoặc hợp tác với châu Âu, hoặc nhận lời tham gia liên minh thuế quan do Nga đề nghị; Trong khi đó, không một nước nào có thể cắt đứt quan hệ với Nga, Giáo sư Pierre Terzian nói với France24.


Hiện Chính phủ mới do phương Tây và Mỹ dựng lên đang phải đau đầu với làn sóng đòi ly khai, sáp nhập vào Nga tại 4 thành phố: Kharkov, Dotnetsk, Lugansk và Odessa. Cũng có những cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức, những Hội đồng nhân dân thành phố tự bầu đã xuất hiện, cũng có yêu cầu khôi phục quyền lực cho vị cựu Tổng thống bị lật đổ - Viktor Yanukovych và yêu cầu Moscow điều tra sự hiện diện của quân đội NATO tại Ukraine. 


Chính quyền lâm thời đang nói về chiến tranh với Nga, nhưng thực ra họ đang ở trong cuộc chiến với chính người Ukraine. Chúng tôi không ủng hộ chính sách của Kiev còn họ không quan tâm đến ý nguyện nhân dân, ông Sergey Bovbolan - Phó chủ tịch hội đồng TP Odessa nói.

Thanh Huyền
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.