Vận tải

Sân bay Côn Đảo có thể đón tàu bay lớn cỡ nào?

06/07/2020, 10:00

Cục Hàng không VN đang hoàn thiện quy hoạch sân bay Côn Đảo theo hướng đảm bảo khai thác tàu bay mới với tải trọng lớn hơn rất nhiều.

img
Sân bay Côn Đảo đang được Vasco độc quyền khai thác bằng tàu bay ATR72

Hiện tại, dòng máy bay duy nhất đang khai thác tại sân bay Côn Đảo là ATR72, sức chứa chỉ 70 hành khách.

Giữ nguyên chiều dài đường cất hạ cánh

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, một trong những điểm đáng chú ý trong Quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo đang được Cục Hàng không VN xây dựng là việc tới năm 2030, vẫn giữ nguyên chiều dài đường cất hạ cánh 1.830m.

Ông Đoàn Xuân Hoạch, Trưởng phòng quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay, Cục Hàng không VN cho hay: “Dù không thay đổi chiều dài nhưng sẽ cải tạo, nâng cấp sức chịu tải cũng như mở rộng thêm, nâng cấp đường lăn… để có thể đáp ứng khai thác các tàu bay lớn hơn như: A319, A321neo, A321ceo”.

Trước đây đã từng có rất nhiều ý kiến đề xuất kéo dài đường cất hạ cánh sân bay Côn Đảo từ 1.830m hiện nay lên 2.400m, chiều rộng đường băng 45m để đón tàu bay lớn.

Tư vấn ADCC đã nghiên cứu và đưa con số kinh phí đầu tư, nâng cấp sân bay Côn Đảo lên tới hơn 11.700 tỷ đồng. Trong đó, dành hơn 5.300 tỷ đồng để nâng cấp, kéo dài đường băng (bao gồm cả chi phí vận chuyển đất, đá từ đất liền ra để đắp lấn biển trong điều kiện không thể khai thác mỏ đất tại Côn Đảo).

Tuy nhiên, sẽ cần ít nhất 3 - 4 năm để có thể hoàn thành được đường băng (không tính thời gian chuẩn bị đầu tư) nếu phương án này được chấp thuận.

Phía Tổng công ty Cảng hàng không VN - ACV, Phó tổng giám đốc Đỗ Tất Bình cũng nhận định, việc kéo dài đường băng Côn Đảo về phía biển không gặp khó khăn về kỹ thuật.

“Chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ xây dựng đường băng này. Tuy nhiên, vấn đề duy nhất ở phương án này là quá tốn kém. Hàng chục năm trước, ACV đã từng nghiên cứu phương án kéo dài đường băng Côn Đảo ra biển và khẳng định, phương án này không khó về kỹ thuật, chỉ mắc về kinh tế”, ông Bình nói thêm.

Đại diện ACV cũng nêu quan điểm, kết cấu mặt đường băng hiện là bê tông nhựa. Nếu thay bằng mặt đường bê tông xi măng, A319 hoàn toàn có thể bay đến Côn Đảo mà không cần giảm tải.

Nhiều hãng hàng không muốn bay Côn Đảo

img
Khách lên máy bay ATR72 tại sân bay Côn Đảo

Nguồn tin riêng của Báo Giao thông cho hay, Bamboo Airways đang tiến hành thuê lại tàu bay Bombardier từ đối tác nước ngoài để khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo. Loại máy bay này đã từng được Air Mekong, biệt danh “Sếu đầu đỏ” khai thác đến Côn Đảo.

Trước đó, hãng hàng không Vietjet từng làm việc với các đối tác về phương án khai thác máy bay Airbus A319 với số lượng 2 - 3 chiếc đến Côn Đảo. Đường bay mà Vietjet Air dự kiến mở sẽ từ Hà Nội - Côn Đảo; TP HCM - Côn Đảo và Côn Đảo - Hà Nội với tần suất 4 - 6 chuyến/ngày.

