Xã hội

Rừng phòng hộ Hòa Bình bị phá, con voi lại chui lọt lỗ kim?

03/12/2019, 06:24

Người dân đã phản ánh nhiều lần với chính quyền, nhưng xã chỉ cho cán bộ vào kiểm tra rừng qua loa và không thấy xử lý.

img
Con đường dài khoảng 1,2km dẫn vào khu vực rừng đang bị chặt phá

Thời gian qua, Báo Giao thông liên tục nhận được phản ánh của người dân xóm Diều Luông, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình về việc một số đối tượng tự ý xây dựng đường và chặt phá nhiều héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà. Người dân cho biết, dù đã phản ánh sự việc lên chính quyền địa phương, tuy nhiên, vụ việc không hề được xử lý.

Ngang nhiên làm đường vào phá rừng

Sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn, chúng tôi đã cho các cơ quan chức năng, kiểm lâm, công an kiểm tra xác minh cụ thể, quan điểm của huyện sai đến đâu xử lý đến đấy, cương quyết không bao che.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Đà Bắc


8h sáng 26/11, từ trung tâm xã Tân Minh, PV Báo Giao thông di chuyển hơn 2km từ trung tâm xã Tân Minh về Diều Luông. Tại đây, PV mượn một chiếc xe máy của người dân rồi mất 30 phút trên con đường đất mới làm gập ghềnh, nhiều dốc cao để tìm đến khu rừng phòng hộ đầu nguồn mà theo phản ánh của người dân là đang bị chặt phá.

Đây là khu rừng nguyên sinh, cây cỏ mọc um tùm, PV ghi nhận có khoảng 60 cây lớn nhỏ, có nhiều cây chu vi từ 80 - 150cm đã bị đốn hạ, còn trơ lại mình gốc đang rỉ nhựa, phần thân cây đã bị mang đi, còn lại những lá, cành cây la liệt. Gần kề những gốc cây mới bị chặt, là một khu lán trại tạm được dựng lên, với nhiều vật dụng như xoong nồi, bom đựng nước…

Ngang nhiên hơn, để phục vụ cho việc chặt cây rừng, một con đường dài khoảng 1,2km rộng 3m, một bên là vách núi dựng đứng, bên kia là vực sâu đã được xây dựng, san lấp từ cuối xóm Diều Luông dẫn vào khu rừng. Trên mặt đường còn hằn nhiều vết bánh xe tải của việc vận chuyển gỗ.

Anh Bùi V.H. (trú xóm Diều Luông) thì bức xúc khẳng định, khu vực đang khai thác gỗ trên thuộc địa phận rừng phòng hộ nằm đầu nguồn sông Đà, thuộc xã Tân Minh. “Sự việc này nhân dân đã phản ánh nhiều lần với chính quyền, nhưng xã chỉ cho cán bộ vào kiểm tra qua loa và không thấy xử lý. Họ mở đường cách đây hơn 20 ngày rồi, khoảng 1 tuần sau đó thì tiến hành khai thác gỗ luôn, có khoảng 25-30 người tham gia việc khai thác gỗ. Từ hôm đó đến nay họ đã vận chuyển được 7 xe gỗ ra khỏi rừng, mỗi xe khoảng hơn 4m3, ước tính đã có khoảng 30m3 được vận chuyển đi, có những thân cây to bằng lốp xe, nhìn tiếc lắm”, anh H. nói và cho biết thêm, hôm qua họ vẫn chuyển gỗ ra ngoài, hôm nay chắc mật báo có người lạ xuất hiện, nên những người khai thác gỗ thấy rời rừng, chưa quay lại.

Người có trách nhiệm đều không biết?

img
Gốc cây bị chặt phá

Dù người dân nói đã báo cáo nhiều lần với xã, tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lò Văn Lại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh cho biết, ông chưa nắm được việc khai thác gỗ trái phép cũng như làm đường để vận chuyển gỗ khai thác trái phép ra khỏi rừng vì… “thôn không báo cáo”.

“PV báo tin, nhưng hiện chúng tôi chưa xác định được việc khai thác gỗ này là gỗ vườn hay gỗ rừng, khai thác ở chỗ nào. Theo quy định trước đây, khai thác gỗ vườn thì phải để kiểm lâm đến xác minh, nhưng giờ theo quy định mới, thì hộ gia đình tự chịu trách nhiệm khai thác. Chúng tôi sẽ cử cán bộ đến kiểm tra xem ai đang khai thác gỗ, khai thác tại diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên hay rừng phòng hộ. Con đường này của ai thì phải lấp lại, ngăn chặn không cho xe ô tô đi vào, chỉ để cho một lối nhỏ cho xe máy đi thôi”, ông Lại khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Đinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đà Bắc cũng cho biết, chưa nắm được việc khai thác rừng này. “Chúng tôi sẽ xác định, nếu là khai thác gỗ rừng thì đương nhiên phải tập trung xử lí và thu hồi ngay”, ông Đinh khẳng định và cho biết thêm, trước đây ở xã Tân Minh đã đình chỉ xử lý một vụ lâm sản không có nguồn gốc hợp pháp mang về làm ván bó vào năm 2018, đã xử lý 1 vụ phá rừng làm nương thuộc xã Cao Sơn.

Về việc cấp phép khai thác rừng sản xuất và rừng phòng hộ trên địa bàn xã Tân Minh, ông Đinh cho biết: “Rừng sản xuất, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đặc biệt không có ai dám cấp phép, không thể có chuyện cấp phép vào cái rừng đấy, mà chủ yếu là rừng trồng của bà con theo thông tư 27. Hiện rừng trồng của bà con thì họ được tự chủ khai thác, không phải ký bảng kê, không phải xác minh mà gia đình tự chịu trách nhiệm về cái bảng kê khai của mình chỉ thông báo với chính quyền địa phương để nắm cái chung”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.