Điều tra

Rừng giáp ranh Gia Lai - Đắk Lắk: Rừng mất, muông thú không còn...

13/04/2020, 14:28
image

Khu vực rừng giáp ranh hai huyện Krông Pa (Gia Lai) và Ea Hleo (Đắk Lắk) đang trở thành điểm nóng phá rừng với quy mô rất lớn.

img
Thay vì vẻ bề ngoài ngút tầm mắt của rừng cây, càng đi sâu vào vùng lõi, cây rừng bị đốn hạ càng nhiều để biến thành rẫy.

Ngày 12/4, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai cho biết, qua nắm tình hình, đơn vị phát hiện các nhóm lâm tặc từ tỉnh Phú Yên đến khai thác gỗ trái phép. Từ cuối tháng 2/2020 đến nay đã phát hiện 4 vụ tàng trữ lâm sản với hơn 10m3 gỗ các loại. Đơn vị cũng đã dỡ bỏ 3 lán trại của các đối tượng ở vùng giáp ranh với Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

“Các đối tượng thường lợi dụng khoảng thời gian đêm tối, cắt cử nhiều “chim xanh” canh đường để canh ngược lại lực lượng chức năng. Hạt kiểm lâm cũng đã xác minh, báo cáo huyện để xử lý tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy", ông Dụng cho biết

Cũng theo ông Dụng, chiều 11/4, sau khi nhận được tin báo, Hạt kiểm lâm huyện đã tập trung lực lượng vào khu vực vùng trũng Ea Sô để kiểm tra. Kết quả, phát hiện vụ tàng trữ lâm sản quy mô lớn rải rác ở nhiều điểm với 5,3m3 gỗ bằng lăng; 70 tấm, khúc gỗ các loại và tạm giữ một phương tiện. Hiện, đơn vị đang xác minh vị trí cây gỗ bị đốn hạ.

Trao đổi với PV, ông Tô Văn Chánh, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết đã nắm được vụ phá rừng. “Chúng tôi đã cắt cử lực lượng ngay trong ngày (12/4) xuống địa bàn xác minh và tiến hành xử lý theo quy định”, ông Chánh nói và cho rằng, việc phá rừng của người dân diễn ra cả ở địa bàn huyện và khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Dưới đây là những hình ảnh phóng viên Báo Giao thông ghi lại tại hiện trường trước khi lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra hiện trạng phá rừng:

img
Vượt khoảng 20km đường đất đèo dốc từ đường Đông Trường Sơn, chúng tôi đi vào địa phận vùng lõi rừng thuộc địa phận xã Ia Dreh (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) hay “vùng trũng Ea Sô” theo cách gọi của người dân. Vị trí này cũng tiếp giáp Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk). Con đường độc đạo dẫn chúng tôi đi hằn những vệt lún của máy cày.
img
Rừng ngút tầm mắt kia khi càng đi sâu vào mới vỡ lẽ, đó chỉ là lớp áo “nguỵ trang”. Còn bên trong, vùng lõi rừng bị đốn hạ đến mức khủng khiếp. Có vị trí, rừng bị tàn sát trên một diện tích rộng lớn chỉ cách đây vài tháng. Những gốc gỗ giá trị đã bị cưa xẻ và mang ra khỏi rừng.
img
Khu vực vùng trũng Ea Sô thuộc địa phận tỉnh Gia Lai trước đây có nhiều đồi cỏ tranh, những ao hồ dòng suối. Đây là nơi sinh trưởng của nhiều loài động vật quý hiếm như nai, hoẵng, cheo, thỏ, mèo rừng, nhím... Một vùng sinh thái rất đẹp, nhưng con người đã tàn sát rừng cây, đốt đồng cỏ tranh và săn bắt vô tội vạ khiến muôn thú còn rất ít. Nhiều loài động vật tại khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô chạy sang kiếm ăn cũng bị người dân bắn hạ.
img
Thay vì vẻ bề ngoài ngút tầm mắt của rừng cây, càng đi sâu vào vùng lõi, cây rừng bị đốn hạ càng nhiều để biến thành rẫy. “Ngày xưa, người dân phát rừng bằng rìu, rựa, mỗi năm mất độ 1 - 2ha rừng thôi. Nhưng giờ họ cưa bằng máy, một tuần là mất trắng vài ha. Có khoảnh rộng vài chục ha bị đốn trắng trong khu rừng này”, người dẫn đường chia sẻ.
img
Lần theo dấu vết của một đường mòn vào rừng, nhóm PV phát hiện hàng chục điểm tập kết gỗ. Các cây gỗ bằng lăng to bị cưa xẻ thành hàng chục hộp vuông (dài 2m, rộng 20 - 30cm) được tập kết ở nhiều điểm khác nhau. Có nhiều cây vừa bị đốn hạ, lá cây vẫn còn tươi và những thanh gỗ xẻ vẫn để lại hiện trường chờ mang đi.
img
Nhiều điểm, gỗ được tập kết bên đường đi của người dân, ở khu vực rẫy canh tác và vận chuyển ra ngoài bằng đường độc đạo. “Người dân ở đây rất sợ lâm tặc. Đã có người bị đánh chỉ vì nghi báo tin cho cơ quan chức năng. Nhiều lần bị đánh nên người dân sợ, im lặng cho… yên. Lâm tặc đi từng đoàn tới vài chục người, đưa xe máy cày vào chở gỗ ra. Thậm chí, lâm tặc còn tràn sang Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk) để phá rừng", người dẫn đường cho chúng tôi biết.
img
Một khu vực rừng bị triệt hạ trắng. Sau khi cây khô, người dân đã đốt đi để làm nương rẫy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.