Y tế

Rước họa khi chữa đau cột sống bằng giác hơi, thuốc nam

09/11/2019, 17:35

Không ít bệnh nhân đau cột sống điều trị bằng giác hơi, thuốc nam… để rồi nhập viện với di chứng nghiêm trọng.

img
Trường hợp viêm loét, hoại tử da khi chữa đau cột sống bằng giác hơi

Ngại đi thăm khám hoặc nghe rỉ tai, không ít bệnh nhân mắc bệnh lý đau cột sống lựa chọn biện pháp điều trị bằng giác hơi, xoa và uống thuốc nam hay tiêm châm… để rồi nhập viện vì các ổ áp xe mủ, thậm chí liệt chi!

Liệt hai chân sau khi giác hơi chữa đau cột sống

Mới đây, nữ bệnh nhân tên N.C.V. (Bắc Giang) được gia đình đưa vào cấp cứu tại BV Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng chân tay tê bì, liệt vận động chỉ sau 6 giờ đi giác hơi, nắn bóp chữa căn bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Theo lời người nhà chia sẻ, bệnh nhân có bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, thường xuyên đau mỏi nên đã tìm tới thầy lang để giác hơi, nắn bóp. Tuy nhiên, sau khi về nhà, chân phải của bà V. bị tê bì kèm theo cảm giác tức nặng. Trong vòng hơn 1 tiếng, chân phải của bệnh nhân không thể nhúc nhích và dần lan sang chân còn lại. Kế đến, từ vùng ngang ngực xuống đến hết hai chân của bệnh nhân mất hoàn toàn khả năng vận động và cảm giác, hai tay tê bì và yếu. Gia đình lo lắng quá vội đưa vào bệnh viện tỉnh rồi chuyển thẳng lên BV Việt Đức.

Qua thăm khám, chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ phát hiện có một khối máu tụ rất to đang chèn ép nặng cột sống cổ, đó chính là nguyên nhân gây liệt hai chân của bệnh nhân. Một ca phẫu thuật cấp đã diễn ra nhằm lấy khối máu tụ lớn trong cột sống cổ của bệnh nhân, giải phóng chèn ép tuỷ thần kinh. Nhờ vậy, bệnh nhân mới được cứu chữa, dần hồi phục.

Còn tại BV Đại học Y Hà Nội, ông N.T.G. (Hưng Yên) đưa vợ lên thăm khám cho biết, vợ ông thường xuyên phải chịu các cơn đau cột sống dữ dội, nhiều lúc đau co rúm người lại, không đi lại được.

“Trước đó, bà ấy tự mua thuốc Nam để uống nhưng không đỡ đau. Mới đây, nghe người làng mách, tôi đưa bà ấy đến ông lang có khả năng kết hợp Đông Tây y. 3 tháng bắt mạch, đè ra tiêm, nhưng chỉ sau đúng 1 ngày dừng điều trị, vợ tôi lại không đi được. Không những thế, càng ngày bà ấy càng đau đớn, không thể đi lại được nên phải nhập viện khám”, ông G. cho hay. Kết quả sau thăm khám, bác sĩ BV Đại học Y đã phát hiện khối u tế bào khổng lồ đã tiêu 2 đốt sống ngực và thắt lưng, dẫn đến chèn ép thần kinh mạch máu lớn của bệnh nhân. Hơn nữa do dùng thuốc Nam, thuốc giảm đau có chứa corticoid dài lâu, nên vợ ông G. còn bị men gan tăng cao, hội chứng giả Cusing và loãng xương nhiều nên việc điều trị vô cùng khó khăn.

Nhắc đến các trường hợp tự điều trị để rồi bệnh nặng thêm, BS. Trần Quốc Khánh, Khoa phẫu thuật cột sống, BV Hữu nghị Việt Đức tới giờ vẫn còn bị ám ảnh về trường hợp thanh niên hơn 20 tuổi người Lạng Sơn, tới thầy lang kéo nắn cổ rồi bị thoát vị cấp tính, gây liệt hoàn toàn tứ chi. “Hiện nay có quá nhiều người vội vàng nghe lời mách bảo thầy này cô kia nắn bóp, đắp thuốc, kéo dãn thần kinh để rồi phải trả giá quá đắt”, BS. Khánh nói.

Đừng để “tiền mất, tật mang”

Sau tác động mat-xa, châm cứu, tiêm chọc… vào cột sống, nếu thấy tê bì tay chân tăng dần hoặc yếu tăng dần thì người bệnh cần vào ngay trung tâm y tế có khả năng chụp cộng hưởng từ để quét ngay cột sống xem có bị thoát vị, máu tụ chèn ép cấp tính gì không? Đây cũng là thời gian là vàng để “thoát hiểm” trong những tình huống này.
BS. Trần Quốc Khánh, Khoa phẫu thuật cột sống, BV Hữu nghị Việt Đức


BS. Nguyễn Vũ, Phó trưởng khoa Ngoại Thần kinh cột sống và Chấn thương chỉnh hình, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, trong quá trình thăm khám, các bác sĩ gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh lý cột sống đến thăm khám với tình trạng bệnh nặng, thậm chí có ổ áp xe mủ, viêm đĩa đệm… và nhiều tổn thương khác khi đi điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân, không đúng chuyên khoa về cột sống.

“Hiện người mắc các bệnh lý cột sống ngày càng nhiều, người bệnh thường đau lặp đi lặp lại, do vậy tâm lý chủ quan. Ngại đến viện nhiều người bệnh mạo hiểm “thử” điều trị xem có đỡ hay không bằng các phương pháp dân gian chưa được khoa học chứng minh như: Hơ lá láng chườm ấm, châm hương vào lưng, giác hơi… hay thậm chí là cho ong đốt”, BS. Vũ chia sẻ.

Theo khuyến cáo của BS. Vũ, với các bệnh nhân mắc bệnh lý cột sống, nếu khởi đầu bằng vật lý trị liệu, xoa bóp của Đông y chính thống, thì rất tốt. Tuy nhiên, khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng cấp tính thì cần phải dùng thuốc Tây y để giãn cơ, giảm đau, chống viêm, phù tụy... Chia sẻ về những hậu quả có thể bệnh nhân phải chịu do điều trị không đúng cách, BS. Vũ cho hay, phương pháp châm, tiêm, xoa nắn, đắp không đúng sẽ gây bỏng, loét vùng da tại chỗ.

“Với những người bệnh can thiệp phẫu thuật, khi đã tổn thương da dù đường mổ nhỏ nhất 1cm thì nguy cơ nhiễm trùng rất cao, đó là 1 thảm họa. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân bị áp xe ổ mủ, viêm đĩa đệm hay viêm cơ cạnh cột sống sau khi tự chữa trị bên ngoài. Đáng tiếc, có trường hợp bệnh nhân bị tiêm thẳng vào rễ thần kinh gây liệt”, BS. Vũ nói và khuyến cáo: “Hãy tin tưởng vào bác sỹ chuyên khoa và đến cơ sở chuyên khoa có uy tín để khám chính xác bệnh. Đừng tìm đến các cơ sở không đảm bảo rồi họa vô đơn chí, không điều trị khỏi bệnh mà còn bị tổn hại thêm về thể chất, tinh thần và cả kinh tế”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.