Chuyện dọc đường

Rượu bia và quyền lựa chọn

02/01/2020, 17:55

Đã uống rượu bia thì không lái xe và ngược lại. Suy cho cùng, quyền lựa chọn là ở mỗi người, dù với nhiều người không dễ dàng gì.

img
Uống hay từ chối là quyền lựa chọn của mỗi người - ảnh minh họa

Tan tầm, anh Liêm (ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) phóng xe máy như bay qua trường đón cậu con trai đang học lớp 2 về nhà. Trong đầu anh vẫn luẩn quẩn dòng tin nhắn của đám chiến hữu: “Ông về đón con tối đa 30 phút phải có mặt đấy!”. Thỉnh thoảng họ vẫn tụ tập như vậy sau giờ làm.

Gặp mẹ trước cửa nhà, anh “bàn giao” con cho bà rồi quay đầu xe. “Con lại đi đâu đấy”, bà mẹ hỏi. Khi anh chưa biết trả lời sao, cậu con trai đã nhanh miệng: “Bố lại đi uống bia đấy bà ạ”. Mẹ anh không nói thêm câu nào, dắt cháu quay vào. Đứng tần ngần trước cửa “đấu tranh tư tưởng” ít phút, anh Liêm quyết định tắt máy, dắt xe lên nhà rồi dẫn cậu con trai ra công viên cạnh đó chơi trong lúc chờ cơm tối.

Anh Liêm đã lựa chọn, để bữa tối hôm đó cả nhà đông đủ, vui vẻ và quan trọng hơn là vợ con, gia đình không phải lo lắng khi anh chưa về.

Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng như Nghị định 100/2019 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTĐB và đường sắt (thay thế Nghị định 46/2016) chính thức có hiệu lực vào ngày đầu tiên của năm mới 2020 khiến dân tình xôn xao.

Với mức phạt vi phạm nồng độ cồn tăng lên khá cao (người lái ô tô tới 40 triệu, còn với mô tô từ 6 - 8 triệu, tước GPLX từ 22 - 24 tháng), những người có thói quen sau giờ làm ra quán bia làm vài quai như anh Liêm phải đưa ra lựa chọn: đã uống rượu bia thì không lái xe và ngược lại. Suy cho cùng, quyền lựa chọn là ở mỗi người, dù với nhiều người không dễ dàng gì.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu bia vào trung tuần tháng 6/2019 có nói rằng, đây là đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao, với mục tiêu cao nhất cả trước mắt và lâu dài là định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại, góp phần quan trọng nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống cho người dân.

Cũng theo bà Thúy Anh, quy định nghiêm khắc đối với hành vi sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện đáp ứng nguyện vọng của cử tri và ĐBQH, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ TNGT.

Với quyết tâm và ý nghĩa nhân văn đó, dù chưa phải tuyệt đối nhưng 84,30% ĐBQH đã thể hiện quyền lựa chọn của người đại diện cho nhân dân khi bấm nút thông qua đạo luật được dư luận rất chờ đợi.

Và cách đây ít hôm, sáng 28/12/2019, khi phát biểu phát động lễ ra quân Năm ATGT 2020, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cung cấp một thông tin rất đáng lưu tâm: 2019 là năm có số người chết do TNGT giảm sâu nhất kể từ 2014 đến nay. Sau 20 năm, số người chết được kéo xuống bằng con số của năm 2000.

Phó Thủ tướng kỳ vọng, 2020 là năm đầu tiên cả nước thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, vì vậy Chính phủ chỉ đạo triển khai Năm ATGT 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe” với mục tiêu giảm từ 5 - 10% số vụ, số người chết, bị thương do TNGT so với năm 2019.

Chắc chắn, để đạt được mục tiêu trên không dễ, nếu xét trong bối cảnh việc sử dụng rượu bia đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Việt Nam từ hiếu hỉ, liên hoan, họp mặt… Có nơi thậm chí còn coi như một nét văn hóa.

Bởi vậy, sẽ rất khó để bỏ ngay “yếu tố rượu bia” ra khỏi đời sống sinh hoạt hàng ngày nhưng nhiều người vẫn có quyền lựa chọn cho riêng mình.

Đã sử dụng rượu bia thì có thể chọn phương tiện công cộng, xe ôm, taxi, Grab… Giá một cuốc xe chẳng thấm vào đâu so với hóa đơn một bữa nhậu hay một phiếu phạt của CSGT.

Chẳng nói đâu xa, Báo Giao thông ngày 2/1 đã ghi nhận một trường hợp điều khiển xe ô tô có sử dụng rượu bia bị phạt đến 40 triệu, tước GPLX 23 tháng; Trường hợp khác là 1 người đi xe máy bị phạt 7 triệu, tước GPLX 23 tháng. Những cái giá quá đắt mà lúc nâng ly có thể họ không nghĩ tới. Rồi đến khi rời quán, họ cũng không chọn cho mình phương tiện di chuyển để bảo vệ sức khỏe, sự an toàn, dù lựa chọn đó là văn minh, là nhân văn cho chính họ và những người đi đường khác.

Hơn chục năm trước, năm 2007, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 32 trong đó có nội dung bắt buộc người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm, dư luận cũng nghi ngại về tính khả thi, bởi sự bất tiện, vướng víu của cái “nồi cơm điện” sùm sụp trên đầu.

Thế nhưng sáng 15/12/2007, hàng triệu người đã chấp hành nghiêm túc quy định này và đây vẫn là sự kiện được nhắc đến như một cuộc cách mạng trong công tác đảm bảo TTATGT.

Hàng triệu người khi đó đã lựa chọn sự an toàn cho mình thay vì khó chịu bởi sự vướng víu của chiếc mũ.

Thay đổi một thói quen cần một quá trình, nhưng khi nhận thức đã “thông” thì mỗi người sẽ dễ dàng lựa chọn cho mình hành động đúng đắn nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.