Quản lý

Sân bay có xe nâng phục vụ người khuyết tật quá ít

07/04/2015, 07:17

Thông tin này được khẳng định tại văn bản của Vietjet gửi Bộ GTVT hôm 6/4.

cang_hang_khong_tho_xuan10_46_21_000000
Theo Giám đốc điều hành Vietjet Lưu Đức Khánh, nhiều cảng hàng không, trong đó có Thọ Xuân chưa được trang bị xe nâng

Ngay khi nhận được thông tin về vụ Vietjet từ chối phục vụ người khuyết tật, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký công văn yêu cầu Công ty Cổ phần hàng không Vietjet báo cáo sự việc hành khách Nguyễn Thị Vân bị hãng từ chối vận chuyển khi đi từ Đà Nẵng về Hà Nội theo vé khứ hồi. Chị Nguyễn Thị Vân là người khuyết tật và đã phải chờ đợi 6 tiếng tại sân bay Đà Nẵng, sau đó phải mua vé của hãng khác để bay về Hà Nội lúc 22 giờ cùng ngày.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Hàng không VN rà soát, kiểm tra công tác phục vụ hành khách là người khuyết tật của các đơn vị trong ngành báo cáo Bộ trước ngày 9/4/2015. Báo cáo phải nêu rõ những tồn tại, hạn chế (nếu có) và đề xuất phương án xử lý.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT ngày hôm qua (6/4), Giám đốc điều hành hãng hàng không Vietjet Lưu Đức Khánh khẳng định chỉ có 5/13 sân bay nội địa mà hãng này đang khai thác gồm Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc và Liên Khương có trang bị xe nâng (high-lift). “8 sân bay còn lại gồm Phù Cát, Thọ Xuân, Cam Ranh, Vinh, Cần Thơ, Ban Mê Thuột, Phú Bài và Cát Bi chưa được trang bị loại phương tiện này” – ông Khánh nói.

Cũng theo ông Khánh, chính vì thiếu đồng bộ như vậy nên rất nhiều trường hợp ở sân bay xuất phát, Vietjet thuê được dịch vụ xe nâng để phục vụ khách nhưng tại sân bay đến, đại diện VietJet phải trực tiếp “bế, ẵm, cõng” hành khách là người khuyết tật xuống thang bộ. Điều này tiềm ẩn mối nguy hiểm đến sức khỏe, sự an toàn của hành khách là người khuyết tật cũng như của chính nhân viên đại diện hãng, tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay.

Mặc dù vậy, ông Khánh bày tỏ: Trong những tình huống cụ thể, buộc phải từ chối chuyên chở, hãng sẽ bị khiếu nại, phải chịu áp lực lớn từ dư luận, báo chí và các cơ quan quản lý nhà nước  như trường hợp khách Nguyễn Thị Vân vừa xảy ra. “Đây là vấn đề bất cập trong công tác phục vụ hành khách là người khuyết tật hiện nay” – ông Khánh nói.

Cũng theo CEO Vietjet, cũng vì linh hoạt, cố gắng tạo điều kiện để vận chuyển hành khách là người khuyết tật dù sân bay không có trang thiết bị phục vụ, VietJet từng bị đại diện Cảng vụ nhắc nhở. Cách đây không lâu, trường hợp chuyến bay VJ310/SGN-UIH ngày 5/1/2015, tại Tân Sơn Nhất, VietJet đã chấp nhận vận chuyển khách với tình trạng tương tự khách Nguyễn Thị Vân, khách bị liệt nửa người dưới, không tự di chuyển được. Khi máy bay đến sân bay Phù Cát, đại diện VietJet tại sân bay đã trực tiếp lên máy bay cõng khách từ cabin xuống thang bộ và sau đó hãng đã bị đại diện Cảng vụ hàng không miền Trung tại sân bay Phù Cát nhắc nhở vì không đảm bảo an toàn.

Nhiều hành khách là người khuyết tật không tuân thủ quy định, vẫn cứ lên sân bay mới nêu yêu cầu gây áp lực lớn cho các bộ phận phục vụ mặt đất, đẩy hãng vào tình huống rất bị động và khó xử trong công tác phục vụ hành khách, đảm bảo chuyến bay đúng giờ.

Một khó khăn nữa trong việc phục vụ hành khách là người khuyết tật, theo ông Khánh, là cơ sở vật chất của nhiều nhà ga, sân bay còn nhiều bất cập, thiếu sự đồng bộ. Nhiều sân bay chưa được thiết kế để phục vụ hành khách khuyết tật như thiếu lối giao thông riêng, thiếu các trang thiết bị phục vụ riêng...

“Thực tế, khách hàng chỉ biết hãng hàng không nên mọi áp lực, từ dư luận tới cơ quan quản lý lên hãng là rất lớn. Khi khách hàng không hài lòng, chỉ có hãng phải chịu trách nhiệm. Ví dụ, trên chuyến bay VJ8911/HAN-BKK ngày 24/5/2014, VJ đã đặt dịch vụ xe nâng cho khách khuyết tật nhưng đến khi boarding thì không có phương tiện phục vụ do thiếu xe, buộc hãng phải cắt khách khuyết tật vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm khách khác. Khách khuyết tật và người nhà đã phản ứng quá khích, đập phá nhà ga, làm vỡ cửa kính tại cửa khởi hành. Kết quả, VietJet phải bồi thường cho khách  kèm theo tai tiếng về dịch vụ không tốt mà thực tế là bất khả kháng tại nhà ga” – ông Khánh nói.

Trong Chỉ thị số 1630 về việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách là người khuyết tật vừa được Cục Hàng không VN ban hành, cơ quan này đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cần xây dựng lộ trình bổ sung xe nâng hành khách sử dụng xe lăn lên tàu bay tại các Cảng Hàng không, sân bay hiện chưa có xe nâng đồng thời yêu cầu cán bộ, công nhân viên làm nhiệm vụ phục vụ hành khách tại Cảng Hàng không, sân bay chủ động cung cấp thông tin về đường dây nóng của Cảng Hàng không, sân bay cho hành khách sử dụng dịch vụ; rà soát, bố trí vị trí đặt thông báo đường dây nóng phù hợp, thuận tiện cho hành khách liên hệ, phản ánh, kiến nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.