Vận tải

Rốt ráo chuyển tuyến cố định Hà Nội - Hải Phòng thành buýt

22/09/2016, 06:10
image

Chủ trương chuyển tuyến cố định Hà Nội-Hải Phòng thành buýt được kỳ vọng sẽ loại được nạn “xe dù, xe đầu gấu”...

1

Tình trạng tranh giành bắt khách dọc đường tùy tiện từng diễn ra phổ biến trên QL5 Hà Nội - Hải Phòng - Ảnh: Khánh Linh

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất Đề án thí điểm tổ chức vận tải hành khách trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng theo hướng chuyển từ tuyến cố định thành tuyến xe buýt.

Lập lại trật tự vận tải

Chủ trương chuyển tuyến cố định Hà Nội - Hải Phòng thành buýt được kỳ vọng sẽ loại được nạn “xe dù, xe đầu gấu” vốn gây mất an ninh trật tự, ATGT trong suốt thời gian qua. Là doanh nghiệp vận tải khách cố định hoạt động lâu năm trên tuyến vận tải này, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Thương mại vận tải và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, tuyến Hà Nội - Hải Phòng có lượng khách đi lại rất lớn, khoảng hơn 10 nghìn lượt/ngày. Vì vậy, nếu trong nội thành, cứ mỗi 5km và ngoại thành 10km có một điểm dừng đón trả khách theo đúng tinh thần của Nghị định 86 về vận tải hành khách tuyến cố định sẽ không chỉ lập lại được trật tự trên tuyến mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vận tải.

"Sau khi các địa phương cắm xong biển dừng đón trả khách, Tổng cục Đường bộ VN sẽ tổng hợp và đưa ra các phương án hợp lý nhất để tổ chức lại tuyến vận tải cố định Hà Nội - Hải Phòng”.

Bà Phan Thị Thu Hiền
Phó tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ VN

Theo ông Hải, khi có các điểm đỗ quy định, người dân sẽ biết được vị trí cụ thể, giờ xe chạy để đón xe thay vì chỗ nào cũng đứng đón. Cách làm này còn giúp cơ quan quản lý nắm rõ hơn lộ trình của phương tiện, xe nào đi không đúng lộ trình sẽ dễ dàng bị phát hiện. Do vậy, theo ông Hải, để cắm các điểm dừng đón trả khách, chỉ cần cơ quan quản lý Nhà nước có quy hoạch, doanh nghiệp vận tải tham gia trên tuyến sẵn sàng bỏ tiền ra làm. Khi tham gia doanh nghiệp phải cam kết không vi phạm.

“Nếu không có quy hoạch điểm dừng đón trả khách, lực lượng chức năng sẽ rất khó xử phạt. Khi có quy hoạch tốt các điểm dừng đón sẽ dễ quản lý. Nếu xe nào đón trả khách ngoài các điểm này, thông qua thiết bị giám sát hành trình có thể phát hiện, xử phạt nặng, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh. Có nhìn thấy khách dọc đường, xe cũng không dám dừng bắt khách. Khi đó, xe chạy đúng lộ trình, luồng tuyến, ngày, thời gian đón khách tại điểm dừng đỗ cụ thể và sẽ không còn tình trạng chồng chéo giữa các nhà xe, không có hiện tượng các nhà xe chèn ép, cướp khách của nhau trên đường”, ông Hải khẳng định.

Ông Đặng Đình Thoại, Phó giám đốc Công ty CP xe khách Thanh Long (Hải Phòng) cho biết, việc điều hành tập trung xe tuyến cố định như xe buýt là hình thức rất văn minh. Tuy nhiên, do thói quen của người dân chưa vào bến xe nên việc có nhà chờ là cần thiết. Vì quyền lợi của nhà xe và kinh phí đầu tư không lớn nên doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư. Số tiền bị phạt khi vi phạm dừng đón trả khách không đúng quy định có khi còn lớn hơn số tiền đầu tư.

