Xã hội

Cả rừng thông ven quốc lộ 14 bị đầu độc: Vì sao khó bắt nghi phạm?

29/07/2020, 19:30

Rừng thông cảnh quan QL14 đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông bị kẻ xấu khoan lỗ đổ hóa chất "đầu độc" gây chết hàng loạt.

img
Xót cảnh rừng thông cảnh quan quốc lộ 14 bị “đầu độc”, chết hàng loạt. Ảnh: Hoàng Yến

Rừng thông bị “đầu độc” bằng hóa chất

Theo ghi nhận, rừng phòng hộ cảnh quan dọc tuyến quốc lộ 14 (nay là đường Hồ Chí Minh, qua địa bàn huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) bị đổ hóa chất khiến hàng trăm cây thông với hàng chục năm tuổi, có đường kính từ 20 đến 50cm bị chết khô. Chạy dọc tuyến đường từ TP Gia Nghĩa về huyện Đắk Song, những vạt rừng Thông xanh ngắt ngày nào đã biết mất, thay vào đó là những mảng rừng vàng úa, loang lổ.

Quan sát trên những cây thông chết, phần gốc đều bị khoan từ một đến bốn lỗ tròn đường kính khoảng 1cm, sâu hơn 5cm. Tại vị trí khoan lỗ, ứa ra một chất màu trắng đã đông cứng.

Ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song thừa nhận: “Sau khi phát hiện rừng thông bị kẻ xấu ken, huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Đắk Song phối hợp với UBND các xã Nâm N'Jang và Trường Xuân tiến hành kiểm tra. Qua kiểm tra, xác minh, rừng thông QL14 trên địa bàn xã Nậm N'Jang và Trường Xuân có hiện tượng thông bị khoan lỗ đổ hóa chất bị chết”.

Theo báo cáo của UBND huyện Đắk Song, trong năm 2019 đã xảy ra 3 vụ khoan lỗ đổ hóa chất “đầu độc” Thông tại rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14, làm cây thông bị chết hàng loạt với diện tích thiệt hại 2,427ha. Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với UBND các xã Nâm N'Jang, Trường Xuân thiết lập hồ sơ chuyển Công an huyện để điều tra, xác minh đối tượng vị phạm để xử lý. Sau đó, cảnh sát điều tra Công an huyện đã bắt giữ 6 đối tượng. Hiện, Công an huyện Đắk Song đã khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích rừng phòng hộ cảnh quan còn dọc tuyến QL14 là 218,59 ha (chủ yếu là rừng thông trồng năm 1984).

Cụ thể, diện tích rừng phòng hộ hiện còn do UBND huyện Đắk Song quản lý 193,46ha. Trong đó, thuộc các phương án giao đất, giao rừng 162,29ha/228,47ha (diện tích có rừng theo phương án được duyệt: giao cho hộ gia đình, nhóm hộ); Ngoài phương án giao đất, giao rừng (khu vực được UBND tỉnh cho chủ trương giao cho Trường Quân sự địa phương quản lý) là 31,17 ha; Diện tích rừng phòng hộ hiện còn tại các khu vực Trường Quân sự địa phương, Trung đoàn 994 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự quản lý là 25,13ha.

Khó tìm ra đối tượng giết thông?

img
Một cây thông già có đường kính hơn 50cm bị khoan 4 lỗ đổ hóa chất "hạ độc". Ảnh: Hoàng Yến

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN&PT Nông thôn tỉnh Đắk Nông, mặc dù công tác quản lý, bảo vệ rừng trên phạm vi toàn tỉnh nói chung và việc quản lý bảo vệ rừng dọc QL14 nói riêng được Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, xử lý quyết liệt. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, ken cây, đổ hóa chất hủy hoại rừng trên địa bàn diễn biến phức tạp cả về tính chất vi phạm và mức độ thiệt hại với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Sở NN&PT Nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, từ năm 2010 đến nay tại khu vực dọc QL14 từ xã Trường Xuân đến thị trấn Đức An (huyện Đắk Song) lực lượng Kiểm lâm phối hợp các đơn vị liên quan phát hiện, xử lý 149 vụ vi phạm. Trong đó, có 135 vụ phá rừng trái pháp luật; 14 vụ khai thác rừng trái pháp luật...

“Việc hủy hoại thông như khoan lỗ, vạc, đẽo vỏ, bơm, đổ hóa chất... để cây chết do diễn ra vào ban đêm, mưa to, lúc gần sáng nên khó bị phát hiện, ngăn chặn. Vì vậy, hầu hết các vụ vi phạm về phá rừng, ken cây, đổ hóa chất hủy hoại rừng thông đều không bắt được đối tượng để xử lý. Các vụ có dấu hiệu hình sự chuyển cơ quan điều tra, nhưng quá trình điều tra của công an, nhiều vụ không phát hiện được đối tượng để xử lý làm răn đe cho người khác.

Ngoài ra, việc xử lý đối với các vụ ken cây, khoan lỗ đổ hóa chất làm thông bị chết gặp nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi, nguyên nhân thông bị chết.

Theo kết quả lấy mẫu các hóa chất trên cây thông (trên địa bàn huyện Đắk Song) được Viện khoa học hình Sự Bộ Công an kết luận: “Các mảnh gỗ có dính chất màu trắng là thuốc diệt cỏ chọn lọc có thành phần 2,4D”. Tuy nhiên, theo Công văn số 622/BVTV-TTPV ngày 15/3/2019 của Cục bảo vệ thực vật nêu: “Tại quy định Thông tư 03/2018/TT-BNNPTNT thì hoạt chất 2,4D chưa được đăng ký sử dụng bằng phương pháp khoan lỗ tiêm vào thân cây để diệt trừ cây lâm nghiệp, thân gỗ. Từ đó, cơ quan Công an cũng không có cơ sở để xử lý”, Văn bản trả lời báo chí do ông Lê Quang Dần kí nêu rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.