Bạn cần biết

Rước họa vì làm đẹp bằng chất làm đầy

03/04/2018, 07:30

Mặc dù đã được cảnh báo nhưng không ít chị em vẫn bất chấp làm đẹp tại nhiều cơ sở thẩm mỹ “3 không”...

15

Một ca biến chứng do tiêm chất làm đầy để nâng mũi

Mũi bầm tím, biến dạng vì... tiêm filler

Mới đây, trên một chuyên trang dành cho chị em yêu thích phẫu thuật thẩm mỹ, chị Nguyên Tr. (27 tuổi, Hưng Yên) cầu cứu: “Vì sợ phẫu thuật nên em chọn giải pháp tiêm filler cho an toàn. Ngày đầu về mũi lên dáng dọc dừa lắm, thế nhưng sau 2 ngày thì thấy sưng đỏ rồi bầm tím. Chị chủ spa đó có giải thích, sau tiêm như thế là bình thường mà em lo quá”. Kèm theo đó là hình chiếc mũi “dọc dừa” sưng vù, bầm tím. Liên hệ với chị Nguyên Tr, thì được biết sau đó 5 ngày, thấy tình trạng ngày càng nặng, mũi sưng tím kèm đau nhức nên chị đã vội vàng về Hà Nội thăm khám. “Bác sĩ cho hay mũi đã viêm nặng, mưng mủ và có dấu hiệu hoại tử. Hiện các bác sĩ đang điều trị tích cực bằng hút mủ, bơm, rửa, dùng thuốc. Đúng là tiền mất, tật mang”, chị Nguyên Tr. cho biết.

"3 bộ phận rất dễ biến chứng khi tiêm filler là mũi, cằm và ngực. Do ở sống mũi dưới da là xương, ở cằm là cơ, vì vậy khi tiêm chất làm đầy vào sẽ không thể đậu lại được. Còn với ngực, nơi có những động mạch, tĩnh mạch lớn, khi tiêm chất làm đầy vào phải dùng số lượng lớn, gây chèn ép các mạch máu nuôi dưỡng khiến vùng da bên ngoài bị biến dạng, thậm chí hoại tử…” .

TS.BS. Nguyễn Huy Thọ
nguyên Trưởng khoaPhẫu thuật hàm mặt - Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

BS. Cao Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Đào tạo thẩm mỹ NOCOS, giảng viên lớp laser thẩm mỹ, Khoa Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: “Filler đang được quảng cáo thần thánh hoá, cùng với sự nhộm nhoạm của chất này ở các cơ sở thẩm mỹ nên nạn nhân bị tai biến sau tiêm filler ngày càng nhiều”. Theo BS. Ngọc, thời gian qua, ông cũng gặp một số trường hợp tai biến khi tiêm filler. Cụ thể, một số trường hợp nhiễm khuẩn tại vị trí tiêm do quá trình tiêm không đảm bảo vô khuẩn. Thậm chí, có ca gây mù do tắc động mạch ổ mắt, hoặc hoại tử đầu mũi do tắc động mạch vùng mũi…

Còn theo TS. BS. Nguyễn Huy Thọ, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt - Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, phần lớn những trường hợp gặp tai biến gần đây do lạm dụng chất filler, tiêm với thể tích lớn, người tiêm không được đào tạo kỹ thuật hoặc chất tiêm không được cấp phép, trôi nổi trên thị trường. “Để tránh biến chứng khi tiêm chất làm đầy, cần phải tìm hiểu kỹ các thông tin như cơ sở thẩm mỹ có phép không, bác sĩ có bằng cấp không, nguồn gốc các loại chất làm đầy ra sao… Trước khi tiêm cần phải xem các thông tin nhà sản xuất, hạn sử dụng, tem. Không nên tin vào những lời quảng cáo để rồi hối hận thì đã muộn”, ông Thọ khuyến cáo.

Filler có thật sự “thần tiên”?

Theo BS. Ngọc, filler được xem là một công nghệ mới trong thẩm mỹ nội khoa, bản chất của filler được cấu tạo từ acid hyaluronic giống như một chất tự nhiên tồn tại trong cơ thể con người, chất này thay thế cho các hyaluronic tự nhiên trong tế bào bằng phương pháp tiêm. Nó giúp làm đầy các tổ chức bị thiếu hụt như nâng mũi, độn cằm, tiêm làm đầy các rãnh nhăn. “Đối với các bác sỹ chuyên môn, đây là phương pháp làm đẹp ít xâm lấn và an toàn hơn rất nhiều so với các phương pháp phẫu thuật xâm lấn trước đó. Tuy nhiên, không có gì là hoàn hảo 100%. Tất cả các phương pháp đều có nguy cơ tai biến. Đặc biệt, khi phương pháp này trở thành trào lưu, việc tiêm filler không dừng lại bởi các bác sỹ chuyên môn điều trị mà ngay cả các cơ sở spa không có chuyên môn cũng tham gia vào công việc này. Và phần lớn các tai biến đều bắt nguồn từ đây vì sự thiếu hiểu biết của cả khách hàng cũng như cơ sở điều trị”, ông Ngọc cho biết.

Đồng quan điểm, ông Thọ cũng cho rằng, chất làm đầy thường có chi phí khá cao và chỉ dùng để tiêm vào những bộ phận nhỏ trên cơ thể như nếp nhăn ở mí mắt, rãnh má, xóa nếp nhăn trán… “Khi filler dùng để làm đẹp lại quảng cáo giá rẻ tại một số cơ sở thẩm mỹ thì cần phải cảnh giác”, ông Thọ cho hay.

Cũng theo ông Thọ, các tai biến xảy ra khi tiêm filler thường do người tiêm không có chuyên môn. Theo đó, tai biến thường xảy ra khi tiêm nhầm vào mạch máu, dẫn đến tắc mạch, gây hoại tử… Nhiễm trùng sau khi tiêm, do cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo vô khuẩn trong quá trình tiêm. Hoặc tiêm quá liều với lượng lớn chất làm đầy vào một vị trí, dễ gây chèn ép các cơ quan xung quanh như mạch máu, dây thần kinh, dẫn đến nhiều tai biến sau này…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.