Xã hội

Rút ra bài học gì sau vụ Formosa?

04/07/2016, 05:34

Việc thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế bằng mọi giá không thể tồn tại thêm ngày nào nữa...

4

Nhiều tàu, thuyền đánh cá nằm không, neo đậu ở thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị - Ảnh: Vĩnh Yên

Cảnh báo trên được PGS.TS. Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch T.Ư Hội Kinh tế môi trường Việt Nam đưa ra trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông về những bài học cần được rút ra sau khi Công ty Formosa Hà Tĩnh được xác định là thủ phạm khiến hải sản chết hàng loạt và môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung.

7

PGS.TS. Trương Mạnh Tiến

Formosa đã rất lì lợm

Ông bình luận thế nào về việc Formosa đã cố tình xây dựng hệ thống xả thải ngầm. Trong khi đó, cơ quan chức năng mặc nhiên coi như không biết?

Trong quyết định cho phép thì vị trí xả thải phải đảm bảo dễ dàng cho việc kiểm tra, giám sát. Có nghĩa là nước thải trước khi xả thải ra môi trường (ở đây là ra môi trường biển) phải đáp ứng đầy đủ các thông số ở ngưỡng cho phép, động thực vật biển vẫn sống và phát triển bình thường. Nhưng thực tế, dù mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm nhưng Formosa không hề thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam, cả ở địa phương và T.Ư để theo dõi, kiểm tra, như vậy là họ đã rất sai. Còn nếu tuân thủ nghiêm ngặt, đúng yêu cầu thì dù xả ngầm hay xả trên mặt đều sẽ không gây sự cố môi trường.

Việc sau hơn hai tháng Formosa mới cúi đầu nhận là thủ phạm khi các cơ quan chức năng Việt Nam đã có đầy đủ chứng cứ khoa học thuyết phục, không thể chối cãi cũng chứng tỏ họ đã rất lì lợm.

Ông có cho rằng, hệ thống xả thải của Formosa dù có đi ngầm đi chăng nữa thì nó cũng không phải là một cái kim, sợi chỉ để cơ quan chức năng có trách nhiệm không thể biết, không thể giám sát?

Trên thực tế, sự cố xảy ra trong quá trình thử nghiệm, Formosa không hề thông báo cho cơ quan quản lý phía Việt Nam nên tất cả đều bị bất ngờ. Hơn nữa rõ ràng từ thực tế này chúng ta phải chú trọng theo dõi kiểm tra ngay sau khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm định về thiết bị công nghệ. Để đảm bảo việc thi công các hạng mục công trình của Formosa hay bất cứ dự án nào cũng vậy, phải tuân thủ đúng theo thiết kế được phê duyệt. Nếu có vi phạm khác, không đúng thiết kế được duyệt thì bắt buộc phải sửa lại ngay lập tức.

5

Hệ thống ống xả thải khổng lồ nối từ các nhà máythuộc dự án Formosa Hà Tĩnh ra biển Vũng Áng - Ảnh: Nguyễn Dũng

Xử lý trách nhiệm để tạo niềm tin

Theo ông, nếu so sánh thì hệ lụy từ sự cố này có gì giống và khác so với việc nhà máy Vedan xả thải gây ô nhiễm sông Thị Vải cách đây chưa lâu?

Về bản chất, cả hai sự cố này là đều xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Nhưng sự cố môi trường khiến hàng loạt cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung khác với sự cố Nhà máy Vedan xả thải gây ô nhiễm sông Thị Vải. Việc xả thải của Formosa là trong quá trình thử nghiệm, vận hành chưa hết công suất và thải ngầm ra biển, còn trường hợp Vedan là xả thải trộm nhiều năm liền sau khi đã đi vào sản xuất. Ảnh hưởng của Vedan là giết chết một dòng sông, còn ảnh hưởng của sự cố Formosa là hủy hoại và gây thảm họa cả vùng biển rộng lớn mà trước mắt thấy được trong phạm vi dọc vùng biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Gần đây hiện tượng các doanh nghiệp cố tình xả thải chưa qua xử lý ra môi trường ngày càng gia tăng. Ở đây ngoài tình trạng buông lỏng quản lý, kiểm tra giám sát, liệu có tiêu cực của cơ quan chức năng để làm ngơ cho doanh nghiệp, thưa ông?

6

Một ngư dân đau đớn cầm trên tay xác cá chết dạt vào bờ biển thuộcthôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh, Quảng Trị (chụp ngày 28/4) - Ảnh: Vĩnh Yên

Để xảy ra những sự cố như vụ xả thải của Fomorsa thì không thể nói không có ai chịu trách nhiệm. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm của những cá nhân và tập thể có liên quan để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Chúng ta ủng hộ và tin là việc này sẽ sớm được làm rốt ráo để niềm tin trong dân tăng lên đối với bộ máy công quyền.

Tại phiên họp trực tuyến với các địa phương ngày 1/7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Không vì phát triển kinh tế, thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường, nhất là môi trường sống của người dân, không vì kinh tế mà hy sinh môi trường”. Chúng ta thấy gì từ thông điệp của Thủ tướng, thưa ông?

Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp rất rõ ràng. Chúng ta hoan nghênh và ủng hộ người đứng đầu Chính phủ. Các thành viên Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan mình, ngành mình có chương trình hành động cụ thể, có sự phối kết hợp nhịp nhàng, làm việc một cách khoa học, công khai, minh bạch và nhất là phải biết dựa vào cộng đồng. Khi được cộng đồng, toàn xã hội ủng hộ những chủ trương đúng đắn thì chắc chắn mọi việc sẽ thành công, sớm hiện thực hóa thông điệp quan trọng, đầy tính nhân văn này.

Cảm ơn ông!

Kinh nghiệm đòi bồi thường thiệt hại từ vụ ô nhiễm môi trường ở Nhật Bản

Thập niên 70 của thế kỷ trước, Công ty Chisso ở Nhật Bản đã gây chấn động dư luận thế giới vì bê bối xả thải độc hại và đã phải đổ một số tiền khổng lồ cho việc khắc phục hậu quả. Chisso có trụ sở ở Tokyo, chuyên sản xuất pha lê lỏng, chất bảo quản, chất sấy khô, phân hóa học, nhựa thông nhân tạo và nhiều sản phẩm khác. Nhà máy của Chisso đặt ở vịnh Minamata và xả thải độc hại ra vùng vịnh này, khiến cư dân xung quanh mắc một căn bệnh lạ được gọi là Minamata năm 1973, gây hậu quả kéo dài hàng chục năm trời. Những người mắc bệnh Minamata có biểu hiện chân tay bị liệt hoặc run lẩy bẩy, tai điếc, mắt mờ, do nhiễm độc thủy ngân từ nhà máy. Những người được cấp chứng nhận là bệnh nhân Minamata sau đó đã được nhận một khoản tiền bồi thường từ 16-18 triệu yên (tương đương 3,4 - 3,9 tỷ đồng). Ngoài ra, Chisso còn phải trả tiền trợ cấp hàng năm, chi phí thuốc men, tiền chăm sóc, tiền mai táng, tiền trị liệu suối nước nóng, châm cứu… Công ty này còn phải trả tiền giúp đỡ, quà tặng an ủi, trị liệu massage, chi phí đi và về của bệnh nhân tới bệnh viện…

Nhằm ngăn chặn những con cá đã bị nhiễm độc và bảo vệ người dân, tỉnh Kumamoto đã thả lưới ở cửa ra vào vịnh Minamata vào năm 1974 và vận động việc đánh cá trong vịnh. Công ty Chisso đã mua lại số cá này và đem đi tiêu hủy.

Hương Mai

8

 

GS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT):
Không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá

Về thu hút đầu tư, đương nhiên là việc không thể đánh đổi. Chúng ta vẫn cứ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài để họ có lợi nhuận, Nhà nước có lợi, người dân có lợi. Tuy nhiên, việc quan tâm giám sát hơn để không làm ảnh hưởng môi trường cần phải được đặt ra. Chúng ta không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá. Ở các nước châu Âu, họ vẫn thu hút đầu tư nhưng vẫn bảo vệ môi trường rất tốt. Đó là điều mà chúng ta cũng lên làm.

9

 

PGS.TSKH Bùi Thị An (Ủy viên ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường):
Phải có phương án giám sát độc lập

Sau sự cố môi trường mà Formosa gây ra, điều cần thiết là phải có phương án giám sát môi trường độc lập, chứ không thể tin tưởng tuyệt đối vào phương án và kết quả xử lý chất thải của các doanh nghiệp. Đồng thời, cần rà soát lại tất cả các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm để đảm bảo không xảy ra sự cố tương tự.

Chúng ta vẫn trải thảm đỏ để mời các doanh nghiệp FDI vào đầu tư, tuy nhiên họ phải tuân thủ đầy đủ luật pháp của Việt Nam, đồng thời phải đảm bảo phát triển bền vững, trong đó vấn đề môi trường phải được quan tâm hàng đầu. Trong mọi trường hợp, ba trụ cột gồm kinh tế - xã hội và môi trường phải luôn đi cùng nhau, bất kỳ ai cũng phải tuân thủ nguyên tắc này, chúng ta không chấp nhận nhà đầu tư nào phá vỡ nguyên tắc đó.

10

 

GS. Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH):
Rà soát quá trình thẩm định, phê duyệt dự án

Việc Chính phủ công bố kết luận về sự cố môi trưởng ở 4 tỉnh miền Trung mới đây mặc dù rất căn bản nhưng cũng mới là bước đầu. Tiếp theo, cần thực hiện ngay một số việc quan trọng như xác định thiệt hại, đền bù cho người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại, tổ chức lại hoạt động đánh bắt, sản xuất, kinh doanh hải sản, đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp sớm ổn định cuộc sống...

Một việc vô cùng quan trọng khác là rà soát toàn bộ quá trình thẩm định, phê duyệt dự án và hoạt động của Công ty Formosa Hà Tĩnh, trên cơ sở đó, xem xét trách nhiệm của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác để có hình thức xử lý thích đáng, bao gồm cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trên cơ sở đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, môi trường và quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm môi trường.

Hoài Vũ (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.