Thế giới

Rúng động cố vấn an ninh Tổng thống Trump từ chức

15/02/2017, 07:02
image

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump Michael Flynn viết đơn từ chức sau gần 1 tháng nhậm chức.

Ông Donald Trump chưa bao giờ ra mặt thể hiện ủng

Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa bao giờ ra mặt thể hiện ủng hộ ông Michael Flynn nhưng luôn giữ vị cố vấn này cận kề trong mọi sự kiện.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể bị ảnh hưởng sâu sắc sau vụ cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức vì giấu giếm Phó Tổng thống và các quan chức khác về những cuộc liên lạc với Nga. 

Qua mặt phó Tổng thống, liên lạc với Nga

Ngày 14/2, theo giờ VN, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump Michael Flynn viết đơn từ chức sau chỉ chưa đầy 1 tháng nhậm chức. Trong thư, ông Flynn khẳng định, ông báo cáo thông tin không đầy đủ với Phó Tổng thống Mike Pence và các quan chức khác về những cuộc liên lạc giữa ông cùng Đại sứ Nga tại Mỹ. “Tôi đã gửi lời xin lỗi chân thành tới Tổng thống, Phó Tổng thống và cả hai đã chấp nhận”, ông Flynn viết.

Tổng thống Trump chọn cựu Trung tướng Keith Kellogg làm quyền cố vấn an ninh quốc gia, tạm thời thay thế ông Flynn. Nhà Trắng đang cân nhắc đề xuất cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ David Petraeus hoặc Phó đô đốc Robert Harward vào vị trí này, tờ Washington Post dẫn lời quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết.

Tin đồn xung quanh việc ông Flynn bàn bạc với Đại sứ Nga tại Mỹ đã râm ran từ nhiều tuần qua. Cuối tháng trước, Bộ Tư pháp Mỹ đã cảnh báo Nhà Trắng rằng ông Flynn nói dối bản chất các cuộc liên lạc giữa ông với phía Nga. Một quan chức chính phủ và 2 nguồn thạo tin giấu tên xác nhận lời cảnh báo từ Bộ Tư pháp. Sau đó, hãng tin AP dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, ông Flynn thường xuyên liên lạc với Đại sứ Sergey Kislyak trong thời gian chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra các lệnh trừng phạt với Nga về các vụ tấn công mạng gây ảnh hưởng tới bầu cử Tổng thống Mỹ và trong quá trình chuyển tiếp chính trị.

Ông Donald Trump chưa bao giờ ra mặt thể hiện ủng hộ ông Flynn nhưng luôn giữ vị cố vấn này cận kề trong mọi sự kiện. Ông Flynn dành cả cuối tuần vừa qua tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump, có mặt trong các buổi thông tin hàng ngày của Tổng thống và những cuộc điện đàm với các lãnh đạo nước ngoài. Ngay buổi chiều hôm từ chức, ông cũng có mặt ngay hàng ghế đầu trong cuộc họp báo chung của Tổng thống Trump với Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Dù quan chức chính phủ khẳng định ông Flynn từ chức, không bị sa thải. Nhưng theo thông tin từ Washington Post, vị cố vấn này có mặt tại Phòng Bầu dục vào khoảng 22h tối 13/2 (10h ngày 14/2 theo giờ VN) cùng nhiều cố vấn cấp cao khác như Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus và cố vấn pháp lý Don McGahn. Sau đó vào lúc 23h, ông Flynn tuyên bố từ chức.

Ảnh hưởng sâu rộng

Sự ra đi của cố vấn an ninh Nhà Trắng Flynn ảnh hưởng tới uy tín của chính quyền Tổng thống Trump cũng như các quyết sách sau này. Bởi, cố vấn an ninh là người tác động tới chính sách của Mỹ. Người này có nhiệm vụ hỗ trợ Tổng thống trong các vấn đề an ninh quốc gia, cung cấp các thông tin, dữ liệu ngay lập tức trong thời gian thực về các vấn đề lớn diễn ra trên toàn cầu có thể ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ. Trong khi, ông Flynn vốn được biết là người vận động Tổng thống theo chính sách xích lại gần với Nga - một lập trường mà cả các chuyên gia chính sách ngoại giao Cộng hòa và Dân chủ đều hoang mang.

Ngoài ra, theo Washington Post, các cuộc liên lạc của ông Flynn với phía Nga đã vi phạm thủ tục ngoại giao. Nghị sĩ cấp cao đảng Dân chủ, làm việc tại Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff nhận định, việc từ chức của ông Flynn “không chấm dứt những nghi vấn về những liên lạc của ông với phía Nga”. Thay vào đó, Nhà Trắng phải chuẩn bị sẵn tinh thần để trả lời nghi vấn: Liệu những cuộc liên lạc này là theo lệnh của Tổng thống hay ai khác?

Theo hãng tin CNN, sự ra đi của thân tín ông Trump gây rúng động thế giới và đặt ra nghi vấn về sự sẵn sàng của chính phủ ông Trump để đương đầu với khủng hoảng an ninh quốc gia có thể ập đến bất cứ lúc nào. Và đây là “gáo nước lạnh” trước nhận định của Tổng thống Trump rằng đội ngũ cố vấn của ông là tập hợp những trí tuệ cao nhất. Cũng theo CNN, sự việc này trút thêm ngờ vực về đường lối chính sách của Tổng thống Trump, đặc biệt trong quan hệ với Nga.

Về phần mình, các quan chức Moscow lập tức có phản ứng về sự việc. Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev chỉ trích “bệnh ghét Nga đang lây nhiễm trong chính quyền mới từ trên xuống dưới”. Việc “sa thải cố vấn an ninh vì liên lạc với Nga không chỉ là hành động hoang tưởng mà còn rất tệ hại”, ông Kosachev nói. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov lên án hành động này của Mỹ “không phải nhắm vào ông Flynn mà nhằm vào quan hệ với Nga”. Tuy nhiên, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, đây là vấn đề nội bộ của Mỹ và không bình luận thêm.

Người thay thế ông Michael Flynn là ông Keith Kellogg, 72 tuổi, Trung tướng đã nghỉ hưu hiện là Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia. Ông Kellogg phục vụ quân đội 36 năm: Tham gia chiến tranh Việt Nam, là sĩ quan đặc nhiệm tại Campuchia, Tổng tham mưu Sư đoàn Không vận thứ 82 trong cuộc chiến tranh đầu tiên tại Iraq. Sau khi về hưu, ông Kellogg gia nhập nhiều công ty hợp đồng như Tập đoàn công nghệ Oracle và nhà thầu quốc phòng Cubic Defense.

Ông Kieth Kellogg được giữ một vị trí chính thức trong đội chuyển tiếp chính trị của Tổng thống Trump sau đó được đề xuất làm Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.