Xem - ăn - chơi

Rùng mình khi đọc truyện cổ tích “chế” cho thiếu nhi

01/04/2015, 09:57

Bìa là truyện cổ tích, nhưng nội dung bên trong lại thô tục, phản cảm khiến các bà mẹ cũng phải rùng mình.

151

Việc xuyên tạc hay “chế” nội dung, ngôn từ, hình ảnh truyện cổ tích sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ nhỏ

Thạch Sanh, Sọ Dừa, Thánh Gióng cũng... phát khóc

Cuốn Tiếng Việt lớp 5, tập 2 của NXB Giáo dục có đoạn viết: "Thánh Gióng sau khi đánh tan quân giặc “ăn một bữa cơm no rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào đó, giấu kín nỗi đau của mình mà chết”. Sau đó, khi dư luận có những tranh cãi trái chiều thì NXB Giáo dục và tác giả chủ biên cuốn sách này mới cho biết, đây là in phần trích đoạn tác phẩm “Sức sống của dân Việt trong ca dao và cổ tích Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Điều đáng nói là chủ biên cuốn sách và NXB khi in trích dẫn đoạn viết của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã không chú thích rõ ràng khiến cho cả phụ huynh và học sinh hoang mang, gây ra những tranh cãi không đáng có.

Tập 1 cuốn sách “Truyện cổ tích Việt Nam” được NXB Kim Đồng tái bản mới đây đã gây bức xúc dư luận. Trong đó, câu chuyện mẹ Thạch Sanh cởi chiếc quần độc nhất cho con... khiến nhiều phụ huynh bàng hoàng. “Thạch Sanh con ơi! Mẹ phải chết đây con ạ! Con sống được là nhờ xóm nhờ làng, vậy khi con khôn lớn, con phải hết lòng vì làng vì xóm. Nói rồi bà cởi chiếc quần độc nhất của mình trao cho con: Con cũng đã lớn rồi đấy, cởi truồng mãi thế người ta cười cho, hãy giữ lấy cái quần này của mẹ mà mặc. Rồi bà tắt thở. Thạch Sanh không nỡ để mẹ chết trần, nên chỉ xẻ một mảnh ống quần để làm cái khố, còn mặc vào cho mẹ rồi nhờ xóm làng chôn cất tử tế”.

Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản-In và Phát hành cho biết: Để xảy ra vi phạm nêu trên là do một số NXB đã buông lỏng quản lý trong quy trình biên tập và liên kết, biên tập không kỹ, thiếu nhạy bén chính trị. Thời gian tới, Cục sẽ ra quân kiểm tra, rà soát tất cả các NXB trên cả nước, trong đó có những NXB cho ra đời những cuốn sách nhảm.

Chị Trần Hải Yến (Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc, một nhà xuất bản uy tín chuyên về sách cho thiếu nhi như NXB Kim Đồng lại "để lọt" sách có nội dung như vậy là không thể chấp nhận. Không dừng lại ở đó, chị Yến còn bày tỏ sự phẫn nộ với câu văn sặc mùi bạo lực, dã man: “Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn tinh bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”. "Đọc cho con nghe đoạn này các mẹ cũng phải rùng mình”, chị Yến bày tỏ.

Bộ truyện Thần thoại Hy Lạp gồm 20 tập, do NXB Kim Đồng mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam. Trong đó, tập 7 có tên Số phận và bi kịch có hình một pho tượng lõa thể, minh họa cho chi tiết Pygmalion tiến tới hôn pho tượng, sau đó pho tượng biến thành cô gái. Kèm theo hình ảnh là những lời văn miêu tả: “Pygmalion sung sướng ôm ghì lấy pho tượng hôn tới tấp như người bị mất trí”.

Trong tập truyện dành cho trẻ nhỏ của NXB Hồng Đức, Sọ Dừa - nhân vật cổ tích quen thuộc - được mẹ sinh ra sau khi uống nước đựng trong chiếc... sọ người. Không chỉ có lời kể khác biệt so với nhiều bản truyện cổ tích về Sọ Dừa trước đây, hình ảnh minh họa trong sách còn khá rùng rợn với cảnh người đàn bà cầm trên tay chiếc đầu lâu. Truyện còn dùng ngôn từ khá “mạnh” với trẻ nhỏ như: “quái thai”, “đem chôn sống nó đi...”.

152

Sọ dừa biến thành sọ người trong tập truyện dành cho trẻ nhỏ của NXB Hồng Đức

Đừng cẩu thả khi làm sách thiếu nhi

Trong khi các bậc cha mẹ luôn khát khao nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ bằng những câu chuyện cổ tích thì hàng loạt các truyện tranh, truyện cổ tích “nhảm” bị phanh phui gần đây đã đi ngược hoàn toàn với những ước ao giản dị, nhân văn đó.

Theo nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân: “Những cuốn sách có những chi tiết, nội dung sai có thể là do trình độ viết sách của tác giả chưa tới hoặc do năng lực của biên tập viên còn yếu”.

“Việc xuyên tạc hay “chế” nội dung, ngôn từ, hình ảnh truyện cổ tích sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ nhỏ. Những câu chuyện mang ý nghĩa răn dạy, khuyên nhủ trong đời sống hàng ngày sẽ không còn nữa khi truyện cổ tích biến thành truyện tranh giải trí. Chúng làm cho nhận thức của trẻ về thế giới cổ tích bị lệch lạc, thậm chí còn gây những chấn động mang tính chất bạo lực với trẻ em. Đừng cẩu thả khi làm sách cho thiếu nhi”, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân bày tỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.