Y tế

Rước họa vì spa, thẩm mỹ viện “chui”: Cấp phép dễ dàng, buông lỏng hậu kiểm

14/04/2021, 06:01

Núp dưới các tên gọi spa, viện thẩm mỹ, nhiều hoạt động làm đẹp xâm lấn trái phép diễn ra và để lại nhiều hệ lụy.

img

Viện thẩm mỹ quốc tế Tú Anh ngang nhiên giới thiệu dịch vụ phẫu thuật dù không được cấp phép

Trong khi đó, một người thậm chí chưa học hết phổ thông, bỏ chi phí dịch vụ từ 2 - 5 triệu đồng, sau vài ngày đã có giấy phép hoạt động spa.

Giấy phép “phun xăm thẩm mỹ” nhưng nhận nâng mũi, cắt mí mắt

Trong vai khách hàng, PV Báo Giao thông tìm đến cơ sở thẩm mỹ có tên Viện thẩm mỹ quốc tế Tú Anh (nằm trên đường Đê La Thành, Hà Nội). Nữ nhân viên sau khi biết nhu cầu của khách muốn nâng vòng 1, vòng 3 và hút mỡ bụng liền trả lời: “Sẽ có bác sĩ tư vấn trực tiếp”.

Một vị tự xưng là “bác sĩ Minh” cho hay: “Nếu chị không mắc bệnh lý gì, nâng vòng 1 phải gây mê, sau làm chỉ cần nghỉ 2 - 3 tiếng là về… Hiện, đang có dòng túi Nanochip giảm từ 80 xuống 65 triệu đồng”.

Vị này không quên nhấn mạnh: “Bên em liên kết với tất cả các bệnh viện như Đống Đa, 108, Tràng An… Người mổ chính là bác sĩ Bệnh viện 108. Riêng nâng ngực, nâng mông, chị đóng tiền ở đây, cơ sở sẽ dẫn sang bất kỳ bệnh viện nào chị chọn để thực hiện” (!?).

Trước nhu cầu giảm mỡ bụng, “bác sĩ Minh” tư vấn: “Đang có loại tinh chất nhập từ Hàn Quốc và Tây Ban Nha, có thành phần bóc tách mô mỡ, sinh nhiệt đốt và đào thải ra ngoài qua 3 đường đại, tiểu tiện và mồ hôi.

Đảm bảo chỉ từ 30 - 45 ngày sẽ giảm số đo. Các bên thẩm mỹ viện khác còn dùng thuốc giảm cân nhưng bên em chỉ tiêm tinh chất. Vùng nào to giải quyết vùng đó…”.

Sau khi ngắm cơ thể khách, “bác sĩ Minh” phán: “Để xử lý phần bụng cần 20 - 25 ống tiêm, eo 10 - 15 ống tiêm và lưng cũng tương tự.

Giá mỗi ống tiêm là 600 nghìn đồng với loại tốt nhất của Tây Ban Nha. Tất cả chỉ tiêm trong 1 lần duy nhất. Bên em hiện đang có combo 15 triệu đồng. Cái này quá đơn giản, không cần phải vào viện mà làm ngay tại đây, không phải đi lại nhiều lần”.

Cũng tại đây, các nhân viên còn khẳng định sẵn sàng thực hiện các thủ thuật như nâng mũi, cắt mí mắt (7 ngày cắt chỉ là xong), nâng cung mày, nhấn núm đồng tiền… mà không cần vào bệnh viện.

Làm việc với PV sau đó, bà Trần Thị Bích Thái, Phó chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa (Q.Đống Đa, Hà Nội) đã cung cấp giấy phép kinh doanh của Viện thẩm mỹ quốc tế Tú Anh, trong đó ngành nghề đăng ký chỉ là “dịch vụ phun xăm thẩm mỹ không cần phẫu thuật, không gây chảy máu”.

Trước câu hỏi, phường có nắm được hoạt động của cơ sở này không, bà Thái cho biết: “Thời gian qua, UBND phường đã thành lập tổ y tế kiểm tra lĩnh vực y dược, spa. Theo báo cáo của trạm trưởng y tế phường, năm trước đi kiểm tra thì cơ sở này có giấy phép kinh doanh và các giấy tờ liên quan đến hoạt động xăm thẩm mỹ, chưa phát hiện sai phạm…”.

Thủ tục cấp phép đơn giản

Theo tìm hiểu, spa là hình thức chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc da không dùng phương pháp phẫu thuật, không gây chảy máu, có hoặc không có hoạt động massage (xoa bóp) như chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu, làm móng...

Do đó, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở KH&ĐT cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.

Với dịch vụ thẩm mỹ là những cơ sở thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, việc cấp giấy phép kinh doanh cũng tương tự.

Tuy nhiên, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.

Đồng thời, phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ (cơ sở vật chất, nhân sự) gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Trong vai khách hàng có nhu cầu mở spa làm đẹp, chúng tôi được một nhân viên đơn vị dịch vụ luật cho biết: “Thủ tục rất đơn giản, chỉ cần CMND công chứng, kèm theo phí 2 - 5 triệu đồng tùy hình thức kinh doanh, chỉ trong vài ngày giấy phép kinh doanh dịch vụ spa sẽ có trong tay”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Viên, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy cho biết, các cơ sở làm đẹp như spa, thẩm mỹ viện không thuộc lĩnh vực phải cấp phép như khám, chữa bệnh nên thủ tục đơn giản hơn rất nhiều từ biển hiệu, trang thiết bị, con người, bằng cấp chứng chỉ chuyên môn…

“Với một người bình thường có thể chưa học hết phổ thông nhưng đủ năng lực, hành vi có thể đăng ký lớp học nghề ngắn hạn (chăm sóc sức khỏe) của đơn vị có đủ điều kiện sau đó có thể đăng ký kinh doanh, triển khai các bước để mở spa, thẩm mỹ viện…”, ông Viên cho hay.

Chưa hết, sau khi hoạt động, việc hậu kiểm cũng vô cùng lỏng lẻo. Bằng chứng là thời gian qua, mặc dù UBND cấp phường, xã được phân cấp quản lý các cơ sở làm đẹp trên địa bàn nhưng việc phát hiện vi phạm hầu như không có.

Một cán bộ ngành y tế cho hay: “Dịch vụ thẩm mỹ không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng theo Nghị định 155/2018, cơ sở phải thông báo với Sở Y tế về hoạt động dịch vụ thẩm mỹ.

Tuy nhiên, việc cơ sở không báo cũng không có chế tài xử lý. Nếu cơ sở đang hoạt động bình thường, cơ quan y tế không thể vào kiểm tra trừ khi có vi phạm về quảng cáo hoặc phản ánh, tố cáo từ khách hàng, cơ quan báo chí… Hoặc khi kiểm tra phát hiện rác y tế, có nghi ngờ nhưng bệnh nhân không phối hợp cũng rất khó xử lý”.

Research and Markets - trang mạng chuyên cung cấp thông tin tư liệu và nghiên cứu thị trường toàn cầu nhận định: Dịch vụ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe tại spa, thẩm mỹ viện được xếp vào nhóm ngành thứ 2 trong Top 10 ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, tốc độ phát triển của dịch vụ thẩm mỹ tỷ lệ thuận với thu nhập tăng cao và nhu cầu làm đẹp của người dân (trên 50% dân số không hài lòng với ngoại hình). Ước tính, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (GAGR) của ngành thẩm mỹ tại Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2027 vào khoảng 5,23%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.