Thế giới giao thông

Rùng mình kế hoạch bắn phá tàu chở người di cư

06/05/2015, 13:39

Hàng nghìn người đã phải bỏ mạng trên Địa Trung Hải khi đang trên hành trình tới miền đất hứa

101

Hầu hết tàu tị nạn đều trong tình trạng xập xệ nhưng bị nhồi chật ních người

Sinh con trên tàu tị nạn

Số chuyến di cư trên Địa Trung Hải không những không giảm mà còn tăng mạnh những tuần gần đây. Chỉ trong hai ngày cuối tuần vừa rồi, các đội cứu hộ EU cứu được khoảng 7 nghìn người tị nạn. Trong đó, tàu hải quân Bettica của Italia phát hiện một sản phụ chuyển dạ trên một chiếc tàu tị nạn ban đêm. Sản phụ được hỗ trợ, đỡ đẻ thành công giữa đại dương. Cả hai mẹ con được đưa vào cảng Pozzallo, phía nam đảo Sicily; sức khoẻ đều ổn định. Bé gái được đặt tên là Francesca Marina - có nghĩa là Hải quân Italia.

Hầu hết những chiếc thuyền tị nạn đều cũ hỏng nhưng vẫn được nhồi nhét nhiều người nhất có thể. Chia sẻ với CNN, anh Moutassem Yazbek vẫn chưa quên được chuyến di cư kinh hoàng sang Italia hồi tháng 12/2014, khi bị đưa lên con thuyền dài vẻn vẹn 85m mà chứa tới 391 người. Sóng lớn làm con thuyền rệu rã, nứt tứ phía, nước rò rỉ từ trên sàn xuống. Anh Yazbek chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi biết đến cảm giác tù đày, bị mắc kẹt trong điều kiện sống không dành cho con người. Gần 400 người chui rúc trong khoang tàu chật hẹp, không có chiếu hay bạt nên chúng tôi phải ngủ trên sàn kim loại lạnh cóng, toàn mùi nước tiểu. Chúng tôi tìm được vài tấm phản gỗ nhưng không dám nằm mà dành làm nơi để đồ. Năm ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi không được ăn mà chỉ được uống một chút nước. Kinh khủng nhất là "nhà vệ sinh". Gọi vậy cho sang chứ thực chất chỉ có một chiếc lốp ô tô cũ được phủ bằng một tấm vải".

Thống kê của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, từ đầu năm đến nay, khoảng 1.800 người thiệt mạng khi vượt biển; 51 nghìn người tới được châu Âu; trong đó có 30.500 người tị nạn tại Italia.

LHQ phản đối

Quá sốc trước tình trạng trên, sau cuộc họp khẩn hồi cuối tháng 4, giới chức Liên minh châu Âu (EU) nhất trí tăng quỹ tuần tra trên biển lên gấp ba lần và triển khai ngay một số biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp. Trong đó, biện pháp bắt giữ và bắn phá những con tàu bị nghi được dùng với mục đích chở người nhập cư trái phép đang vấp phải nhiều chỉ trích.

* Tổ chức vượt biên trái phép mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ và ít rủi ro. Phương tiện vượt biển là chiếc tàu cá bằng gỗ hoặc tàu hàng bỏ đi, được mua lại tại Thổ Nhĩ Kỳ. Để lên tàu mỗi người phải mất từ 2 nghìn - 5 nghìn euro, mỗi chuyến tàu thu về hàng triệu euro. Những kẻ buôn người tận dụng quy định quốc tế buộc các tàu phải cứu trợ tàu khác gặp nạn, nên nhiều khi, chúng không đưa tàu tới bờ biển châu Âu mà chỉ cho tàu ra khơi, sau đó chờ cứu hộ; thậm chí chúng còn gọi điện trực tiếp cho lực lượng cứu hộ.

* Công ước quốc tế quy định: Người tị nạn sẽ không bị buộc phải quay về nơi xuất phát, nếu đó là một quốc gia vô chính phủ (như Libya, Syria, Yemen…) - những nơi vi phạm nhân quyền, Chính phủ không thể bảo hộ.

EU uỷ quyền cho Cao uỷ về Chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh châu Âu - bà Federica Mogherini tổ chức đối thoại xin ý kiến các nước có liên quan cho phép quân đội châu Âu tấn công tàu thuyền của những kẻ đưa người nhập cư trái phép. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Italia Roberta Pinotti khẳng định, họ biết vị trí các tàu buôn lậu neo đậu, địa điểm này đón người tị nạn, do đó, kế hoạch này chắc chắn thành công.

Một trong những lãnh đạo đầu tiên phản đối kế hoạch này là Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Ông Ban nhấn mạnh, việc cần thiết phải ngăn cản tội ác của những kẻ buôn người, nhưng “can thiệp quân sự không phải là giải pháp hữu hiệu. Điều quan trọng là đàm phán và cứu người”. Tổng thư ký LHQ đã gặp bà Federica Mogherini cùng Thủ tướng Italia Matteo Renzi để bày tỏ quan điểm bất đồng với phương pháp ông cho là “vô hiệu” này. Tổng thư ký LHQ kêu gọi, không chỉ EU, cộng đồng quốc tế cần có trách nhiệm giải quyết tận gốc vấn đề chính trị hỗn loạn tại các nước có người tị nạn như Lybia, Syria…, tạo điều kiện sống tốt hơn tại quê nhà cho người tị nạn.

Mới đây, trong cuộc gặp gỡ với bà Federica Mogherini, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin phản đối kế hoạch bắn phá tàu buôn lậu người. Theo ông Churkin, hành động bắt giữ, bắn phá này về bản chất là vi phạm luật pháp quốc tế và châu Âu định xử lý như thế nào với những người nhập cư trên con tàu bị phá huỷ? Liệu có thể chắc chắn phá huỷ đúng tàu?

Về phía mình, bà Mogherini khẳng định, EU sẽ chỉ hành động khi có sự đồng ý của LHQ cùng phía các nước có người tị nạn.

Để ngăn chặn tình trạng người thiệt mạng trên đường đi tị nạn, nhiều lãnh đạo, chuyên gia thế giới cho rằng, điều EU nên làm là nới lỏng chính sách nhập cư, hỗ trợ nhân đạo cho các nước đang gặp khó khăn như Lybia, Syria… 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.