Liên quan việc thêm hãng bay đến Côn Đảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho hay, Chính phủ không hạn chế cũng không ưu ái cho một doanh nghiệp, một hãng hàng không nào. Việc chỉ một hãng khai thác đường bay Côn Đảo hiện nay là do định hướng sử dụng đội máy bay của các hãng hàng không.

Hiện nay, Vietjet chỉ tập trung vào dòng máy bay A320, A321 phục vụ cho hoạt động khai thác chi phí thấp (giá rẻ), sử dụng một “họ” máy bay để giảm chi phí khai thác, đào tạo phi công, kho vật tư phụ tùng… nhằm hạ mức giá vé cạnh tranh.

Vietjet chưa bay được, Vietnam Airlines đang nghiên cứu A319, song chưa biết mẫu máy bay này có thể hạ cánh ở sân bay Côn Đảo được hay không. Độ dài của đường cất hạ cánh có thể đáp ứng được nhưng sức chịu tải của đường cất hạ cánh, sân đỗ có thể chưa đạt được và đang phải nghiên cứu.

Nếu giờ khai thác đường bay Côn Đảo, Bamboo Airways sẽ phải đầu tư một loại tàu bay mới, nghĩa là thêm chi phí khai thác, thêm chi phí đào tạo phi công, thợ máy…

Thông tin thêm về việc Vasco đang độc quyền bay Côn Đảo, ông Cường cho hay: “Vasco đang ở vào thế độc quyền không phải do họ mong muốn. Trước đây, đường bay này có cạnh tranh với Air Mekong. Khi Air Mekong rời thị trường, Vasco trở thành “một mình một chợ”.

Cũng theo ông Cường, VASCO đang mong muốn có nhiều chuyến bay hơn, giảm chi phí, hướng tới giảm giá vé. Tuy nhiên, tình trạng khai thác ở Côn Đảo khá hạn chế do sân bay này không có đèn đêm, chỉ có thể cất hạ cánh vào ban ngày.

Phía sân bay Tân Sơn Nhất cũng không muốn đón ATR-72 do cất cánh hay hạ cánh đều chậm, không tăng được tần suất khai thác ở sân bay này.

Do sân bay Tân Sơn Nhất cho phép hạ cánh nhưng không khuyến khích, nên nhiều chuyến bay từ Côn Đảo phải hạ cánh ở sân bay Cần Thơ. Thực trạng khiến nhiều hãng bay không mặn mà khai thác đường bay Côn Đảo.

“Tôi khẳng định, bất kỳ hãng nào thu xếp được máy bay phù hợp với năng lực tiếp nhận ở Côn Đảo đều được Cục Hàng không VN cấp phép, không hạn chế. Vietjet, Bamboo Airways, thậm chí là hãng hàng không sắp sửa ra đời Vietravel Airlines nếu thuê, mua máy bay phù hợp thì đều có thể bay được”, ông Cường nói.

Liên quan đến việc thêm hãng bay đến Côn Đảo, giá vé máy bay liệu có giảm, một chuyên gia vận tải hàng không cho hay: Nhu cầu đi Côn Đảo là rất lớn, một mình Vasco không đảm đương nổi. Thêm hãng, thêm cạnh tranh, tuy nhiên nếu vẫn chỉ khai thác các tàu nhỏ, giá vé khó rẻ vì “cầu nhiều, cung chưa được bao nhiêu.

Giá vé máy bay đến Côn Đảo chỉ có thể rẻ hơn trong trường hợp sân bay này được nâng cấp để đón các tàu bay lớn hơn, hiện đại hơn với tần suất dày hơn nữa”, chuyên gia này cho hay.

Côn Đảo là một trong những sân bay cổ nhất Việt Nam do Pháp xây dựng trong những năm thực thi chế độ cai tù đối với các chiến sĩ cộng sản Việt Nam thế kỷ 19. Sân bay này có đường băng ngắn, bao quanh là biển cả và núi non hiểm trở.

Sân bay Côn Đảo hiện là sân bay cấp 3C và sân bay quân sự cấp 2, tức là đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72, F70 và tương đương, công suất 300.000 khách/năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.