Lối sống

Sách điện tử loay hoay tìm chỗ đứng trong văn hóa đọc

28/11/2016, 14:30
image

E-book (sách điện tử) đã và đang làm nên bước đột phá mạnh mẽ trong văn hóa đọc của người Việt.

sach dt

Thị trường sách điện tử Việt Nam đang lớn dần theo từng năm.

Tuy nhiên, để dòng sách này có lãi và soán ngôi thay sách in truyền thống sẽ phải trải qua con đường dài.

Chuyển mình trong văn hóa đọc

Trong vòng hai năm gần đây, thị trường sách điện tử có bản quyền tại Việt Nam đã hình thành rõ nét với sự tham gia của các đơn vị Vinabook.com (phát hành sách trực tuyến), Công ty Lạc Việt (cung cấp sách điện tử), Vinapo (phân phối sách điện tử Alezaa), TiKi... Bên cạnh đó, các nhà xuất bản (NXB) cũng “nhập cuộc”, xây dựng chiến lược phát triển xuất bản sách điện tử riêng như: Ybook (NXB Trẻ), Sachweb (NXB Tổng hợp TP HCM)...

Mới đây, NXB Giao thông vận tải cũng đã khai trương Tủ sách điện tử với hơn 50 tên sách chuyên ngành với phương thức thanh toán đơn giản thông qua nhập mã thẻ điện thoại mà không cần phải có thẻ ATM, thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng mới giao dịch được. Một số NXB, công ty truyền thông đa phương tiện cũng hướng đến chiến lược đầu tư dài hạn, thí điểm tổ chức các sàn giao dịch sách điện tử: NXB Thông tin và truyền thông, NXB Thời đại…

Mới đây, sàn giao dịch sách điện tử mang tên ReBooks lần đầu tiên được ra mắt. Không chỉ là sàn giao dịch sách điện tử đầu tiên tại Việt Nam, ReBooks còn cung cấp dịch vụ xuất bản, dịch thuật, truyền thông để khách hàng có thể nhanh chóng đưa được quyển sách của mình đến rộng rãi bạn đọc trên toàn thế giới.

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, in và phát hành, năm 2015 đã xác nhận đăng ký xuất bản 76.371 tên xuất bản phẩm. Trong đó, có 2.774 tên xuất bản phẩm điện tử, mức hưởng thụ bình quân đạt khoảng 4,1 bản sách/người. Nhìn vào những con số trên cũng phần nào cho thấy thị trường sách điện tử đang lớn dần.

Vẫn tiềm năng, lợi nhuận chưa cao

Hàng loạt công ty công nghệ cung cấp sách và xuất bản phẩm, hàng trăm website sách trực tuyến ra đời, cùng sự góp mặt của nhiều công ty viễn thông và công nghệ lớn. Tuy nhiên, hầu hết các nhà làm sách đều cho rằng, thị trường sách điện tử tại Việt Nam phần lớn vẫn nằm ở vị trí tiềm năng và chưa thực sự mang về lợi nhuận cho đơn vị.

Với NXB Giao thông vận tải, một trong những đơn vị vừa bắt tay “số hóa” sách và kinh doanh sách điện tử cho biết, doanh số từ sách điện tử không đáng kể. Kinh doanh sách điện tử vẫn chưa thu đủ bù chi cho đầu tư cơ sở vật chất cũng như nhân lực phục vụ hoạt động này của đơn vị. “Lý do vì thị trường bạn đọc Việt Nam chưa quen việc đọc sách điện tử. Cạnh tranh trong các DN sách điện tử chưa cao, sự vượt trội về nguồn lực để có thể đầu tư lớn, tạo cú hích vào thị trường không mạnh”, ông Bùi Ngọc Khoa, Ban Phát triển thị trường - Dự án Sách điện tử NXB Giao thông vận tải cho biết.

Dù lợi nhuận chưa cao, nhưng anh Khoa vẫn khẳng định, sách điện tử là xu thế tương lai và vô cùng tiềm năng. “Amazon là một trang mạng nổi tiếng trên thế giới vừa là nơi bán sách và giúp tác giả tự xuất bản sách điện tử. Họ cũng có bước đi khó khăn, nhưng doanh thu năm 2015 lên tới hơn 100 tỷ USD từ mảng bán hàng online. Chính vì thế, sách điện tử Việt Nam cũng đầy hy vọng”, ông Khoa nói.

Cần con mắt xanh

Một trong những thách thức khiến hầu hết những người làm sách điện tử là vấn đề giữ cho được bản quyền. Tổng biên tập NXB Thông tin và truyền thông, ông Trần Chí Đạt tỏ ra lo ngại: Việc “xuất bản” được sách ngay và nếu có kết nối internet thì có thể phát tán lập tức với số lượng vô cùng lớn. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc NXB Trẻ chia sẻ thêm: Với sự phát triển mạnh của mạng internet, CNTT, lĩnh vực xuất bản cần có những biên tập viên không những giỏi về chuyên môn, khả năng ngôn ngữ tốt, mà còn cần có “con mắt biên tập viên” sáng suốt để có thể phân tích, đánh giá và phản biện mọi vấn đề. Biên tập viên trước đây thì chỉ cần am hiểu về các kỹ năng văn bản, dàn trang và tư duy hình ảnh, thì hiện nay đòi hỏi phải có thêm tư duy nội dung số.

Làm thế nào để xuất bản và phát hành sách điện tử một cách hiệu quả trong thời gian tới là câu hỏi dành cho không phải bất cứ đơn vị, cá nhân làm sách nào. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, phần lớn các đơn vị tham gia xuất bản và phát hành sách điện tử lẫn cơ quan quản lý nhà nước đều thừa nhận: Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hoàn thiện chính sách, pháp luật vẫn là hoạt động cần thiết. Bên cạnh tăng cường đầu tư vốn, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản, phát hành sách điện tử trong giai đoạn hiện nay cũng như những năm sắp tới.

Cục Xuất bản, in và phát hành cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016 đã xử phạt 87 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung trên sách in và sách điện tử. Nội dung sai phạm về mốc thời gian và sự kiện lịch sử, nhận định thiếu khách quan, không đúng sự thật lịch sử hoặc không như truyền thuyết mang tính lịch sử của dân tộc, làm mất đi sự thiêng liêng và tự hào của dân tộc.

Nội dung miêu tả tình dục thô tục, phản cảm hoặc miêu tả tội ác của hung thủ rùng rợn và tỉ mỉ, không phù hợp với việc giáo dục thanh, thiếu niên; Nội dung nhảm nhí, không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam; Nội dung sai lệch về chủ quyền biển đảo quốc gia; Đưa ra một số nội dung liên quan đến người thật, việc thật và những mâu thuẫn ở địa phương hoặc nội dung không còn tính thời sự hoặc chưa có kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng, gây khiếu kiện kéo dài...

 Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.