Chính trị

Rút kinh nghiệm việc thẩm tra hồ sơ ứng cử ĐBQH

21/05/2018, 06:08

Từ khóa sau, việc thẩm định hồ sơ người ứng cử ĐBQH sẽ được các cơ quan thẩm tra tiến hành kỹ lưỡng hơn.

10

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc

Từ việc nhiều ĐBQH được phát hiện có sai phạm tại nhiệm kỳ này, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, từ khóa sau, việc thẩm định hồ sơ người ứng cử ĐBQH sẽ được các cơ quan thẩm tra tiến hành kỹ lưỡng hơn.

Công tác nhân sự của Quốc hội rất quan trọng, nhưng vừa qua nhiều ĐBQH mắc sai phạm và không còn được cử tri tín nhiệm. Điều này cho thấy bài học gì trong công tác lựa chọn nhân sự, thưa ông?

Khi tiến hành bầu cử, số ứng cử viên trúng cử ĐBQH đầu tiên là 496 người. Sau đó, tại kỳ họp thứ nhất xem xét về tư cách ĐBQH, có 2 người không đủ tư cách nên không được công nhận. Tiếp đó, vừa qua do vi phạm, sai phạm, có hai ĐB đương nhiên buộc phải thôi nhiệm vụ ĐBQH, mất quyền ĐBQH. Ngoài ra, còn có 3 trường hợp ĐBQH cho thôi nhiệm vụ vì lý do sức khỏe và chuyển công tác cùng với 2 trường hợp ĐB qua đời. Như vậy, so với tổng số ĐBQH trúng cử ban đầu là 496 đến nay còn 487 ĐBQH.

Nhiều ĐB có sai phạm cũng cho thấy cần rút kinh nghiệm trong công tác lựa chọn nhân sự. Chọn đại biểu trước hết do nhân dân, cử tri giới thiệu. Thế nhưng, để xảy ra những sự việc như vừa qua, công tác thẩm tra, thẩm định cần rút ra bài học. Thực tế, có những sai phạm khi thẩm định cũng không thể biết nổi, nói thì dễ nhưng làm rất khó. Ví dụ, có những người liên quan đến những sai phạm, vụ án từ rất lâu không lộ ra, cũng không có bất cứ ý kiến phản ánh nào của cử tri, nên không dễ để biết. Còn trong quá trình giới thiệu ĐBQH, nếu cử tri nơi cư trú, cử tri nơi cơ quan công tác có ý kiến, đơn thư phản ánh người này có sai phạm, người này không xứng đáng thì lúc ấy chắc chắn sẽ xem xét ngay. Nhưng vừa qua, những trường hợp ĐB được xác định có sai phạm, trong cả quá trình ấy không hề có đơn thư.

Tới đây, nhiệm kỳ Quốc hội sau, chắc chắn các cơ quan chức năng khi thẩm tra hồ sơ những người ứng cử ĐBQH sẽ phải làm kỹ lưỡng, chặt chẽ hơn.

Thưa ông, việc mới đi qua nửa nhiệm kỳ đã khuyết 9 ĐBQH như vậy có ảnh hưởng gì đến hoạt động của Quốc hội?

Việc này cũng không có ảnh hưởng gì lớn. Theo quy định tại Luật Bầu cử, việc bầu cử bổ sung ĐBQH trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn hai năm và thiếu trên 10% tổng số ĐBQH đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ. Đối chiếu với tình hình hiện nay thì chưa đến 10% nên chưa đến mức phải bầu bổ sung.

Về nguyên tắc, ĐBQH không chỉ làm việc tại nơi đó mà là ĐBQH toàn quốc, toàn dân, có thể được bầu ở khu vực này nhưng lại hoạt động ở khu vực khác, do việc điều động, phân công của Đoàn ĐBQH khi tiếp xúc cử tri sẽ điều tiết việc này. Thậm chí, ĐBQH ở tỉnh này có thể sang tỉnh khác tiếp xúc cử tri cũng không sao. Cơ chế hiện nay rất rộng.

Có ý kiến cho rằng, từ việc cuối khóa không có đánh giá chất lượng từng ĐBQH, những người tâm huyết, làm ngày đêm, bản lĩnh, dám nói ra sự thật cũng chỉ như những người không làm, ông nghĩ sao?

Đánh giá hay không quan trọng nhất thuộc về sự đánh giá của cử tri. Cuối năm, mỗi ĐBQH phải báo cáo với cử tri về hoạt động trong năm đó cũng như những cam kết của mình với cử tri đã được thực hiện đến đâu, thực hiện như thế nào. Mỗi đoàn ĐBQH cũng sẽ có đánh giá về hoạt động của đoàn cũng như của từng ĐB ở địa phương. Tất cả hoạt động của ĐBQH sẽ được dân giám sát.

Việc đổi mới phương thức chất vấn được rất nhiều cử tri quan tâm. Tại kỳ họp này có áp dụng “hỏi nhanh đáp gọn” như đã thực hiện ở phiên họp của Ủy ban TVQH?

Vừa qua tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban TVQH đã thí điểm phương pháp chất vấn “hỏi nhanh đáp gọn”. Mỗi ĐB chỉ hỏi trong vòng 1 phút, còn người trả lời thì trả lời trong 3 phút. Người hỏi phải nêu nội dung ngắn gọn, rõ ràng, người trả lời cũng phải đi thẳng vào vấn đề chứ không thể câu giờ được, vì thời gian chỉ có 3 phút.

Thực tế vừa qua tại phiên thí điểm, khi đưa ra cơ chế này, số người được hỏi nhiều hơn, không còn bị trùng lặp. Nhưng sự đổi mới này đòi hỏi các thành viên Chính phủ phải có sự hiểu biết sâu sắc, nắm rõ mọi vấn đề để sẵn sàng trả lời ngay chứ không có thời gian đọc tài liệu.

Việc thí điểm đổi mới chất vấn tốt nên lần này quyết định áp dụng ở Quốc hội. Tuy nhiên, ra Quốc hội sẽ áp lực hơn rất nhiều nên sẽ chưa áp dụng một người hỏi, một người trả lời ngay, mà để 3 người hỏi, một người trả lời, để các Bộ trưởng không phải chịu áp lực quá lớn.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.