Điều tra

Sai phạm mương Phan Kế Bính, Hà Nội: Chính quyền“án binh bất động”lạ thường!

04/06/2018, 14:39

Trong khi các sai phạm tại dự án cống hóa mương Nghĩa Đô trên đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy....

24

Nhà hàng Hải sản Phố có mặt tiền hàng trăm mét, được xây dựng trên đất mương

Trong khi các sai phạm tại dự án cống hóa mương Nghĩa Đô trên đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy đang được xử lý rốt ráo thì kỳ lạ thay, các vi phạm tại dự án cống hóa mương Phan Kế Bính, quận Ba Đình, chưa có động thái nào cho thấy chính quyền sẽ cưỡng chế, giải tỏa.

Chính quyền vẫn “án binh bất động”

Theo tìm hiểu của PV, ngày 31/12/2008, UBND TP Hà Nội đã có văn bản cho Công ty CP Đa quốc gia thuê đất, người được thành phố ủy quyền ký hợp đồng khi đó là ông Đinh Trọng Sơn, Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội. Đến ngày 24/2/2009, Phó giám đốc Sở TN&MT Trịnh Kiên Đĩnh ký cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) cho Công ty CP Đa quốc gia với diện tích 6.078m2, thời hạn sử dụng 20 năm làm bãi để xe ôtô, dịch vụ, nhà rửa xe và công trình phụ trợ. Tuy nhiên, sau khi thực hiện cống hóa mương Phan Kế Bính, Công ty CP Đa quốc gia đã ký hợp đồng cho thuê đất với hàng loạt đơn vị khác, trong đó có nhiều diện tích sử dụng sai mục đích so với quyết định phê duyệt.

Kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ, việc UBND TP Hà Nội ra quyết định cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính (thời hạn 20 năm) cho doanh nghiệp, trong khi mương đã được quy hoạch sử dụng để mở rộng đường Phan Kế Bính là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và quy hoạch.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được thuê đất mương thoát nước để cống hóa làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ nhưng phần lớn diện tích đất mương sau khi cống hóa lại được cho thuê xây dựng showroom, văn phòng, nhà hàng; Một phần diện tích bị chuyển nhượng, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và xây dựng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Dự án mở rộng đường Phan Kế Bính phải công khai để nhân dân biết, giám sát và phải thực hiện đấu thầu dự án minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật.  

Cuối năm 2017, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND TP Hà Nội khẩn trương xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan tại hai dự án cống hóa mương Phan Kế Bính (quận Ba Đình), Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý các vi phạm trước ngày 1/4.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, đến cuối tháng 5, mới chỉ có dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô đang được xử lý rốt ráo, còn tại dự án cống hóa mương Phan Kế Bính, các sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại trước sự án binh bất động của các cấp chính quyền.

Tại dự án này, hàng loạt nhà hàng, quán nhậu mọc lên nhan nhản, hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm. Từ đường Liễu Giai rẽ phải vào phố Phan Kế Bính, có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt công trình đã được xây dựng kiên cố, cao 2 - 3 tầng từ nhiều năm nay. Trong số này, có những nhà hàng như: Hải sản phố, bia Hải xồm, nhà hàng Pizza, siêu thị... mà chắc chắn chủ nhân đã phải đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng và giá thuê đất có khi lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng. Nếu bị giải tỏa, cưỡng chế, đây hẳn sẽ là sự lãng phí rất lớn.

Thế nhưng, khi liên hệ với chủ đầu tư để tìm hiểu việc nếu bị cưỡng chế giải tỏa, doanh nghiệp có đòi thành phố đền bù hay không, PV lại được bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đa Quốc gia cho biết: “Thời điểm này, chúng tôi chưa thể tiếp xúc với báo chí và nếu báo chí đưa bài thời điểm này sẽ gây khó khăn cho chủ đầu tư cũng như các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây”(?)

25

Hàng chục nhà hàng, siêu thị được xây kiên cố từ 2 - 3 tầng dọc mặt đường trên đất mương Phan Kế Bính

“Đang rà soát, thống kê các vi phạm”

Để làm rõ hơn những tồn tại vi phạm xây dựng công trình sử dụng sai mục đích trên địa bàn, PV đã tìm gặp ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND phường Cống Vị. Tuy nhiên, ông Hưng cho biết, “chưa thể cung cấp thông tin gì” và yêu cầu PV chuyển giấy giới thiệu xuống... bộ phận một cửa(?). Nhiều ngày sau đó, PV nhiều lần liên hệ với ông Hưng nhưng không nhận được câu trả lời.

Khi được hỏi, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng chỉ nói ngắn gọn: “Hiện, quận Ba Đình đang tiến hành rà soát, thống kê lại toàn bộ các vị trí vi phạm để tiến hành tháo dỡ, cưỡng chế xử lý nghiêm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố và Thủ tướng Chính phủ”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội thông tin, mới đây tại cuộc họp với các sở, ban, ngành của thành phố, Sở TN&MT đã có tờ trình, dự thảo quyết định để tham mưu trình UBND TP Hà Nội ký quyết định thu hồi quyết định giao đất và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Công ty CP Đa Quốc gia. Còn chính quyền địa phương sẽ có trách nhiệm giải tỏa cưỡng chế theo quy định. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.