“Nếu việc thí điểm thành hiện thực, trật tự ATGT trên tuyến chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều. Giai đoạn đầu triển khai, doanh nghiệp có thể sẽ bị lỗ vốn. Nhưng khi đã quen với các điểm dừng đón trả khách, hành khách sẽ tập trung tại đây, tôi tin doanh thu sẽ cao. Doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, không phải vòng vo đón khách”, ông Thoại nói.

>>> Xem thêm video:

2

Dọc tuyến QL5 xe vẫn đón, trả khách không đúng nơi quy định - Ảnh: Khánh Linh

Đã cắm 35 điểm dừng đón khách trên tuyến

Theo kế hoạch ban đầu, trong tháng 9, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN đề nghị 4 Sở GTVT trên tuyến là: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng cắm xong các điểm dừng đón trả khách tuyến cố định theo Thông tư 63. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, dù triển khai rất rốt ráo, nhưng vẫn chậm so với yêu cầu. 

Để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, ngày 13/9, Tổng cục Đường bộ VN đã phối hợp với Cục CSGT (C67), Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN và 4 Sở GTVT (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng) tiến hành kiểm tra hiện trường trên tuyến QL5. Sau khi khảo sát dọc tuyến, đoàn công tác đã xác định 35 vị trí cần bố trí điểm dừng đón khách tuyến cố định, trong đó, đoạn qua Hải Phòng cần 8 điểm (5 điểm bên phải và 3 điểm bên trái tuyến), đoạn qua địa bàn Hải Dương cần 16 điểm (9 điểm bên phải, 7 điểm bên trái) và Hưng Yên 11 điểm (5 bên phải, 6 bên trái).

Đến nay, sau khi các vị trí đã được xác định, Sở GTVT Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên đã hoàn thành việc cắm biển dừng đón trả khách trên tuyến. Kinh phí để thực hiện việc cắm biển bằng nguồn xã hội hóa, do các doanh nghiệp vận tải tự nguyện đóng góp.

Riêng với đoạn qua địa bàn Hà Nội, đoàn xác định đây là tuyến có mật độ xe khách tuyến cố định lưu thông rất lớn nhưng mặt bằng để bố trí điểm dừng đón trả khách rất khó khăn, do bên phải tuyến chạy song song với đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, bên trái tuyến tập trung dân cư sinh sống, kinh doanh. Mặt khác, nếu bố trí điểm dừng đón, trả khách với diện tích nhỏ, hẹp sẽ dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự, ATGT, do cùng một thời điểm có hàng chục xe xếp hàng ra vào điểm dừng đỗ.

Tuy nhiên, trong văn bản mới đây gửi Sở GTVT Hà Nội, Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, việc bố trí điểm dừng đón trả khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân là rất cần thiết. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ VN đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội báo cáo UBND TP Hà Nội chỉ đạo nghiên cứu bố trí quỹ đất và đầu tư xây dựng điểm dừng đón trả khách có quy mô phù hợp bảo đảm ATGT và an ninh trật tự trên QL5, mỗi chiều 1 điểm trong khu vực huyện Gia Lâm.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, đặc điểm xe khách liên tỉnh của Hà Nội khác so với các địa phương khác do lưu lượng tại các tuyến cửa ngõ vào thành phố rất lớn. Qua khảo sát, nếu bố trí điểm dừng đón trả khách sẽ xảy ra ùn tắc giao thông. Vì vậy, đoàn khảo sát thống nhất với hiện trạng như vậy chưa thể cắm được điểm dừng đón trả khách. 

“Nếu cắm các biển dừng đón khách trên tuyến QL5 đoạn qua Hà Nội, chỉ cần mỗi xe khách dừng lại khoảng 2 - 3 phút là gây ùn tắc vì lưu lượng quá lớn. Vì vậy, sau khi khảo sát, chúng tôi cũng xác định nếu cắm biển dừng đỗ đón khách trên tuyến này phải có một quỹ đất rộng hơn, nằm bên ngoài hành lang. Sở GTVT Hà Nội sẽ rà soát, nghiên cứu tìm vị trí thích hợp trong thời gian tới”, ông Tuyển cho biết. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.