Thị trường

Sai phạm về điện mặt trời mái nhà, Bộ Công thương nêu hướng xử lý

30/03/2022, 17:11

Tại cuộc họp báo chiều nay 30/3, Bộ Công thương đã thông tin về hướng xử lý đối với những sai phạm về điện mặt trời mái nhà vừa qua...

Sẽ xử lý kỷ luật một số đơn vị trực thuộc EVN

Tại Họp báo thường kỳ Bộ Công thương diễn ra chiều 30/3, trả lời về các câu hỏi của báo chí về các sai phạm khi phát triển điện mặt trời mái nhà, ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: "Phát triển điện mặt trời là chủ trương đúng để tăng khả năng phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng hóa thạch, giảm phát thải, đảm bảo an toàn môi trường".

img

Ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương)

Tuy nhiên, đến cuối 2020, nguồn điện này phát triển nóng và có một số vướng mắc, có những quá tải cục bộ ở một số địa phương do điện mặt trời chỉ tập trung phát triển ở một số địa phương có tiềm năng về cường độ ánh sáng, như các tỉnh nam miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ...

Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm theo báo cáo.

Ông Hùng cho biết, đoàn kiểm tra vẫn chưa kiểm tra toàn diện mà mới kiểm tra ngẫu nhiên, xác suất, do đó, Bộ Công thương đã yêu cầu các công ty điện lực phải rà soát toàn bộ quá trình phát triển các dự án, hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).

Đặc biệt là các vấn đề như chấp thuận, thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu, đưa vào phát điện, chốt chỉ số công tơ, ký hợp đồng mua bán điện theo đúng, đủ quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương để xử lý các dự án/hệ thống ĐMTMN...

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù chưa có doanh nghiệp, dự án nào bị đình chỉ hoạt động, nhưng có những dự án, EVN đã dừng trả tiền khoảng 1-2 tháng để rà soát. Nếu đúng thì sẽ trả tiền cho chủ đầu tư, còn sai thì sẽ có những phương án xử lý tiếp theo. Đối với những dự án khai khống, sẽ xử lý kỷ luật một số đơn vị trực thuộc EVN.

Về trách nhiệm của Bộ Công thương trong việc để "quy hoạch mở" khiến cho việc phát triển "nóng" thời gian qua, ông Hùng giải thích do quy hoạch VII có nhiều dự án chậm tiến độ như các nhà máy điện than, BOT Sông Hậu, Long Phú, Thái Bình...

Bộ Công thương đã tham mưu đưa vào quy hoạch bổ sung 1 số dự án điện mặt trời nhằm nhanh chóng kịp thời đưa vào đảm bảo cung ứng điện, tăng cường thay cho các dự án đang chậm tiến độ...

Nghi Sơn chưa có kế hoạch cho quý II

Cũng tại cuộc họp báo, Báo Giao thông đặt câu hỏi: "Nguồn cung ứng xăng dầu hiện nay thế nào? Tình hình sản xuất và cung ứng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ra sao? Đã có kế hoạch giao hàng tháng 4 và tháng 5? Và tiến độ nhập khẩu thêm xăng dầu của các DN đầu mối đang thực hiện ra sao để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước?".

img

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước. Ảnh: Báo Công thương

Trả lời câu hỏi về kế hoạch cung ứng xăng dầu, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cơ bản đã khôi phục hoạt động trở lại, nhưng vẫn chưa có báo cáo cụ thể việc sản xuất kinh doanh và giao hàng trong quý II.

Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo 10 thương nhân đầu mối lớn, ngoài việc nhập khẩu theo hạn ngạch năm 2022, phải nhập khẩu thêm theo kế hoạch được giao. Tuy vậy, việc nhập khẩu không thể ngày một ngày hai đáp ứng được.

Do ảnh hưởng của Covid-19, xung đột giữa Ukraina và Nga, các vấn đề địa chính trị nên nhiều nước cũng đang tìm nguồn cung, chứ không riêng gì Việt Nam.

Hơn nữa, trước đây các thương nhân chủ yếu lấy từ Nghi Sơn, Bình Sơn, thiếu mới nhập khẩu, nên việc kết nối lại, đàm phán mua gặp khó khăn trong thời điểm giá dầu tăng rất cao, tốn chi phí rất lớn cho doanh nghiệp đầu mối.

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định nguồn cung xăng dầu Quý II (tháng 4,5,6) không tính đến lượng xăng do nhà máy Nghi Sơn cung cấp.

Phóng viên hỏi "Liệu xăng dầu có đủ trong quý II không?", theo Thứ trưởng Hải, sẽ cố gắng mức cao nhất đủ xăng dầu cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và người dân.

"Trong Quý 3, chúng tôi sẽ có cuộc làm việc với Nghi Sơn để xem nhà máy này cung cấp được bao nhiêu thì sẽ ưu tiên, phần còn thiếu phải yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối chủ động tăng cường", Thứ trưởng Hải nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.