Chất lượng sống

Rước họa mua kính thuốc qua mạng

15/04/2017, 06:05

Mua kính thuốc qua mạng khiến chủ nhân rước hoạ

5

Cần đo cắt kính thuốc ở cơ sở chuyên khoa

Kính thuốc tự chỉnh không nên dùng

Chị Nguyễn Thùy Dung (Ngã Tư Sở, Hà Nội) quyết định đặt mua một chiếc kính Dial Vision qua mạng vì thấy sản phẩm được quảng cáo “đột phá công nghệ, tự điều chỉnh tiêu cự theo tật của mắt; Dùng cho cả cận thị, viễn thị”. Chị Dung cho hay, đúng là có điều chỉnh được tiêu cự của kính qua nút vặn trên gọng kính, tuy nhiên, chỉ đeo một lúc là thấy khó chịu, mỏi mắt.

Theo BS. Hoàng Cương, Bện viện (BV) Mắt T.Ư, loại kính này hoạt động trên nguyên lý về quang học, mặt kính quyết định công suất kính. Kính càng cong thì hội tụ càng lớn, do vậy điều chỉnh được tiêu cự của kính thông qua việc chỉnh độ cong của mắt kính. “Nguyên lý là vậy nhưng thực tế không đơn giản, bởi khi điều chỉnh độ cong của kính lại phụ thuộc vào độ bền, chất lượng của kính. Nếu chất lượng không chuẩn, dễ giãn nở trong môi trường sẽ dẫn đến biến dạng kính, ảnh hưởng ngay đến chất lượng điều trị các tật khúc xạ của mắt. Hoàn toàn không an toàn cho mắt”, BS. Cương cảnh báo.

BS. Cương cũng nhấn mạnh: “Loại kính này có thể chỉ nên dùng trong trường hợp đột xuất, ví như đi công tác quên kính hay vỡ kính; Tuyệt nhiên không sử dụng lâu dài thay kính thuốc được. Và điều quan trọng, đây phải là loại kính có xuất xứ rõ ràng, được chứng nhận về chất lượng, là sản phẩm y tế”. Cũng cần lưu ý, loại kính này chỉ phù hợp với người mắt một tật khúc xạ và không bị bệnh khác trên mắt. “Thực tế, không thể thần kỳ với việc điều chỉnh cả cận thị và viễn thị trên cùng một kính được. Chưa kể đến việc, người bệnh về tật khúc xạ lại có thể tự điều chỉnh cho kính thuốc thì liệu có đảm bảo tính chuẩn xác, hiệu quả, nếu vậy thì đâu cần đến bác sĩ chuyên khoa mắt nữa”, ông Cương cho hay.

Theo khuyến cáo của BS. Cương, người bệnh về tật khúc xạ mắt không nên tự ý mua, lắp, sử dụng kính trôi nổi trên thị trường thay thế kính thuốc trong quá trình điều trị. Khi có tật khúc xạ mắt, bệnh nhân cần được thăm khám, chẩn đoán, điều trị và tư vấn tại cơ sở chuyên khoa mắt để tránh “tiền mất, tật mang”.

Thị lực giảm… vì kính “thuốc”

Đưa con đến BV Mắt T.Ư khám vì cô giáo phàn nàn “ở lớp con hay quay sang chép bài bên vở bạn”, chị Nguyễn Hoàng Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) “ngã ngửa” khi bác sĩ cho hay, cậu bé tăng độ cận lên 5 điốp. Trong khi chiếc kính con chị đang dùng là 3 điốp. “Thằng bé mới cắt kính này được 4 tháng thôi, sao lại tăng độ cận nhanh thế không biết”, chị Minh phân trần. Theo lời chị Minh, khi con vào lớp 2, chị đã từng cho con tới BV Mắt T.Ư khám và biết cậu bé cận 1.5 điốp. Tuy nhiên, vào đầu lớp 3, thấy con than phiền nhìn bảng mờ, tiện đầu phố có hàng kính thuốc, chị đưa ra đó “chụp” và cắt kính luôn. “Ở đó chụp, đo số kính miễn phí, còn cắt kính hết 350 nghìn đồng”, chị Minh cho hay.

Tuy nhiên, chị Minh không thể ngờ rằng chính sự dễ dãi, chủ quan của chị lại khiến đôi mắt của cậu con trai “xuống cấp” nhanh.

Theo BS. Nguyễn Thị Thu Hiền, BV Mắt T.Ư, thực tế, trong quá trình thăm khám, các bác sỹ chuyên khoa mắt đã gặp không ít trường hợp bị biến chứng, giảm thị lực do đeo kính cận, viễn sai số, không thể phục hồi được. Nguyên nhân xuất phát từ chính sự dễ dãi của các bậc cha mẹ, người bệnh và sự phát triển của hệ thống cửa hàng kính “thuốc” ở khắp nơi. “Đặc biệt, với trẻ em có tật khúc xạ, việc đo, khám kỹ lưỡng tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt là cần thiết. Bởi, nếu không được đo, khám một cách chuẩn xác, trẻ rất dễ phải đeo kính một cách vô lý. Hoặc các cửa hàng kính đo sai số gây nên tình trạng nhức mỏi mắt, rối loạn điều tiết, dẫn đến thị lực của trẻ ngày càng giảm đi”, BS. Hiền khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.