Chuyển động Quốc lộ 1 - 14

Rút ngắn tiến độ, doanh nghiệp và người dân cùng hưởng lợi

17/06/2015, 08:58

Dự án mở rộng QL1 qua tỉnh Bình Thuận rút ngắn tiến độ gần 7 tháng so với yêu cầu của Bộ GTVT.

62
Một đoạn tuyến QL1 qua Bình Thuận được thực hiện bằng hình thức BOT đã hoàn thành

Bằng những giải pháp quyết liệt của nhà đầu tư và các nhà thầu thi công, dự án mở rộng QL1 đoạn Km 1642+000 đến Km 1692+000 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận theo hình thức hợp đồng BOT đã hoàn thành toàn bộ hạng mục chính và chuẩn bị thông xe toàn tuyến vào ngày 21/6/2015, rút ngắn tiến độ gần 7 tháng so với yêu cầu của Bộ GTVT.

Tiến độ, chất lượng công trình được kiểm soát chặt chẽ

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác thu hút nguồn vốn tư nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ngày 1/3/2013, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng dự án công trình mở rộng QL1 đoạn Km 1642+000 đến Km 1692+000 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 2.587 tỷ đồng do Công ty CP BOT Quốc lộ 1A Bình Thuận làm nhà đầu tư.

Đến nay, sau gần hai năm triển khai dự án đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật để thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến từ ngày 21/6/2015 với chất lượng đảm bảo.

Dự án mở rộng QL1 đoạn Km1642+000 đến Km 1692+000 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư 2.587 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ huy động đủ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện đầu tư xây dựng dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí. Được biết, trạm thu phí của dự án được xây dựng tại Km1661+600, dự kiến thu phí từ tháng 7/2015 với thời gian thu phí gần 21 năm.

Ông Nguyễn Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP BOT QL1 Bình Thuận cho biết, điểm đầu của dự án tại Km 1642+000 thuộc địa phận huyện Bắc Bình, điểm cuối tại Km 1692+000, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) với tổng chiều dài toàn tuyến là 50 km. Theo ông Phương, về quy mô, tuyến đường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng (khu vực ngoài đô thị) với vận tốc thiết kế 80 km/h. Đối với những đoạn tuyến qua đô thị theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu, tốc độ thiết kế 60 km/h, bề rộng nền đường 20,5 m.

Trong suốt quá trình triển khai, nhà đầu tư và các đơn vị liên quan đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Ngay từ khi triển khai dự án, nhà đầu tư đã tiến hành lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết cho từng gói thầu và từng hạng mục thi công. Đồng thời yêu cầu các nhà thầu huy động thiết bị, máy móc và nhân lực vào thi công với tinh thần làm ba ca liên tục kể cả các ngày lễ, tết.

“Để đảm bảo tiến độ dự án, chúng tôi luôn bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho các đơn vị thi công. Các nhà thầu thi công đến đâu, chúng tôi tiến hành nghiệm thu khối lượng và giải ngân tới đó. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy dự án về đích trước kế hoạch đề ra gần 7 tháng”, ông Phương nói và cho biết, công tác kiểm soát chất lượng của dự án được thực hiện rất chặt chẽ và nghiêm ngặt.

“Tại hiện trường, nhà đầu tư cùng với TVGS thường xuyên bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ và kinh nghiệm để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn vật liệu đầu vào, kiểm tra và phê duyệt biện pháp tổ chức thi công cho từng hạng mục và kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm công tác quản lý chất lượng, tiến độ thi công cũng như an toàn và vệ sinh môi trường để công trình đạt chất lượng và hiệu quả cao nhất”, ông Phương nhấn mạnh.

Người dân hưởng lợi

Ông Đặng Văn Đạt, Trưởng ban QLDA (Công ty CP BOT QL1 Bình Thuận) cho biết, trong quá trình thi công, dự án không để xảy ra bất cứ sự cố đáng tiếc nào về chất lượng và an toàn lao động. Tất cả các hạng mục của công trình đều đạt chất lượng và đáp ứng yêu cầu thiết kế đã được phê duyệt.

“Công tác sản xuất, thi công bê tông nhựa được nhà đầu tư và các đơn vị thi công đặc biệt chú trọng, mỗi gói thầu của dự án đều có một phòng thí nghiệm riêng. Để kiểm soát chất lượng bê tông nhựa, ở mỗi phòng thí nghiệm chúng tôi đều cắt cử và bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm giám sát, kiểm tra, theo dõi và đối chiếu với các kết quả thí nghiệm của nhà thầu”, ông Đạt nói và cho biết, một số gói thầu của dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác được khoảng 10 tháng nhưng chưa thấy xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe.

Ông Đạt cho biết thêm, do đây là dự án vừa thi công vừa khai thác nên trong quá trình triển khai, nhà đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu phải đặc biệt lưu tâm đến công tác phân luồng, lắp đặt biển cảnh báo,… để đảm bảo ATGT cho các phương tiện lưu thông trên tuyến.

Đánh giá về việc đưa công trình hoàn thành vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra, ông Nguyễn Văn Phương khẳng định: “Để đạt được kết quả như hiện nay, bên cạnh nỗ lực của nhà đầu tư, các đơn vị thi công, là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, Ban QLDA 1, chính quyền và nhân dân địa phương đã tạo điều kiện giúp đỡ trong công tác bàn giao, giải phóng mặt bằng để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Việc rút ngắn thời gian thi công, đưa công trình vào khai thác sớm so với kế hoạch không chỉ giúp nhà đầu tư tiết giảm kinh phí xây dựng mà còn góp phần không nhỏ trong việc đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh Bình Thuận nói chung và khu vực Nam Trung bộ nói riêng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.