Y tế

Rút ống thở nhường nhau trong thảm họa Covid-19 ở Ấn Độ ám ảnh bác sĩ Việt

28/04/2021, 20:14

Trong thảm họa Covid-19 ở Ấn Độ, việc buộc phải rút ống thở của bệnh nhân già để dành cơ hội sống cho người trẻ là nỗi ám ảnh của bác sĩ Việt.

img

Trong thảm họa Covid-19 ở Ấn Độ, bác sĩ buộc phải rút ống thở của bệnh nhân già để dành cơ hội sống cho người trẻ (ảnh minh họa)

Tính đến sáng 28/4, Ấn Độ đã ghi nhận gần 18 triệu ca mắc Covid-19, đứng thứ hai thế giới và hơn 201.000 ca tử vong. Riêng 24 giờ qua, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới ghi nhận gần 363.000 ca mắc mới và hơn 3.200 ca tử vong.

Cơn "sóng thần" Covid-19 khiến toàn bộ hệ thống cơ sở y tế tại Ấn Độ quá tải, bất lực. Thậm chí, các bác sĩ buộc phải rút ống thở của bệnh nhân già để dành cơ hội sống cho bệnh nhân trẻ. Cảnh tượng đó khiến nhiều bác sĩ day dứt, ám ảnh.

Chia sẻ về điều này, BS. Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay: "Hơn 15 năm trong ngành Hồi sức cấp cứu, đã ko ít lần nhận được lời đề nghị của người nhà là "rút ống nội khí quản” cho bệnh nhân quá nặng khi đang thở máy, nhưng chưa một lần dám làm, vì xét về Y học thì người đó vẫn đang sống. Đây sẽ là nỗi ám ảnh suốt cuộc đời với bất kỳ bác sĩ hồi sức nào. Thật sự chia sẻ với các đồng nghiệp Ấn Độ".

BS. Hùng cho hay, ở nhiều quốc gia đã có các Luật về quyền được chết nhưng tại Việt Nam thì không thể. Còn đối với Ấn Độ, các bác sĩ tại đây đã phải quyết định rút máy thở của các bệnh nhân lớn tuổi mắc Covid-19 nặng, nhường cơ hội sống cho những người bệnh trẻ hơn và bị bệnh nhẹ hơn. Đây thực sự là quyết định cân não với các bác sĩ Ấn Độ.

"Khi đọc những thông tin đồng nghiệp Ấn Độ phải rút máy thở của người già nhường cho người trẻ, chúng tôi thật sự ám ảnh, đồng cảm với đồng nghiệp. Nhưng ở góc độ Ấn Độ hiện tại, đây là cấp cứu thảm họa y khoa, bác sĩ phải sàng lọc người bệnh và buộc họ cũng phải đưa ra lựa chọn cho mình. Họ phải ưu tiên người có cơ hội được cứu sống cao hơn người có tiên lượng thấp. Ở hoàn cảnh đó, không có sự lựa chọn nào khác

Nhưng dù là lựa chọn trong điều kiện thảm họa, nhưng ở góc độ nào đó, sau khi quay trở lại cuộc sống bình thường chắc chắn người bác sĩ đó sẽ vô cùng ám ảnh bởi vì những quyết định của mình", ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Hùng, Việt Nam xảy ra với tình huống chỉ 500 ca thở máy thì chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn. Bởi 1 ca nặng như bệnh nhân 19 thì cần tới khoảng 20 máy móc hỗ trợ, chưa kể đội ngũ y bác sĩ.

"Chính vì vậy, dù Việt Nam chống dịch tốt, chúng ta đi trước 1 bước nhưng người dân cũng không nên chủ quan lơ là vì chỉ bỏ qua một lỗ hổng dịch thì nguy cơ bùng dịch là hiện hữu, nhất là khi xuất hiện những biến thể virus SARS-CoV-2 mới, có tốc độ lây lan mạnh...", ông Hùng cảnh báo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.