Thế giới

Sa thải Giám đốc FBI, ông Trump đứng trước khả năng bị phế truất?

12/05/2017, 06:35

Quyết định sa thải Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey có thể đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump...

4

Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Giám đốc FBI James Comey (bên trái)

Tồi tệ hơn bê bối Watergate?

Ngay sau khi thông tin sa thải Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ James Comey bùng nổ trên truyền thông, lập tức dư luận Mỹ liên tưởng động thái này với bê bối Watergate từng gây rúng động chính trường Mỹ. Bê bối này xảy ra từ năm 1972 - 1974 vào thời điểm Chiến tranh Việt Nam khi chính quyền Tổng thống Richard Nixon lạm dụng quyền lực để ngăn cản phong trào phản chiến và Đảng Dân chủ (lực lượng chính trị đối lập).

Trong đó, cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon sa thải Archibald Cox, công tố viên đặc biệt chịu trách nhiệm điều tra vụ đột nhập văn phòng Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) bên trong tòa nhà Watergate ngày 17/6/1972. Cuối cùng, khi bê bối vỡ lở, đứng trước nguy cơ bị phế truất, Tổng thống Richard Nixon tuyên bố từ chức.

Còn trong sự việc lần này, nhiều nguồn tin từ truyền thông cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải Giám đốc FBI vì ông này đi sâu điều tra cáo buộc đội vận động tranh cử ông Trump thông đồng với Nga. Ngày 11/5, hãng Reuters dẫn các nguồn tin từ Nghị sĩ Mỹ cho biết, vài ngày trước khi bị sa thải, ông Comey từng nói với họ về việc sẽ huy động thêm nguồn lực để điều tra cáo buộc trên.

Bác bỏ những cáo buộc đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng chưởng lý Jeff Sessions, Phó tổng Chưởng lý Rod Rosenstein và nhiều quan chức Chính phủ cho biết, quyết định này không liên quan tới cuộc điều tra Nga. Họ khẳng định, ông Comey bị sa thải vì sai phạm trong quá trình điều tra cáo buộc cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sử dụng máy chủ cá nhân để xử lý việc công.

Đáng chú ý, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống đã quyết định dựa trên bản ghi nhớ do ông Rosenstein trình lên Tổng thống, trong đó có nhiều cáo buộc với ông Comey. Nhưng, theo tờ Washington Post, bản thân ông Rosenstein đe dọa sẽ từ chức vì bị Nhà Trắng mô tả như là nguồn cơn khiến Tổng thống ra quyết định sa thải ông James Comey.

Có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng

So sánh giữa hai vụ việc, nhiều chuyên gia cho rằng, xét trên nhiều khía cạnh, sự việc sa thải ông Comey có thể gây ảnh hưởng lớn hơn bê bối Watergate và chủ yếu xoay quanh lý do ông Trump quyết định tước bỏ vị trí của ông Comey.

Ông Glenn Carle, cựu Giám đốc Sở Mật vụ Quốc gia thuộc Cơ quan Tình báo T.Ư Mỹ (CIA), chuyên gia an ninh quốc gia nhận định, sự việc này có thể trở thành “thảm họa” nếu ông Trump sa thải ông Comey vì tức giận khi FBI điều tra mối quan hệ Trump - Nga. “Watergate là vụ việc rất lớn nhưng về cơ bản đó là cáo buộc hình sự” còn việc ông Trump sa thải ông Comey, nếu vì Nga, sẽ là hành động “phản bội” và là mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia.

Ông Richard Painter, cựu luật sư trưởng về vấn đề đạo đức Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush cũng bày tỏ nghi vấn về việc sa thải ông Comey. Theo ông, động thái này là hành động lạm dụng quyền Tổng thống. “Chúng ta không thể tha thứ cho hành động một quan chức khi sa thải người đang điều tra ông ta và các cáo buộc thông đồng với nước ngoài, nếu điều đó có thật”, ông Painter nói.

Theo ông, “vụ việc này còn tồi tệ hơn vụ Watergate. Bởi lẽ, Watergate liên quan tới hành động đột nhập. Nếu xét về bản chất thì đơn thuần là vấn đề trong nước. Còn sự việc lần này liên quan tới hoạt động gián điệp của Nga. Chúng ta cần phải tìm ra bằng được người bắt tay với đối thủ”.

Dựa trên khung thời gian vụ sa thải ông Comey, “việc can thiệp này rõ ràng là ông Trump phật lòng về vụ điều tra”, cựu luật sư cấp cao tại CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Robert Deitz nói. Ông cũng cho biết: “Nếu sự việc này liên quan tới Nga, ảnh hưởng từ đó sẽ bùng nổ rộng hơn những gì chúng ta đang đồn đoán. Đó là mối đe dọa với nền dân chủ và chắc chắn sự việc sẽ lớn hơn vụ Watergate”.

Liệu ông Trump có thể bị phế truất?

Nếu ông Sessions và ông Rosenstein “xào xáo” thông tin để dựng lên lý do giả, tạo điều kiện cho ông Donald Trump sa thải ông Comey để che đậy cuộc điều tra liên quan tới Nga thì đó sẽ được coi là hành động can thiệp của nhánh hành pháp vào cuộc điều tra pháp lý.

Hơn thế, về mặt Hiến pháp, nếu đó là sự thật, hành động sa thải Giám đốc FBI được coi là lừa dối người dân Mỹ và cản trở công tác điều tra hành vi sai trái của Tổng thống. Đồng nghĩa, ông Donald Trump đã vi phạm lời hứa khi tuyên thệ nhậm chức.

Nếu kịch bản đó xảy ra, ông Trump không còn có quyền hành pháp. Kịch bản xấu nhất là ông Trump có thể bị phế truất. Phế truất Tổng thống là tiến trình chính trị chứ không thuộc vấn đề tư pháp. Nếu phần lớn Nghị sĩ Quốc hội đồng tình, ông Trump có thể bị phế truất, buộc phải rời khỏi vị trí Tổng thống và không dựa trên tiêu chí nào chính thức.

Theo các chuyên gia luật, sau đây, có lẽ, Quốc hội Mỹ sẽ thành lập một ủy ban điều tra hoặc Phó tổng Chưởng lý Rod Rosenstein có thể chỉ định một công tố viên độc lập để điều tra. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào năm 2018. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.